1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến hạm "hạt tiêu" Nga mang tên lửa Kalibr đến trợ chiến ở Syria

Tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ của Hải quân Nga mang tên Zelyonyi Dol (số hiệu 107), thuộc lớp Buyan-M, có khả năng tấn công tên lửa hành trình Kalibr đã đến trợ chiến ở Syria.

Chiến hạm mang tên lửa Kalibr của Nga đến Tartous

Ngày 18-2, Đô đốc Alexander Vitko, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga cho biết, tàu tên lửa "Thung lũng xanh" (Zelyonyi Dol - số hiệu 107) thuộc lớp Buyan-M, hiện đang thuộc biên chế của Hạm đội Biển Đen đã tới quân cảng Tartous của Syria - nơi đặt căn cứ bảo đảm của hải quân Nga.

Ông Vitko cho biết, chiến hạm này đã tới khu vực Tartous vào ngày 17-2, tập hợp với các chiến hạm khác đã hiện diện ở đây, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ từ hướng biển cho lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga đang tham chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Tuy nhiên, chiến hạm được trang bị hệ thống Kalibr-NK với tên lửa hành trình chống hạm 3M-54T (tầm phóng 660km) và đối đất 3M-14T (tầm phóng tới 2.500km) còn có thể được giao nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Raqqa.

Cả 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ này mới được biên chế cho Hạm đội Biển Đen cách đây vài tháng nên đây là lần đầu tiên Zelenyi Dol thực hiện chuyến hải hành dài ngày trên biển. Tàu bắt đầu khởi hành từ Sevastopol - nơi đặt trụ sở Bộ tư lệnh Hạm đội Biển Đen vào ngày 15-2.

Tàu hộ vệ tên lửa dự án 21631, lớp Buyan-M có khả năng tấn công đối hạm, đối đất mạnh mẽ
Tàu hộ vệ tên lửa dự án 21631, lớp Buyan-M có khả năng tấn công đối hạm, đối đất mạnh mẽ

Vị tư lệnh Nga không nói rõ chiến hạm này sẽ hiện diện ở đây trong thời gian bao lâu mà chỉ cho biết thêm rằng, sau đợt hoạt động này, tàu sẽ được thay thế bởi chiến hạm khác cùng lớp là tàu “Serpukhov” mang số hiệu 108, được biên chế cùng loạt vào cuối năm ngoái.

Được biết, ngày 7-10-2015, 4 tàu nổi của Hạm đội Caspian-Nga đã phóng tên lửa hành trình Kalibr từ vùng biển này, đi qua lãnh thổ Iran và Iraq, vượt quãng đường 1.500km, tấn công các mục tiêu mặt đất của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở thành phố Raqqa-Syria.

Ngoài tàu hộ vệ tên lửa Dagestan (số hiệu 693), thuộc lớp Gepard 3.9 (Project 11.661), ba tàu còn lại đều là các tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Buyan-M là Grad Sviyazhsk (mang số hiệu 021), Uglich (022) và Veliki Ustyug (106), chính là những tàu đầu tiên của lớp này.

Sơ bộ tính năng các tàu thuộc dự án 21631, lớp Buyan-M

Tàu hộ vệ tên lửa dự án 21631, lớp Buyan-M là biến thể của tàu pháo tuần tra lớp Buyan (dự án 21630), được chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Almaz, St Petersburg. Tàu có lượng giãn nước tối đa vỏn vẹn 949 tấn nên được phân loại thuộc lớp tàu hộ vệ hạng nhẹ.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Buyan-M mang số hiệu 021 Grad Sviyazhsk đã tham gia tấn công tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS ở Syria
Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Buyan-M mang số hiệu 021 Grad Sviyazhsk đã tham gia tấn công tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS ở Syria

Buyan-M có chiều dài 74,1m; rộng 11m, mớn nước 2,6m. Tàu được trang bị động cơ diesel kết hợp với hệ thống đẩy phản thủy lực cho tốc độ tối đa 25 hải lý/h; tầm hoạt động 1.500 hải lý; thời gian hoạt động trên biển 10 ngày; thủy thủ đoàn 52 người.

Tàu có ngoại hình góc cạnh và được phủ một lớp sơn hấp thụ sóng radar khiến nó có khả năng tàng hình trước radar đối phương. Do thiết kế tối ưu nên tàu được trang bị nhiều loại vũ khí tấn công rất mạnh, tiêu biểu là hệ thống tên lửa hành trình cho tàu nổi Kalibr-NK.

Các tàu lớp Buyan-M lại có được 8 quả tên lửa thuộc 2 dòng là tên lửa hành trình chống hạm 3M54T (SS-N-27), tầm phóng 660km và tên lửa tấn công mặt đất 3M-14T (tầm phóng tới 2.500km), đặt trong 8 ống phóng thẳng đứng phía sau tháp radar.

Tàu còn được trang bị 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm thấp Igla-1M với 8 quả tên lửa, 1 bệ pháo phòng không 2 nòng cao tốc AK-630M2 (tốc độ bắn 10.000 viên/phút) và vũ khí phụ là 2 khẩu súng máy 14,5 mm và 3 súng máy 7,62 mm.

Theo Nguyễn Ngọc (tổng hợp)

An ninh thủ đô