DNews

Chiến lược của Thủ tướng Modi khi "chèo lái" Ấn Độ trong nhiệm kỳ 3

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Narendra Modi bước vào nhiệm kỳ ba với trọng trách lớn khi vừa phải tranh thủ cơ hội để đưa Ấn Độ trở thành cường quốc then chốt, vừa phải vượt qua thách thức cả về đối nội và đối ngoại.

Chiến lược của Thủ tướng Modi khi "chèo lái" Ấn Độ trong nhiệm kỳ 3

Ngày 9/6, ông Narendra Modi đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp sau khi đã giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử Hạ viện kéo dài hơn 40 ngày kết thúc hôm 4/6. Đảng cầm quyền BJP mất 60 ghế tại cuộc bầu cử, nhưng với sự ủng hộ của các đảng trong Liên minh cầm quyền NDA, ông Modi đã có đủ số ghế cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ mới.

Dù phải dành một số vị trí bộ trưởng cho các đảng liên minh, việc BJP tiếp tục nắm giữ các bộ chủ chốt như quốc phòng, ngoại giao, tài chính cho thấy tính liên tục trong mục tiêu của Thủ tướng Modi.

Nhiệm kỳ ba sẽ không chỉ là cơ hội lớn cho Thủ tướng Modi để tiếp tục triển khai những kế hoạch đầy tham vọng nhưng còn dang dở nhằm phát triển đất nước, mà còn sẽ là một nhiệm kỳ nhiều thử thách cả về đối nội và đối ngoại.

Tham vọng và thách thức đối nội

Chiến lược của Thủ tướng Modi khi chèo lái Ấn Độ trong nhiệm kỳ 3 - 1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong buổi lễ tuyên thệ tại dinh tổng thống ở New Delhi ngày 9/6 (Ảnh: Reuters).

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, Thủ tướng Modi đã từng tuyên bố rằng, 10 năm cầm quyền vừa qua của ông chỉ là "món khai vị" và "bữa ăn chính" sẽ đến trong nhiệm kỳ thứ ba của ông.

Ngay sau khi thành lập nội các mới, Thủ tướng Modi đã công bố Chương trình 100 ngày đầu tiên, trong đó ưu tiên đưa Ấn Độ trở thành cường quốc sản xuất toàn cầu với tỷ trọng lên tới 25% GDP vào năm 2025, trở  thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2029, với tổng GDP 6,69 nghìn tỷ USD từ mức 3,51 nghìn tỷ USD hiện nay, thu nhập bình quân đầu người lên 4.418 USD từ mức 2.500 USD hiện nay, và mục tiêu  cuối cùng là đưa Ấn Độ trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2047, nhân kỷ niệm 100 năm độc lập Ấn Độ.

Để đạt các mục tiêu này, chính phủ của ông Modi sẽ phải thực hiện một loạt biện pháp nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và khuyến khích đầu tư, tạo việc làm trên quy mô lớn; tăng cường an ninh quốc gia và tự chủ trong sản xuất quốc phòng, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài; đẩy nhanh các chương trình phúc lợi xã hội để mọi gia đình đều có quyền tiếp cận các tiện nghi thiết yếu như nhà ở và nước uống sạch, giải quyết sự chênh lệch về kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân; tạo cơ chế phân phối hiệu quả, để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau; thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ năng lượng mặt trời, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch ảnh hưởng đến môi trường; phục hồi nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và sinh kế ở nông thôn; tăng cường năng lực công nghệ của Ấn Độ và nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành điện tử toàn cầu, phân bổ nguồn lực đáng kể để phát triển các nhà máy sản xuất chip bán dẫn.

Tuy nhiên, thách thức đối với ông Modi là vấn đề nguồn lực để thực hiện các biện pháp trên và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong khi vẫn phải giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trước mắt như lạm phát, thất nghiệp, chênh lệch giàu nghèo.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ từ 7-8%, trong đó thanh niên thành thị là 16-17%, do nền kinh tế quá tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ ít tạo việc làm. Lạm phát cao 4,83%, trong đó lạm phát lương thực 8%.

Thu nhập từ nông thôn trì trệ, sự bất bình đẳng gia tăng giữa thành thị và nông thôn Ấn Độ, dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng. Đây là những vấn đề khiến đảng BJP cầm quyền mất phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua, nếu không giải quyết sẽ đe dọa vị trí cầm quyền của ông Modi.

Chính phủ của ông Modi sẽ phải quan tâm giải quyết các yêu cầu của công chúng, nên phải chuyển hướng một số nguồn lực tài chính sang các biện pháp dân túy. Trong khi đó, ông sẽ phải hạn chế bớt nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình phát triển sản xuất.

Hơn nữa, sự trở lại của chính trị liên minh có nghĩa là Thủ tướng Modi sẽ phải chia sẻ quyền lực cho các đảng liên minh và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn tại Quốc hội với một phe đối lập mạnh hơn trước. Điều này có thể sẽ làm chậm lại một số biện pháp cải cách tham vọng của chính phủ mới.

