Chỉ là nắn gân nhau mà thôi
(Dân trí) - Việc Triều Tiên tuyên bố thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân, Liên hợp quốc ra nghị quyết trừng phạt nước này, diễn tập liên quân Mỹ - Hàn và những lời lẽ chứa đầy mùi thuốc súng của các bên, đã khiến cho khu vực bán đảo Triều Tiên “nóng lên” bất thường và nguy cơ chiến tranh đang hiện hữu.
Thực hư về đầu đạn hạt nhân thu nhỏ
Sau khi bắn thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, KCNA lại công bố bức ảnh thiết bị hình cầu màu trắng bạc được cho là đầu đạn hạt nhân mà Triều Tiên tuyên bố thu nhỏ thành công.
Trong chuyến thị sát cơ sở sản xuất tên lửa, ông Kim Jong Un tuyên bố, các nhà khoa học nước này đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân. Trong bức ảnh được công bố có thiết bị hình cầu được cho là đầu đạn hạt nhân, có thể đặt trong tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08.
Tuy nhiên, chuyên gia về phổ biến vũ khí, ông Karl Dewey nói với IHS Jane's (tổ chức chuyên về tin tức quân sự, an ninh, tình báo có trụ sở tại Anh) rằng: “quả cầu bạc có thể là một quả bom hạt nhân đơn giản, nó không phải là một quả bom khinh khí. Một thiết bị như thế phải có hình dạng khác”
Theo ông thì bom khinh khí thường có dạng chóp nón với 2 phần riêng biệt. Vì bom nhiệt hạch là một quả bom kép chứa bên trong 1 quả bom nguyên tử và 1 quả bom hydro, nên thiết bị hình cầu mà Triều Tiên công bố rất khó để chứa 2 thiết bị nổ bên trong.
Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) cũng trao đổi với CNN rằng, ông hoài nghi thiết bị hình cầu có thể tồn tại khi tái nhập bầu khí quyển nếu lắp trong tên lửa liên lục địa để tấn công nước Mỹ.
Còn các nhà phân tích nhận định, tuyên bố thu nhỏ đầu đạn, thực chất chỉ là khoe tên lửa nhằm thể hiện khả năng răn đe hạt nhân của nước này trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang có cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có.
Ra sức cáo buộc lẫn nhau
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho rằng: “Triều Tiên cần ngừng ngay lập tức những phát biểu và hành động láo xược và mang tính tự hủy diệt này...”. Tuyên bố này được đưa ra sau ngay sau khi Triều Tiên lên tiếng đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công toàn diện chống lại liên quân Hàn - Mỹ.
Cũng trong ngày 7/3, Liên quân Mỹ - Hàn đã bắt đầu các cuộc tập trận mang tên “Giải pháp Then chốt” và “Đại bàng non” có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 5.500 binh sĩ Hàn Quốc, 12.200 binh sĩ Mỹ cùng nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu cũng như các trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất của hai nước.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ huy tập trận (Ảnh: Reuters/KCNA)
Hàn Quốc và Mỹ luôn khẳng định đây là các cuộc tập trận thường niên hoàn toàn mang tính phòng thủ, nhưng Triều Tiên lại coi đây là cuộc tập dượt nhằm chuẩn bị cho hành động xâm lược nước này.
Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm nếu chiến tranh nổ ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm 6/3 nói rằng: “Mỹ đang tìm mọi cách để đẩy Bán đảo Triều Tiên vào một cuộc chiến”.
Bình Nhưỡng còn cho rằng, “lệnh trừng phạt của LHQ cũng là vô lý khi Triều Tiên thử bom H với mục đích tự vệ và phóng vệ tinh vì mục đích hòa bình…”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thậm chí còn ra lệnh cho quân đội Triều Tiên sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân “bất cứ thời điểm nào” vì mục đích quốc phòng.
Tiếp ngay sau đó, Seoul lại công bố những biện pháp trừng phạt riêng đối với Bình Nhưỡng. Giới phân tích quốc tế cho rằng, một khi những biện pháp trừng phạt riêng được công bố, bán đảo Triều Tiên sẽ đứng trước nguy cơ bước vào một cuộc xung đột mới.
Trong khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng thì Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã vội vã sang thăm Nga. Giới phân tích cho rằng, có thể có 3 lý do khiến Bắc Kinh phải viện đến Moscow vào thời điểm này.
(1) Bắc Kinh lo sợ nguy cơ nổ ra chiến tranh, xung đột trên bán đảo Triều Tiên nên ông Vương Nghị phải đi Moscow để tìm kiếm chi viện chiến lược, nhất là trong bối cảnh cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn có quy mô chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam đến nay.
(2) Bắc Kinh muốn cùng bàn với Moscow cách ngăn chặn Washington và Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
(3) Tìm kiếm “tư duy mới” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên từ phía Nga, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tỏ ra hung hăng thái quá thông qua việc phóng tên lửa tầm ngắn ra biển Nhật Bản, ngừng toàn bộ giao dịch với Seoul, thanh lý tài sản và vô hiệu hóa mọi thỏa thuận giữa 2 bên.
Khó xảy ra chiến tranh
Về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, dư luận đang có những lo ngại khác nhau, có ý kiến cho rằng nguy cơ chiến tranh đang cận kề, nhưng cũng có ý kiến cho rằng sẽ khó xảy ra chiến tranh Triều Tiên lần thứ 2.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn ở trong vòng kiểm soát, sẽ không có những xung đột thái quá để dẫn đến một cuộc chiến tranh, mặc dù khu vực này vẫn sẽ bất ổn kéo dài với các lý do sau:
Một là, nếu Triều Tiên làm quá giới hạn, vượt “vạch đỏ” thì Trung Quốc là nước sẽ phải hứng chịu gần toàn bộ thảm họa về an ninh, quốc phòng, nhân đạo… nên Trung Quốc sẽ bằng mọi cách để ngăn cản khả năng này xảy ra.
Hai là, trong bối cảnh hiện nay Mỹ tuy rất kiên quyết bảo vệ đồng minh, nhưng vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc chiến, vì nhiều vấn đề nội bộ phải giải quyết như: vấn đề kinh tế, nhất là cuộc bầu cử Tổng thống đang cận kề và ông Obama không thể chấp nhận việc kết thúc hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình với một di sản tồi tệ giống như những người tiền nhiệm.
Ba là, nếu để xảy ra chiến tranh, không ai có thể dám chắc liệu cuộc đối đầu trầm trọng và liều lĩnh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc với đồng minh của mỗi bên là Trung Quốc và Mỹ có leo thang trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân nhiệt hạch toàn cầu hay không.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, tình hình Đông Bắc Á đang ngày càng trở nên căng thẳng, dễ bùng nổ khi các bên đối đầu trong “điểm nóng” này đang dùng sức mạnh quân sự để đua tranh “nắn gân” nhau. Tuy nhiên, khó có thể xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay.
Quang Huy