1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chi phí tranh cử TT Mỹ năm 2008 sẽ đạt mức kỷ lục

(Dân trí) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong kỳ bầu cử này, tiền sẽ là vấn đề then chốt, quyết định sự thành bại của các ứng viên. Báo giới Mỹ đều nhận định, bầu cử tổng thống năm 2008 sẽ là kỳ bầu cử tốn kém nhất, đắt đỏ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Hôm 22/2 vừa qua, ứng viên đảng Dân chủ Tom Vilsack, 56 tuổi, cựu Thống đốc bang Iowa đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống (TT) Mỹ năm 2008. Vilsack là ứng viên Dân chủ đầu tiên tuyên bố ra tranh cử vào 30/11 năm ngoái. Ông được một nhóm cố vấn viên dày dạn kinh nghiệm ở Iowa trợ giúp trong chiến dịch vận động tranh cử.

 

Lý do rút lui mà ông này đưa ra là: "Tiến trình vận động tranh cử đang được dẫn dắt bởi tiền. Các ứng viên phải cần rất nhiều tiền. Tôi không đủ khả năng tập hợp nguồn ngân quỹ cần thiết cho cuộc đua tranh bằng tiền này".

 

Từ khi tuyên bố tranh cử, Vilsack chỉ huy động được khoản ngân quỹ là 1,3 triệu USD, một khoản tiền mà Thượng nghị sĩ bang Illinois Barack Obama thu được chỉ trong một đêm khi ngồi ăn tối với các ngôi sao Hollywood. Barack Obama, 45 tuổi là gương mặt mới được đánh giá cao và được đảng Dân chủ tiến cử. Trong cuộc họp hôm 10/2 ở Waterloo bang Iowa,  Barack Obama cũng đưa ra nhận xét: "Tiền và chỉ có tiền mới là lý lẽ của cuộc bầu cử TT Mỹ năm 2008".

 

Obama là ứng cử viên da đen đầu tiên, được xem là đối thủ nặng ký của nữ Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đầy triển vọng của bang New York, bà Hillary Clinton. Hiện cựu đệ nhất phu nhân Mỹ đang sở hữu số ngân quỹ tranh cử lớn nhất trong số các ứng viên.

 

Chồng bà Hillary, cựu tổng thống Bill Clinton - người tham gia tích cực vào chiến dịch vận động tranh cử của phu nhân, trong tuần này đã đưa ra lời kêu gọi công chúng hãy ủng hộ phu nhân của mình bằng cách quyên góp tiền. Ông nói với những người ủng hộ: "Hãy giúp chúng tôi thu được 1 triệu USD trong 1 tuần, có như vậy chúng tôi mới có thể chiến thắng".

 

Khả năng của các ứng viên trong việc huy động ngân quỹ trở thành con át chủ bài trên chính trường bầu cử nước Mỹ và cuộc đua giành lá phiếu ủng đã trở thành một "cuộc đua USD" đối với các ứng viên. Mùa bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004 đã đạt mức kỷ lục về chi phí nhưng kỳ bầu cử năm 2008 sắp tới có lẽ sẽ còn "đắt đỏ" hơn rất nhiều, có thể vượt qua con số hàng tỷ USD.

 

Mới đây, ông Michael Tone, cựu Chủ tịch của Ủy ban bầu cử liên bang (FEC), Cơ quan độc lập chuyên trách giám sát việc tôn trọng các quy định tài chính của chiến dịch bầu cử, cũng có chung nhận xét: "Qua phân tích diễn biến cuộc vận động tranh cử, tôi khẳng định chiến dịch bầu cử năm 2008 sẽ dài hơn và chi phí sẽ cao nhất trong lịch sử bầu cử TT Mỹ. Dường như các ứng viên đang thi nhau phô trương sức mạnh tài chính hơn là thể hiện năng lực chính trị".

 

Nguồn tài chính trang trải cho chiến dịch tranh cử, trong đó có tiền chi trả cho các chuyến đi, quảng cáo, xuất hiện trên truyền hình và để trả lương cho các nhóm chuyên viên tư vấn, chủ yếu là tiền quyên góp của công chúng.

 

Một vài chuyên gia nhận định, các ứng viên được các đảng tiến cử sẽ phải có ít nhất 100 triệu USD thì mới có thể tham gia cuộc cạnh tranh này. Và các ứng viên này có lợi thế hơn so với những ứng viên tự do là các thành viên trong đảng đích thân tham gia các buổi diễn thuyết và đón tiếp và nói chuyện với công chúng với mục đích tập hợp ngân quỹ cho ứng viên đảng mình.

 

Theo tờ Washington Post, trong tháng tới, Chủ tịch Quốc Hội bà Nancy Pelosi cùng nhiều chủ tịch của các ủy ban nghị viện sẽ cùng với những người được tiến cử tham gia một bữa tối tại nhà của một tỷ phú bất động sản với mục đích quyên tiền. Và bữa ăn tối đó ước tính chi phí lên tới 28.500 USD/ người.

 

Sớm hơn, đắt đỏ hơn nhưng chiến dịch tranh cử TT Mỹ năm 2008 vẫn chưa đủ sức "quyến rũ" cử tri Mỹ. Theo điều tra mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew thì chỉ có 31% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và 20% ủng hộ thành viên đảng Cộng hòa quan tâm đến diễn biến chiến dịch tranh cử.

 

HH

Theo AFP