Các cải cách trong nông nghiệp, đất đai và thuế trực tiếp có thể bị trì hoãn, kéo theo sự suy giảm triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ. Thủ tướng Modi từng đưa ra tham vọng cải cách các cuộc bầu cử vô cùng tốn kém thời gian và tiền bạc hiện nay tại Ấn Độ, theo hướng mà ông gọi là "một quốc gia, một cuộc bầu cử", tức là tổ chức đồng thời tất cả các cuộc bầu cử Hạ viện liên bang và các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp các bang trong cùng một thời điểm.

Ông cũng từng đề xuất thống nhất một Bộ luật Dân sự duy nhất, áp dụng cho mọi công dân Ấn Độ, bất kể tôn giáo nào. Tuy nhiên, những đề xuất táo bạo này ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều bên, sẽ còn khó trở thành hiện thực hơn trong bối cảnh một nền chính trị liên minh mới trở lại.

Cơ hội và thách thức đối ngoại

Trong nhiệm kỳ ba, Thủ tướng Modi gặp nhiều thách thức đối nội hơn trước, còn về đối ngoại ông dường như sẽ có nhiều cơ hội hơn. Sự quay trở lại của chính trị liên minh ít có khả năng tác động tới chính sách đối ngoại đã được định hình tương đối rõ của Thủ tướng Modi từ các nhiệm kỳ trước.

Nhìn chung đã có sự đồng thuận, sự ủng hộ rộng rãi của các đảng phái đối với ưu tiên lâu dài của ông Modi là tăng cường vai trò và quyền lực của Ấn Độ trên trường quốc tế. Không có đảng đối tác nào trong liên minh cầm quyền NDA tại các bang có khả năng can thiệp vào các vấn đề đối ngoại quan trọng.

Trong thời gian tới, nhiều khả năng Thủ tướng Modi sẽ cơ bản tiếp tục đường lối đối ngoại mà ông đã tương đối thành công trong thời gian qua. Đó là việc thực hiện chính sách đối ngoại tự chủ chiến lược và đa liên kết, cân bằng quan hệ với các cường quốc cạnh tranh và tránh các liên minh mang tính ràng buộc để bảo đảm tính linh hoạt và tối đa hóa lợi ích.

Ấn Độ sẽ duy trì quan hệ với Nga, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ và các nước Phương Tây, mở rộng quan hệ với các khu vực thông qua các sáng kiến "Láng giềng trên hết", "Hành động hướng Đông" và "Liên kết hướng Tây".

Chiến lược của Thủ tướng Modi khi chèo lái Ấn Độ trong nhiệm kỳ 3 - 2

Từ phải qua trái: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đứng cùng nhau trong buổi chụp ảnh chung tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy ngày 14/6 (Ảnh: Reuters).

Trong nhiệm kỳ thứ ba, ông Modi sẽ thúc đẩy nhanh quá trình đưa Ấn Độ trở thành một nước đóng vai trò then chốt trên trường quốc tế, theo đuổi tư cách thành viên Hội đồng Bảo an, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, và củng cố vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong các nước Nam bán cầu.

Ngoại giao kinh tế cũng sẽ là một ưu tiên nhằm phục vụ mục tiêu phát triển nhanh của Ấn Độ. Các cuộc đàm phán FTA với Anh, EU, GCC và Israel sẽ được thúc đẩy và sớm ký kết.

Tuy nhiên, Thủ tướng Modi vẫn phải đối mặt với những thử thách về mặt đối ngoại, mà trước hết là việc giảm nguồn lực và sự quan tâm cho các vấn đề đối ngoại do phải dành nhiều nguồn lực cho các vấn đề đối nội.

Thách thức đối ngoại cơ bản của Thủ tướng Modi là việc thực hiện chính sách tự chủ chiến lược và đa liên kết ngày càng trở nên khó khăn do một môi trường quốc tế ngày càng phức tạp, đầy xáo trộn và cạnh tranh địa chính trị khốc liệt. Ấn Độ có thể sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn nếu cạnh tranh Mỹ - Trung, Mỹ - Nga gia tăng, nhất là nếu xảy ra xung đột tại Đài Loan, hoặc chiến tranh ở Ukraine leo thang.

Thách thức đối ngoại lớn nhất của Ấn Độ là mối quan hệ vẫn căng thẳng với Trung Quốc. Bên cạnh việc thường xuyên xảy ra các vụ va chạm ở biên giới, Trung Quốc đang nhanh chóng triển khai sức mạnh ở Ấn Độ Dương, nơi Ấn Độ coi là sân sau của mình.

Điều đó khiến Ấn Độ phải dành một nguồn lực lớn cho việc củng cố an ninh thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng mới và sự hiện diện quân sự dọc biên giới, cũng như tăng cường các liên kết chiến lược với các quốc gia có cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ phản ứng ra sao nếu Trung Quốc tiếp tục gây ra các vụ va chạm quân sự trên biên giới với Ấn Độ? Các nhà quan sát cho rằng ông Modi sẽ không muốn mạo hiểm đối đầu với nước láng giềng mạnh hơn về mặt quân sự, nhưng với vị thế yếu hơn trong nội bộ sau cuộc bầu cử lần này, ông Modi cũng có thể bị buộc phải phản ứng quyết đoán hơn trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Cả thế giới sẽ theo dõi xem căng thẳng Ấn - Trung sẽ diễn biến như thế nào trong những tháng tới. Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc gặp có thể xảy ra giữa thủ tướng Ấn Độ mới đắc cử và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Kazakhstan vào tháng tới. 

