1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến lược “kiềng 3 chân” của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

(Dân trí) - Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ trên toàn cầu và Washington thúc đẩy quan hệ với khu vực này trên 3 trụ cột chính, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas cho biết tại Hà Nội.

Chiến lược “kiềng 3 chân” của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương - 1

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas trong cuộc thuyết trình về Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương (Ảnh: Tuấn Việt/VUFO)

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas ngày 3/4 đã có cuộc thuyết trình về Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Sự kiện - do Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức - đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các học giả và các nhà nghiên cứu.

Ông Douglas cho hay, khi Tổng thống Donald Trump công bố Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy - IPS) tại hội nghị thượng đỉnh APEC Đà Nẵng tháng 11/2017, Mỹ đối mặt với những hoài nghi rằng chiến lược này là gì và nguồn lực của nó đến từ đâu. Tại cuộc thuyết trình, ông Douglas đã làm rõ các nội hàm cũng như các trọng tâm của chiến lược này.

Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương khác biệt so với các chiến lược châu Á trước đây của Mỹ là ở chỗ nó mở rộng cả về phạm vi địa lý (bao gồm cả các quốc gia nằm ở ven bờ Ấn Độ Dương) và các phạm trù bao hàm. Theo đó, Mỹ xác định 3 trụ cột trong chiến lược là: kinh tế, an ninh và quản trị.

Khẳng định vai trò của khu vực, ông Douglas cho biết Việt Nam là thành viên rất quan trọng trong khối ASEAN và ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chính sách chủ chốt của Mỹ tại châu Á.

Mỹ sẽ bổ sung nhiều nguồn lực cho Ấn Độ-Thái Bình Dương

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Douglas khẳng định, an ninh luôn là một trọng tâm của Mỹ trong khu vực vì nước này đã hiện diện ở đây nhiều năm qua. Nhưng điểm mới trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là Mỹ sẽ bổ sung nhiều nguồn lực hơn cho khu vực này. Đến năm 2020, 60% nguồn lực hải quân của Mỹ sẽ diện diện tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo đó, Mỹ sẽ gia tăng các nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia trong các khía cạnh như gìn giữ hòa bình, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ nhân đạo. Ông Douglas cho hay, Việt Nam và Philippines là hai quốc gia được hỗ trợ nhiều nhất trong lĩnh vực này.

Liên quan tới tình hình Biển Đông, ông Douglas đã chỉ ra các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc như xây đảo nhân tạo, bố trí các đường băng, triển khai các vũ khí… Ông nhấn mạnh các hoạt động này đi ngược luật pháp quốc tế và không có ích gì cho tình hình an ninh khu vực.

Ông Douglas nhấn mạnh, Biển Đông là vùng biển quốc tế, nơi tàu và máy bay của các nước có thể di chuyển tự do theo luật pháp quốc tế. Do đó, ông khẳng định Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để tiếp tục hoạt động không bị cản trở trong khu vực này. Ông nói, Mỹ luôn mạnh mẽ hối thúc các quốc gia trong khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế và sẽ thúc đẩy vấn đề Biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc và các quốc gia liên quan.

Cũng liên quan tới tình hình Biển Đông, ông Douglas đánh giá sự quan tâm và tham gia của châu Âu, đặc biệt là Pháp, trong lĩnh vực an ninh tại khu vực này rất đáng chú ý. “Điều đáng mừng là giờ đây châu Âu không chỉ quan tâm tới kinh tế mà còn các vấn đề địa chính trị khu vực. Chúng tôi khuyến khích điều đó”, ông nói.

Hạ tầng, kinh tế số và năng lượng

Chiến lược “kiềng 3 chân” của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương - 2

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas (Ảnh: Tuấn Việt/VUFO)

Về kinh tế, quan chức Mỹ đã chỉ ra 3 lĩnh vực mà Mỹ sẽ tập trung vốn đầu tư vào khu vực tương lai là: hạ tầng, kinh tế số và năng lượng.

Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (ADB) ước tính khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cần 1.700 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng mỗi năm. Theo ông Douglas, Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới, do đó chiến lược của Mỹ là huy động các doanh nghiệp tư nhân và các định chế tài chính đầu tư nhiều hơn vào khu vực này.

Ông Douglas cho hay, Mỹ có mối quan hệ kinh tế tốt với các quốc gia trong khu vực, với thương mại đạt trên 1.000 tỷ USD mỗi năm. Nhưng khía cạnh ông muốn nhấn mạnh là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bởi đây là khu vực mà nhiều công ty Mỹ chọn để đầu tư.

Năm 2017, FDI của Mỹ vào Ấn Độ-Thái Bình Dương là 960 tỷ USD, đến năm 2018 tăng lên trên 1.000 tỷ USD. Ông Douglas khẳng định đến nay chưa có quốc gia nào đầu tư vào khu vực này nhiều như Mỹ.

“Với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Mỹ mong muốn nhiều hơn thế. Mỹ muốn các nước trong khu vực có nền kinh tế mạnh, trở thành các đối tác mạnh mẽ và có mối quan hệ kinh tế tốt với Mỹ”, ông nói.

Theo ông Douglas, FDI của Mỹ vào Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn, khoảng 1,5 tỷ USD, so với Phillippines là 6 tỷ USD, Thái Lan là 15 tỷ USD, trong khi Singapore là hơn 260 tỷ USD. Ông Douglas nói, điều Mỹ muốn làm là nâng mức FDI vào Việt Nam tăng ngang với mức của Philippines, Thái Lan và thậm chí là Singapore.

Quản trị minh bạch

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho hay, quản trị là một điểm nhấn mới trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà chính quyền Donald Trump thúc đẩy. Ông giải thích, Mỹ chú trọng vấn đề này bởi đây là cánh cửa để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại công bằng giữa các quốc gia trong khu vực.

Ông Douglas nhấn mạnh, để thúc đẩy hợp tác kinh tế thì một vấn đề quan trọng không kém là quản trị. Ông lấy ví dụ, nếu muốn chất lượng cơ sở hạ tầng chất lượng cao thì việc mời thầu phải công khai, minh bạch, dựa trên các quy định chung và tất cả các bên phải tuân thủ điều đó.

Trong buổi thuyết trình, ông Douglas cũng nhận được các câu hỏi liên quan tới việc chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng như thế nào bởi sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc. Trả lời câu hỏi về vấn đề các nguồn vốn của Mỹ bị giải ngân chậm và khó khăn hơn, với nhiều yêu cầu hơn, so với việc giải ngân của Trung Quốc, ông Douglas nhấn mạnh Mỹ hoan nghênh đầu tư từ Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, ông nói vấn đề là các dự án phải minh bạch và dựa trên các quy định.

“Điều quan trọng không phải là đầu tư của Trung Quốc bao nhiêu mà khoản đầu tư ấy như thế nào. Khoản đầu tư ấy phải minh bạch, phải được giám sát qua các thiết chế tài chính quốc tế để làm sao không tạo ra các bẫy nợ cho các quốc gia. Điều chúng tôi mong muốn làm là hối thúc Trung Quốc làm ăn tuân thủ các chuẩn mực quốc tế”, ông Douglas nói.

Ông Douglas hiện Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tại Cục các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington. Ông là nhà ngoại giao kỳ cựu, từng phục vụ tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… Ông cũng từng là phó phát ngôn tại phái đoàn Mỹ ở Liên Hợp Quốc thời bà Madeleine Albright làm đại sứ.

Ông Douglas đã lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành lịch sử tại Đại học Pennsylvania.

An Bình