1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thắng của ông Netanyahu khiến thế giới lo ngại

Việc tái cử hôm 19/3 của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang không những khiến các nước Trung Đông lo lắng mà bản thân các đồng minh phương Tây của Israel cũng thấy “chán ngán”.

Thủ tướng Netanyahu ăn mừng chiến thắng
Thủ tướng Netanyahu ăn mừng chiến thắng

Theo kết quả gần như chính thức được công bố hôm 19/3, đảng bảo thủ Likud của ông Netanyahu giành được 30 ghế, Liên minh Phục quốc Do thái đối lập được 24 ghế, trong khi đó các đảng của người Arập về thứ ba với 13 ghế. Theo các nhà phân tích, thủ đoạn tung ra các quan điểm cực đoan gây không khí kích động trong ngày chót cuộc tranh cử của ông Benjamin Netanyahu rõ ràng đã mang lại cho đảng Likud một chiến thắng hết sức bất ngờ, vượt quá mọi dự đoán.

Tuy nhiên, chiến thắng trên của ông Netanyahu lập tức đã có vị đắng. Nhà Trắng đã chào mừng chiến thắng của Thủ tướng Netanyahu bằng thông lệ ngoại giao chứ không hề xứng với quan hệ đồng minh. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: “Tổng thống tiếp tục cho rằng một giải pháp hai nhà nước (Israel và Palestine) là cách tốt nhất để trả lời cho các căng thẳng hiện nay”. Người phát ngôn hành pháp Mỹ cũng cho hay Tổng thống Barack Obama không gọi điện tới Benjamin Netanyahu, nhưng Ngoại trưởng John Kerry đã làm việc này. Theo lời ông Earnest, Mỹ sẽ “đánh giá lại cách tiếp cận” sau khi ông Netanyahu đưa ra những bình luận bác bỏ khả năng thành lập một nhà nước Palestine vào phút cuối trong chiến dịch tranh cử.

Bên cạnh lập trường cực đoan của Thủ tướng Israel về Nhà nước Palestine, Phủ Tổng thống Mỹ còn hết sức quan ngại trước những lời lẽ kỳ thị nhắm vào các cử tri Israel người Arập, những phát biểu “gây chia rẽ” và “nhằm gạt ra bên lề các công dân Israel người Arập”. Cụ thể là, vào đúng ngày bầu cử, Thủ tướng Israel đã đưa lên Facebook một đoạn video với lời báo động: “Chính quyền cánh hữu đang gặp nguy hiểm. Các cử tri Arập sẽ đổ dồn tới các phòng phiếu”. Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, các phát biểu như vậy “làm suy yếu các giá trị và các lý tưởng dân chủ, một phần quan trọng của những gì gắn bó Mỹ với Israel”.

Cũng như Mỹ, Liên minh châu Âu chúc mừng Thủ tướng Israel tái đắc cử, nhưng nhấn mạnh đến việc cần phải tái khởi động tiến trình hòa bình với Palestine. Ngoại trưởng Pháp kêu gọi tân chính phủ Israel hành động có trách nhiệm và tái khẳng định sự ủng hộ của Paris đối với giải pháp một Nhà nước Palestine. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhấn mạnh hy vọng hòa bình tại Trung Đông với giải pháp hai nhà nước.

Đại diện ngoại giao EU, Federica Mogherini, đã chúc mừng chiến thắng của ông Netanyahu và kêu gọi tái khởi động lại tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói ông sẽ làm việc với bất kỳ chính phủ Israel nào chấp nhận giải pháp hai nhà nước mà theo ông nếu không chấp nhận điều này thì các cuộc đàm phán hòa bình sẽ “không có cơ hội nào”.

LHQ cũng ra thông báo nhấn mạnh luôn tin tưởng tiến trình hòa đàm Israel-Palestine là biện pháp "tốt nhất và duy nhất" đối với Tel Avip để có thể duy trì một quốc gia dân chủ.

Các nhà quan sát cho rằng nếu ông Netanyahu thực sự duy trì ý định chống có giải pháp có hai quốc gia cho cuộc tranh chấp từ lâu nay ở Trung Đông, điều này có thể buộc tổng thống sắp tới của Mỹ, cho dù ở đảng nào, cũng phải có chọn lựa giữa vị thủ tướng Israel và chính sách của Mỹ về Trung Đông đã có từ nhiều năm nay và được sự ủng hộ của cả hai đảng tại quốc hội.
 
Điều này cũng sẽ tạo khó khăn hơn cho Washington khi vẫn ngăn cản các nhà lãnh đạo Palestine đưa vấn đề ra trước LHQ cũng như các tổ chức quốc tế khác. Mỹ, các nước châu Âu và LHQ đều đồng ý cho người Palestine thành lập một quốc gia độc lập thay vì chế độ bán tự trị dưới sự kiểm soát của Israel. Tuy nhiên, Mỹ chủ trương theo một đường lối hòa hoãn, muốn có sự thỏa hiệp từng bước giữa Palestine và Israel, không tán thành để Palestine tự ý định đoạt... Các giới chức Mỹ cao cấp nói rằng mặc dù Chính quyền Obama hãy còn cân nhắc các giải pháp, nhưng theo họ Mỹ có thể giảm bớt sự kiên quyết chống đối việc người Palestine tự tìm con đường lập quốc qua Hội đồng bảo an LHQ.

Các chuyên gia cảnh báo rằng phương Tây rồi đây sẽ không có lựa chọn nào khác là buộc phải làm việc với tân chính phủ tương lai của Thủ tướng Netanyahu, với lập trường hết sức cứng rắn. Như vậy, hoặc Mỹ và châu Âu sẽ can dự vào Trung Đông với một kế hoạch, một quyết tâm, bằng không họ sẽ chứng kiến một cuộc chiến mới tại Dải Gaza.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes