1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến dịch Syria hồi sinh niềm kiêu hãnh quân sự Nga

(Dân trí) - Chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng, chớp nhoáng, hiệu quả của Nga tại Syria đã cho thấy thành quả của công cuộc hiện đại hóa quân đội, và làm hồi sinh niềm kiêu hãnh về quân sự vốn từng bị phương Tây “xem thường” suốt nhiều thập kỷ.

Những phi công đầu tiên của Nga từ Syria đã về đến Mátxcơva trong ngày 15/3, trước sự chào đón nồng nhiệt của dàn quân nhạc, đội hình diễu binh, tiếng hò reo, cùng tuyên bố “nhiệm vụ đã hoàn tất” vang lên khắp các kênh truyền hình quốc gia.

Trung tâm chỉ huy quân sự hiện đại của Nga tại Mátxcơva, với khả năng bao quát mọi động tĩnh của lực lượng trên chiến trường. (Ảnh: Mil.ru)
Trung tâm chỉ huy quân sự hiện đại của Nga tại Mátxcơva, với khả năng bao quát mọi động tĩnh của lực lượng trên chiến trường. (Ảnh: Mil.ru)

Chiến dịch tại Syria, theo tờ Guardian của Anh, đã cho thấy một sự tự tin mới về quân sự của người Nga. Hàng triệu người ngày đêm vẫn theo dõi những bản tin, về các chiến đấu cơ không ngừng ném bom chính xác các mục tiêu khủng bố. Và cho dù không có một sự hào hứng lớn trong công chúng sau khi Nga tham chiến tại Syria, chiến dịch này đã nâng cao hình ảnh của quân đội trong lòng người Nga và khiến giới quan sát quốc tế bất ngờ.

“Chúng ta đều từng dự đoán rằng sau một loạt những hành động ban đầu, một số máy bay sẽ bị bắn rơi, hoặc phải sửa chữa. Nhưng họ đã duy trì tốt kế hoạch, và đảm bảo chuỗi hậu cần làm việc hiệu quả. Đó là phong cách điển hình của người Nga: hơi kém duyên dáng, hơi mang tính đối phó tình huống, nhưng hiệu quả”, Mark Galeotti, giáo sư các vấn đề quốc tế, đại học New York khẳng định.

Bất chấp những công kích của phương Tây về việc Nga chỉ tập trung tấn công phe đối lập thay vì các phần tử khủng bố, hay những con số về thương vong cho dân thường, hành động can thiệp của Nga cho thấy một sức mạnh quân sự mới, hoàn toàn khác so với chỉ vài năm trước.

Gần đây nhất Nga từng phải hứng chịu những tổn thất lớn trong cuộc chiến ngắn ngủi tại Gruzia năm 2008. Và đây cũng là điểm khởi đầu cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội không ngừng.

“Cuộc chiến Gruzia đã buộc quân đội chúng tôi phải nhìn lại chính mình, và những gì họ thấy trong gương không hề đẹp đẽ”, Viktor Baranets, cựu thư ký báo chí bộ quốc phòng, nay là nhà phân tích quân sự cho tờ Komsomolskaya Pravda nhận xét. “Chúng tôi từng nghĩ mình tuyệt vời, nhưng hóa ra chúng tôi xấu xí, với những mụn to trên mũi và không còn răng”.

Theo ông Galeotti, một phần ba trong tổng số khoảng 750.000 nhân sự của các lực lượng vũ trang Nga đã được cải tổ, và hiện có khoảng 40.000 lính bộ binh tinh nhuệ.

Cải tổ

Quá trình cải tổ quân đội Nga diễn ra sau cuộc chiến tại Gruzia, khi ông Anatoly Serdyukov là Bộ trưởng Quốc phòng. Không xuất thân từ quân ngũ, ông Serdyukov ngay lập tức cắt giảm lượng lớn các sỹ quan, và đưa ra những cải cách lẽ ra phải tiến hành từ lâu.

