1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến dịch tuyệt mật dưới đáy đại dương

Một trong những cuộc phiêu lưu đáng kinh ngạc nhất của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh là một chiến dịch bí mật quốc gia đặc biệt, được mở rộng từ ngoài không gian đến đáy đại dương...

... Với sự tham gia của các vệ tinh cỡ bằng chiếc xe bus và những chiếc tàu ngầm lặn sâu; thu hút các thủy thủ, điệp viên và các nhà khoa học cùng tham gia.

Chiến dịch tuyệt mật dưới đáy đại dương - 1

Tàu lặn Trieste.

Ngày 15/6/1971, 11 năm sau khi vệ tinh gián điệp quân sự đầu tiên trên thế giới bắt đầu chụp các bức ảnh và chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới lặn sâu tới đáy đại dương, tên lửa Titan III của Không quân Mỹ đã đẩy một tàu vũ trụ có kích thước bằng một chiếc xe bus Greyhound vào trong quỹ đạo.

Chiếc đầu tiên trong số những vệ tinh gián điệp thế hệ thứ ba của Mỹ, KH-9 HEXAGON, đã mang theo các cuộn phim dài khoảng 50 km và khí cụ khoa học về trái đất. Một chiếc dù sẽ tự động mở ra khi nó rơi đến độ cao lập trình sẵn. Không quân Mỹ có một phi đội máy bay chuyên thu hồi các kiện hàng khi nó ở trên không. Tuy nhiên, Không quân Mỹ đã thất bại trong lần thu hồi những cuộn phim này. Nó đã chìm xuống độ sâu khoảng 4,8 km dưới đáy biển Bắc Thái Bình Dương.

Những thước phim trên chứa các dữ liệu hình ảnh rất quan trọng về những mục tiêu ở phía tây của Liên Xô và Đông Âu. Do đó, việc thu hồi nó trở thành sứ mệnh quan trọng của quân đội Mỹ. Ngay sau sự cố trên, đại diện từ Văn phòng Trinh sát Quốc gia (NRO) và Văn phòng Các dự án Đặc biệt của CIA đã tổ chức một cuộc họp thảo luận về các biện pháp trục vớt kiện hàng này. Cuối cùng, họ đã quyết định sử dụng tàu ngầm bí mật Trieste II của Hải quân Mỹ để trục vớt khoang chứa phim.

Con tàu này từng tham gia cứu hộ thảm họa tàu ngầm nguyên tử USS Thresher năm 1963 và tàu USS Scorpion năm 1968, hay tìm kiếm bom khinh khí mất tích năm 1966. Ở thời điểm đó, Trieste II là phương tiện duy nhất có thể lặn đủ sâu để tiếp cận kiện hàng đang nằm dưới đáy biển.

Tàu Trieste được nhà khoa học Auguste Picard phát minh năm 1950. Sau đó, nhà máy đóng tàu Mare Island (Mỹ) đã sửa lại thiết kế gốc và áp dụng một số vật liệu, công nghệ đặc biệt cho phép tàu có thể chịu áp lực nước ở độ sâu lên đến vài nghìn mét.

Trong những lần khám phá đại dương, Trieste II từng lặn đến độ sâu tới 6.100 m. Năm 1963 và 1964, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu ngầm Trieste I và phiên bản tiếp theo của nó có tên Trieste II trong các nỗ lực tìm kiếm và trục vớt tàu USS Thresher.

Chiến dịch tuyệt mật dưới đáy đại dương - 2

Những nhân viên phụ trách việc thiết kế và hoạt động của tàu Trieste.

Năm 1965, Hải quân Mỹ đã bí mật chế tạo một chiếc tàu ngầm thứ 3 đặc biệt cho Dự án Winter Wind, một chương trình khôi phục các đầu đạn tên lửa của Liên Xô từ dưới đáy biển. Chiếc tàu này đã xuất hiện khi nó tham gia tìm kiếm tàu USS Scorpion. Do tính bí mật, nó không được đặt tên, nên dù sở hữu 3 chiếc tàu ngầm như vậy nhưng chỉ có 2 cái được đặt tên là Trieste I và Trieste II.

