Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:
Châu Âu thấm đòn trả đũa của Nga
Trước giờ báo chí phương Tây luôn nói rằng nước Nga bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp cấm vận của châu Âu và Mỹ mà quên đi rằng các biện pháp trả đũa của Nga đã gây cho họ hậu quả gì.
Cuộc chiến cấm vận và trả đũa giữa Nga và phương Tây diễn ra cùng nhịp với những diễn biến tại Ukraina.
Từ cuối năm 2013 cho đến nay, Mỹ và châu Âu đã đưa ra tổng cộng 5 đợt trừng phạt nhằm vào nước Nga từ nhẹ như cấm vận đi lại của một số quan chức trong chính quyền Moskva cho tới nặng như cấm các công ty dầu khí của Nga tiếp cận thị trường vốn phương Tây và các các biện pháp hạn chế kinh tế khác. Đối với mỗi gói trừng phạt của phương Tây, Nga đều có các đợt trả đũa tương ứng. Đây là nguyên tắc bình thường trong ngoại giao.
Sau khi các đòn đánh được các bên tung ra, giờ là lúc xem bên nào bị thương. Truyền thông phương Tây trong thời gian qua không ngừng tuyên truyền rằng các biện pháp trừng phạt của chính phủ họ khiến kinh tế nước Nga rơi vào khủng hoảng. Quả thật nền kinh tế Nga vốn đang có dấu hiệu suy giảm nay lại thêm sự trừng phạt mới khó tránh khỏi ảnh hưởng. Tuy nhiên, tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây với nền kinh tế Nga không đến nỗi “kinh khủng” như truyền thông nói.
Ngày 24/11, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thông báo ước tính Nga bị thiệt hại mỗi năm 40 tỉ USD do lệnh cấm vận phương Tây và 90-100 tỉ USD do giá dầu giảm 30% trong vòng 3 tháng qua. Đặc biệt 50% thu ngân sách Nga phụ thuộc vào dầu hỏa trong khi giá dầu đã giảm dưới 80 USD/thùng hồi tuần trước. Dự báo tăng trưởng GDP Nga chỉ đạt 0,3% năm 2014 và 0% năm 2015.
Như vậy theo đánh giá của Bộ Tài chính Nga thì giá dầu sụt giảm khiến nền kinh tế Nga thiệt hại nhiều hơn chứ không phải tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Nếu như Nga bị thiệt hại khoảng 40 tỷ USD do lệnh trừng phạt, thì sự mất mát của EU do các biện pháp trả đũa của Nga là khoảng 50 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Điều này đã được Thủ tướng Dmitry Medvedev công bố hôm 10/12, khi trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình hàng đầu của Nga. Ông Medvedev nói thêm rằng, theo ước tính của các nhà kinh tế Nga, các nền kinh tế châu Âu trong năm tiếp theo sẽ bị thiệt hại khoảng 60 tỷ USD.
Thủ tướng Medvedev nói rằng lệnh trừng phạt là bất lợi cho tất cả các bên, lệnh trừng phạt "không cần cho ai, và theo thông lệ, có xu hướng không kết thúc bằng điều gì cả". Theo ông, không có ai ở phía Nga nêu kết luận rằng trừng phạt là cái cớ cho sự phát triển và trừng phạt không ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga. Ông Medvedev nói rằng quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt giúp chính phủ Nga đưa ra một số kết luận quan trọng, đặc biệt là nhu cầu thay đổi nhập khẩu và tạo ra các sản phẩm cạnh tranh chất lượng. Thủ tướng Medvedev bày tỏ tin tưởng rằng trong một vài năm tới, Nga sẽ tự túc lương thực thực phẩm của chính mình và sẽ không cần nhập khẩu sản phẩm nước ngoài.
Rõ ràng sức ép ngoại bang đã vô tình khiến sản xuất nội địa của Nga tăng trưởng. Mấy tháng qua, sản xuất công nghiệp ở Nga không ngừng tăng: tăng 2,8% vào tháng 9 và 2,9% vào tháng 10. Còn tháng 11 vừa qua, con số này có thể là 3%. Tăng trưởng chủ yếu trong hai lĩnh vực quốc phòng và vận tải. Ngành nông nghiệp Nga cũng hưởng lợi rất nhiều từ các lệnh bao vây của phương Tây bởi chính phủ Nga đã đáp trả bằng các lệnh cấm nhập khẩu hàng nông nghiệp châu Âu.