Các chiến đấu cơ của Nga triển khai tới Syria đầy uy lực và hiện đại. (Ảnh: AFP)
Các chiến đấu cơ của Nga triển khai tới Syria đầy uy lực và hiện đại. (Ảnh: AFP)

Ông không được lòng các tướng, tá quân đội trước khi phải ra đi trong một bê bối tham nhũng, nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng những cải cách ông thực hiện đã mở đường cho một quân đội Nga với diện mạo mới, như thế giới chứng kiến hai năm qua.

Theo nhà phân tích quân sự độc lập Alexander Golts: “Serdyukov đã lập ra một lực lượng tinh nhuệ gồm 30 - 40 đơn vị, có thể triển khai trong vòng 2 giờ. Đây là một sự tương phản hoàn toàn so với mô hình truyền thống của Nga, với đội quân khổng lồ 2 triệu quân nhân dự bị, nhưng phải mất hàng tuần trời để động viên cho một cuộc chiến. Đó từng là nền tảng của quân đội Nga trong suốt 150 năm”.

Đến năm ngoái, số lượng binh sỹ chuyên nghiệp đã lần đầu vượt lượng lính nghĩa vụ trong quân đội Nga. Đến năm 2020, quân đội nước này dự kiến sẽ có 70% là lính chuyên nghiệp. Dù vậy, trong tương lai gần, lực lượng lính nghĩa vụ sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng, để sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột lớn, cần số lượng binh sỹ đông đảo.

Rất nhiều thay đổi khác đã giúp quân đội Nga đem đến một luồng sinh khí mới. Một trung tâm kiểm soát khổng lồ mới được xây dựng tại Mátxcơva với một phòng chỉ huy vốn chỉ thường thấy trong các bộ phim. Trong trung tâm có hàng loạt màn hình khổng lồ, chiếu bản đồ và các thông tin quân sự. Phía trước màn hình, các binh sỹ mặc quân phục ngồi thành hàng trước máy tính, theo dõi từng chuyển động của quân đội Nga.

Tổng thống Putin đã phát biểu với bộ tổng tham mưu tại tòa nhà này khi chiến dịch Syria diễn ra, với hình ảnh được truyền hình trong nước không ngừng đăng tải.

S-400 hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Nga tại Syria khiến phương Tây phải dè chừng. (Ảnh: RT)
S-400 hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Nga tại Syria khiến phương Tây phải dè chừng. (Ảnh: RT)

Ông Sergei Shoigu, người nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng năm 2012, là một quan chức đầy thực tế, và được bộ tổng tham mưu tín nhiệm. Ông nổi tiếng với việc xử lý công việc nhanh chóng, hiệu quả. Và trong bầu không khí tinh thần dân tộc lên cao, người Nga cũng chú trọng vào việc “giáo dục yêu nước” cho trẻ em. Một công viên quân sự đã được mở bên ngoài Mátxcơva hồi năm ngoái.

Sự hiện đại hóa còn được thể hiện ngay ở công tác truyền thông của Bộ quốc phòng, với những cuộc họp báo thường kỳ, cập nhật những thành công tại Syria trên tài khoản Twitter, và cả những thước phim đầy sinh động về các vụ tấn công chính xác mục tiêu.

Đại tá về hưu Baranets cho biết quân đội Nga đang dần bắt kịp quân đội các nước phương tây về công nghệ. “Suốt thời gian dài, chúng tôi từng nghe chuyện một trung sỹ Mỹ tên John nào đó, ngồi tại tầng hầm Lầu Năm Góc, phóng tên lửa trong lúc uống cà phề, rồi sau đó lái xe về nhà xem tin tên lửa trúng mục tiêu”, ông Baranets nói.

“Giờ chúng tôi cũng bắt đầu thấy những điều tương tự trong quân đội Nga. Chúng tôi ngồi tại Mátxcơva và thấy trên từng m vuông, những gì đang diễn ra ở Syria. Là người 33 năm trong quân ngũ, thời điểm tôi xem các video ghi bởi máy bay không người lái là lúc tôi nhận ra chúng tôi thực sự đã có một đội quân hiện đại”.

