1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến hạm Trung Quốc áp sát vùng biển tranh chấp với Nhật Bản

(Dân trí) - Hai chiến hạm Trung Quốc đã có những hành động khiêu khích nguy hiểm nhất từ trước tới nay khi cố tình tiến vào khu vực chỉ cách quần đảo tranh chấp với Nhật Bản 70 km. Vụ việc xảy ra từ giữa tháng 12/2014 nhưng đến ngày cuối cùng của năm mới được tiết lộ.

Một trong hai chiến hạm Trung Quốc áp sát quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.
 Một trong hai chiến hạm Trung Quốc áp sát quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.

Theo nhật báo Ashahi Shimbun của Nhật Bản, kể từ khi nổ ra căng thẳng Trung - Nhật liên quan đến chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông, đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử chiến hạm áp sát vùng biển này.

"Việc tàu chiến của Hải quân Trung Quốc áp sát vùng lãnh hải Nhật Bản là hành vi phô trương và khiêu khích", tờ báo viết, đồng thời cho biết sự việc đã khiến Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản phải tức tốc triển khai tàu đến tận nơi giám sát.

Theo phía Nhật Bản, hai tàu Trung Quốc thuộc Hạm đội Đông Hải, gồm tàu khu trục lớp Sovremennyy có lượng giãn nước 7.940 tấn và  tàu hộ tống nhỏ lớp Giang Vệ (Jiangwei) với lượng giãn nước 2.392 tấn.

Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần triển khai chiến hạm hải quân tới khu vực xung quanh quần đảo tranh chấp nhưng đây là lần đầu tiên đưa các tàu chiến tiếp cận chuỗi 5 đảo không có người ở này.

Động thái mới nhất của Trung Quốc đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ có thể bùng nổ xung đột vũ trang nếu một trong hai bên để tình hình vượt quá tầm kiểm soát.

Nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc gia tăng mạnh các hành động gây hấn ở Biển Đông và Hoa Đông nhằm thực hiện mưu đồ chiếm giữ các cửa ngõ trọng yếu ra Thái Bình Dương để phục vụ mục tiêu vươn lên làm bá chủ và dần thay đổi trật tự chính trị khu vực.

Năm ngoái, nước này cũng liên tục cử tàu thuyền và máy bay đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, đảo Hoàng Nham/Scaborough tranh chấp với Philippines ở Biển Đông và ngang nhiên nhất là đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngoài ra, còn có thông tin Trung Quốc đã bí mật thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, tương tự như đã từng làm ở biển Hoa Đông tháng 12/2013.

Vũ Anh
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm