Chiến dịch giải phóng Mosul và tác động tới bầu cử Mỹ
(Dân trí) - Khi chiến dịch tái chiếm Mosul bước sang tuần thứ hai, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang chờ đợi thời điểm để tuyên bố chiến thắng trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, qua đó giúp Nhà Trắng có thể tự tin về sự hợp lý trong cuộc chiến ủy nhiệm chống khủng bố ở Iraq và Syria ngay trước cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.
Thúc đẩy chiến dịch tranh cử của bà Clinton
Một chiến thắng nhanh chóng của quân đội chính phủ Iraq và lực lượng người Kurd, với sự hậu thuẫn của Mỹ, sẽ củng cố quyền lực đang mong manh của Thủ tướng Haider al-Abadi ở Iraq, nơi ông đang đối diện với sự phản kháng của khối Sunni ở quốc hội và các phe phái dòng Shiite đang tìm cách làm suy yếu chính phủ hiện tại. Tuy nhiên, chiến dịch ở Mosul được dự đoán sẽ còn nhiều cam go khi IS đang làm tất cả những gì có thể, từ sử dụng "lá chắn sống" tới đốt các mỏ dầu, để ngăn cản đà tiến của chiến dịch tái chiếm.
Chuyên gia về an ninh quốc gia Thomas Donnelly tại Viện American Enterprise ở thủ đô Washington cho rằng chính quyền Mỹ có thể tuyên bố chiến thắng ở Mosul ngay khi loại bỏ được hoàn toàn các mối đe dọa của IS ở thành phố này, song điều này cần có thời gian.
Ông Donnelly nói: “Với chính quyền Obama, cần có một sự khích lệ để tuyên bố rằng: “Vâng, chiến lược của chúng tôi trong cuộc chiến ủy nhiệm và hỗ trợ hậu cần giúp chính phủ Iraq tái xây dựng các lực lượng quân đội chống IS đã đạt thành quả””.
Một chiến thắng được tuyên bố ở Mosul có thể thúc đẩy chiến dịch vận động tranh cử của bà Hillary Clinton, ứng viên của đảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Ông Donnelly cho rằng chiến dịch tái chiếm Mosul "sẽ là món quà cho bà Clinton" và chính quyền Obama có thể đưa ra thông báo chiến thắng ở thành phố này trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 8/11 tới. Chuyên gia Donnelly nói: "Rõ ràng họ không cần chiến dịch Mosul để đạt lợi thế trong cuộc bầu cử, nhưng có không ít ý kiến từ chiến dịch tranh cử của bà Clinton hy vọng rằng họ sẽ không phải chứng kiến một đợt rút quân khác từ Iraq".
Báo vệ "di sản" đối ngoại của Tổng thống Obama?
Kết quả thăm dò do hãng ABC tiến hành mới được công bố cho thấy bà Clinton đã nới rộng khoảng cách 12 điểm so với ông Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng hoà, trong cuộc bầu cử sắp tới. Theo đánh giá, chiến dịch tái chiếm Mosul được lựa chọn vào thời điểm này không hẳn là hướng tới cuộc bầu cử mà nhắm tới việc bảo vệ "di sản" đối ngoại của Tổng thống Obama.
Bà Linda Robinson, chuyên gia phân tích chính sách quốc tế cấp cao tại Tập đoàn Rand và từng là cố vấn cấp cao của cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Mỹ Williams McRaven, cho rằng: "Rõ ràng họ có động cơ chính trị trong các sứ mệnh ở Iraq và chính phủ Mỹ muốn đẩy nhanh chiến dịch tại Mosul. Không có gì bí mật khi chính quyền Obama muốn thúc đẩy chiến dịch này trong cuối năm và muốn kết thúc nó vào cuối nhiệm kỳ này".
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng John Earnest cũng đã thừa nhận rằng chiến dịch tái chiếm Mosul đã cho thấy học thuyết chống khủng bố của Tổng thống Obama. Ông nói: "Tôi nghĩ tổng thống là người đầu tiên thừa nhận rằng chiến dịch Mosul là phép thử quan trọng nếu dựa trên quy mô dân số của thành phố này và vị trí chiến lược của nó".
Tuy nhiên, học thuyết trên của ông Obama không nhận được sự ủng hộ từ các đối thủ chính trị. Ông Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích học thuyết này đe doạ an ninh ở cả Mỹ và Iraq, cũng như đề cập tới thất bại trong quá trình huấn luyện các phiến quân Syria để tiến hành chiến tranh uỷ nhiệm ở quốc gia Trung Đông này.
Trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng, ông Trump cho rằng chiến dịch tái chiếm Mosul được tiến hành đúng vào thời điểm trước bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm tạo điều kiện cho bà Clinton. Ông này nói: "Lý do duy nhất mà Nhà Trắng thúc đẩy chiến dịch đó vì bà ấy đang tham gia cuộc tranh cử và họ muốn thu hút mọi thứ để tạo điều kiện cho bà ấy".
Ngọc Anh
Theo Washington Times