Phương Tây bị “sốc”

Theo tờ Independent, suốt nhiều thập niên, rất nhiều lãnh đạo phương Tây vẫn xem các thiết bị và chiến lược quân sự của Nga là lỗi thời; các loại bom và tên lửa không quân của họ “thường câm lặng hơn là thông minh”, hải quân thì “han gỉ thay vì sẵn sàng” chiến đấu.

“Những gì họ đã thấy tại Syria và Ukraine đến như một cú sốc”, bài viết khẳng định.

Putin (trái) đã khiến phương Tây bị sốc và buộc phải trở lại hợp tác với Nga. (Ảnh: Getty)
Putin (trái) đã khiến phương Tây "bị sốc" và buộc phải trở lại hợp tác với Nga. (Ảnh: Getty)

Ngay sau khi Nga tuyên bố triển khai chiến dịch không kích tại Syria, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định hành động phiêu lưu quân sự của Nga sẽ chỉ khiến họ “sa lầy”. Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter thì tuyên bố “cách tiếp cận của Nga ở đây (Syria) chắc chắn thất bại. Tôi hy vọng rằng họ họ sẽ thay đổi quan điểm để theo đuổi các mục tiêu theo một cách khác, hợp lý hơn”.

Dù vậy, thực tế chiến trường đã chứng minh một điều hoàn toàn khác

Các chiến đấu cơ Nga đã có lúc thực hiện số vụ xuất kích trong một ngày nhiều hơn những gì liên minh do Mỹ dẫn dắt làm trong một tháng. Hải quân Nga đã phóng tên lửa đạn đạo từ Biển Caspian, cách mục tiêu hơn 1500km, và duy trì các tuyến đường tiếp tế tới Syria.

Các hệ thống phòng không Nga đưa tới Syria khiến việc phương Tây tấn công nhắm vào chính quyền Assad bị xem là đặc biệt nguy hiểm.

Thiếu tướng Ben Hodges, tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu đã mô tả những bước tiến trong tác chiến điện tử của Nga ở Syria và Ukraine là “ngỡ ngàng”. Trước đó, đây vẫn là lĩnh vực Nga thường tụt hậu.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, thiếu tướng Frank Gorenc, tiết lộ Nga giờ đã triển khai các hệ thống phòng không tới Crimea và Kaliningrad, nằm giữa Lithuania và Ba Lan. Điều này khiến các máy bay NATO “rất khó khăn” trong việc tiếp cận một cách an toàn nhiều khu vực, trong đó có một phần lãnh thổ Ba Lan.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ hôm 4/3 phải thừa nhận Nga đã giữ vai trò trung tâm trong tiến trình hòa bình tại Syria.

Trong khi đó, một báo cáo phân tích của các chuyên gia quân sự NATO khẳng định các cuộc không kích của Nga “chính xác và hiệu quả”, tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trong mỗi lần xuất kích.

Tài liệu được tờ FOCUS của Đức tiết lộ khẳng định, Nga triển khai 40 chiến đấu cơ, thực hiện 75 cuộc xuất kích mỗi ngày, với các thông tin tình báo về mục tiêu được thu thập thông qua các chuyến bay trinh sát của không quân Syria, nguồn tin tình báo tại chỗ và các lực lượng đặc nhiệm. Trong khi đó, liên minh do Mỹ dẫn dắt triển khai 180 máy bay, chỉ tấn công 20 mục tiêu mỗi ngày.

“Chính sức mạnh quân sự này giúp đảm bảo cho thắng lợi chiến lược của Tổng thống Putin. Sự can thiệp của ông vào Syria đã thay đổi hoàn toàn bàn cờ, và những gì sắp diễn ra hoàn toàn nằm trong tay ông ấy”, tờ Independent khẳng định.

Thanh Tùng

Tổng hợp