Hải quân Mỹ cũng phối hợp với hai tổ chức dân sự tham gia các hoạt động đặc biệt này. Một trong số đó có công ty Kodak, nhà chế tạo cuộn phim sử dụng ngoài không gian, có chức năng đánh giá khả năng tồn tại của phim trong điều kiện ngâm nước với áp suất cao. Nhà sản xuất cam kết rằng, cuộn phim có thể an toàn trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.

Tổ chức thứ hai cùng tham gia là Viện Hải dương học Scripps, một đối tác đã hợp tác với Hải quân Mỹ trong một thời gian dài và chiến dịch tìm kiếm những cuộn phim nằm trong vệ tinh KH-9 được ngụy trang dưới một chương trình thám hiểm mang tên Scripps.

Chiến dịch tuyệt mật dưới đáy đại dương - 3

Tàu ngầm Trieste II.

Tuy nhiên, việc cứu hộ ở độ sâu 4,8 km dưới đáy biển là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại thời điểm đó. Nhằm phục vụ sứ mệnh đặc biệt, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm trục vớt ở độ sâu 1,2 km ngoài khơi San Diego nhưng không thành công. Tuy vậy, Mỹ vẫn quyết định tiến hành kế hoạch trên.

Hai tàu chuyên dụng chở tàu ngầm và các phương tiện hỗ trợ đến vùng biển Oahu ngoài khơi quần đảo Hawaii, nơi hệ thống định vị phát hiện vị trí kiện hàng. Thời tiết xấu khiến nhiệm vụ phải trì hoãn nhiều lần.

Trong khi đó, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tỏ ra lo lắng về khả năng Liên Xô có thể tìm thấy cuộn phim trước Mỹ. Các chuyên gia hải quân Mỹ dự đoán, Liên Xô lúc đó đã có khả năng trục vớt các vật liệu ở độ sâu tới 10 km. Vì vậy, Không quân và CIA chỉ đạo đơn vị làm nhiệm vụ chạy đua với thời gian để thu hồi kiện hàng sớm nhất có thể.

Ngày 25/4/1972, một năm sau khi KH-9 chìm xuống đáy đại dương, 2 sĩ quan điều khiển tàu ngầm Trieste II hướng xuống đáy biển. Sau 2 giờ, tàu xuống đến độ sâu 4,99 km, họ bật định vị thủy âm và phát hiện vật thể hình trụ bị bùn vùi lấp gần một nửa. Ê kíp mất đến 30 phút để điều khiển cánh tay máy phía trước kẹp kiện hàng và trồi lên mặt nước.

Tuy nhiên, khi tàu đang nổi lên, khoang chứa vỡ đôi khiến cuộn phim bung ra ngoài. Toàn bộ dữ liệu hình ảnh bên trong bị phá hỏng do tác động của nước biển và ánh sáng.

Dù nhiệm vụ phục hồi dữ liệu từ vệ tinh KH-9 đã thất bại, nhưng các bên tham gia đều đánh giá sứ mệnh là thành công lớn về mặt khoa học. Hải quân Mỹ cũng đã chứng minh rằng, con người có thể trục vớt các vật thể chìm dưới đại dương ở những khu vực sâu nhất. Mặt khác, việc phát minh ra bọt nổi tích hợp (syntactic foam) đã báo hiệu sự kết thúc của tàu ngầm Trieste cùng những quả bóng khí nguy hiểm, dễ vỡ của nó.

Tàu Trieste II đã được cho “nghỉ hưu” và được trưng bày tại Bảo tàng Undersea của Hải quân Mỹ. Các cuộc tìm kiếm dưới biển sâu ngày nay đang trở nên cấp thiết hơn sau khi xảy ra những vụ mất tích máy bay bí ẩn, nhưng việc thăm dò dưới biển sâu thường ít thu hút sự chú ý của công chúng hơn so với thăm dò không gian.

Theo Công Thuận/N.I

baotintuc.vn

Chiến dịch tuyệt mật dưới đáy đại dương - 4