Cùng với thách thức từ Trung Quốc, Thủ tướng Modi còn gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện chính sách "Láng giềng là trên hết" đối với các nước láng giềng trực tiếp, gồm Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives và Afghanistan, nơi mà ảnh hưởng của Ấn Độ vẫn đang tiếp tục bị suy giảm.

Căng thẳng trong quan hệ của với Pakistan không hạ nhiệt, quan hệ với Maldives gần đây đã xuống mức thấp nhất, trong khi các chiến hạm Trung Quốc vẫn tiếp tục ghé cảng Sri Lanka, gây ra những thách thức đối với an ninh hàng hải của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Thực hiện chính sách đa liên kết, không để các đường đứt gãy địa chính trị ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế, Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ quốc phòng và thương mại với Nga. Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Nga, vốn đã bị đóng băng trong hai năm qua do cuộc chiến Ukraine được dự báo sẽ sớm nối lại. Tuy nhiên "tình hữu nghị không giới hạn" giữa Nga với Trung Quốc là điều New Delhi e ngại, vì nó làm phức tạp thêm tính toán an ninh và cân bằng khu vực của Ấn Độ.

Việc duy trì quan hệ gần gũi với Nga cũng gây ra những thách thức trong quan hệ Ấn - Mỹ. Trong hai nhiệm kỳ trước, dù Thủ tướng Modi theo đuổi chính sách tự chủ chiến lược và đa liên kết, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn ấm lên và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau việc công nhận Ấn Độ là Đối tác quốc phòng chính của Mỹ và ký kết Sáng kiến về Công nghệ quan trọng và mới nổi, mở rộng sang lĩnh vực vũ trụ, và việc Ấn Độ tham gia Nhóm an ninh Bộ Tứ nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Việc ông Modi được tái bổ nhiệm chức Thủ tướng sẽ duy trì sự ổn định quan hệ Ấn - Mỹ và mối quan hệ này nhiều khả năng cũng không bị ảnh hưởng bởi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Tuy nhiên, Ấn Độ liệu có thể vừa tiếp tục giữ gìn tình hữu nghị lâu đời với Nga, vừa phải giảm sự phụ thuộc vào Nga về vũ khí và đa dạng hóa nguồn cung vũ khí từ Mỹ và các nước phương Tây hay không?

Nhiều khả năng Mỹ sẽ thận trọng hơn trong việc cung cấp trang thiết bị quân sự tinh vi cho Ấn Độ và chuyển giao công nghệ cho phép New Delhi tự mình xây dựng và phát triển các hệ thống tiên tiến.

Thủ tướng Modi cũng đã định vị Ấn Độ là lãnh đạo các nước Nam bán cầu nhằm tìm kiếm một không gian thuận lợi hơn, nâng cao ảnh hưởng ngoại giao của Ấn Độ và thúc đẩy mối quan hệ kinh tế và chính trị mạnh mẽ hơn với các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, tham vọng của Ấn Độ đóng vai trò lãnh đạo Nam bán cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu cũng đang bị thách thức.

Mặc dù rất dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm và biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, Ấn Độ chưa làm được gì nhiều về vấn đề này. Ấn Độ vẫn là nước có tỷ lệ phá rừng cao thứ hai trên toàn thế giới, mất 668.400 ha đất rừng từ năm 2015 đến năm 2020.

Các ngành công nghiệp của nước này vi phạm tiêu chuẩn khí thải và thiếu các biện pháp hiệu quả để giảm ô nhiễm không khí, bất chấp các nỗ lực mở rộng năng lượng tái tạo, tăng công suất lên hơn gấp ba lần, từ 35 gigawatt năm 2014 lên 125 GW vào năm 2023, và phấn đấu 500 GW vào năm 2030.

Ấn Độ vẫn là nước đi đầu trong việc tiêu thụ và nhập khẩu than toàn cầu. Điều này cho thấy những khó khăn trong việc Ấn Độ tuyên bố giành quyền lãnh đạo Nam bán cầu, một thông điệp quan trọng mà nước này tìm cách truyền tải trong suốt nhiệm kỳ chủ tịch G20 vào năm 2023.

Tóm lại, Thủ tướng Modi đang bước vào nhiệm kỳ ba với một trọng trách lớn trên vai, vừa phải tranh thủ được các cơ hội để đưa Ấn Độ trở thành cường quốc then chốt trên thế giới, vừa phải vượt qua thách thức đối nội và đối ngoại trong một nền chính trị liên minh phức tạp trong nước và cạnh tranh địa chính trị khốc liệt trong một thế giới đa cực đầy biến động.

Đại sứ Tôn Sinh Thành

Tác giả: Đại sứ Tôn Sinh Thành nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan nhiệm kỳ 2014 - 2018. Ông hiện là giảng viên cao cấp tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.