1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu mắc kẹt vì Huawei

Washington thúc ép các nước châu Âu không sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng viễn thông vì nỗi lo do thám

Ba Lan vừa trở thành quốc gia mới nhất đưa Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) vào tầm ngắm, với thông báo bắt giữ một quan chức công ty này do cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh hôm 11-1.

Người bị bắt là công dân Trung Quốc tên Weijing Wang (còn gọi là Stanislaw Wang), hiện là Giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan. Ông này bị bắt cùng một công dân Ba Lan là Piotr D., cựu quan chức cấp cao thuộc Cơ quan An ninh nội địa Ba Lan và đang làm việc cho nhà mạng di động Orange Polska SA. Theo nhà chức trách Ba Lan, những bằng chứng thu thập được cho thấy họ hoạt động gián điệp chống lại nước này.

Cả hai sẽ bị tạm giam 3 tháng và đối mặt mức án tối đa 10 năm tù giam nếu bị kết tội. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức bày tỏ quan ngại và yêu cầu Ba Lan bảo vệ các quyền hợp pháp của công dân Trung Quốc bị bắt giữ.

Vụ bắt giữ trên là thông tin xấu mới nhất liên quan đến Huawei, công ty đang đối mặt sức ép khắp thế giới liên quan đến nỗi lo Bắc Kinh có thể sử dụng thiết bị của họ để do thám. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc ép các nước châu Âu không sử dụng thiết bị của Huawei.

Năm ngoái, Orange Polska SA bắt tay với Huawei để phát triển mạng không dây thế hệ 5 (5G) tại Ba Lan. Tuy nhiên, Tập đoàn Orange SA (Pháp), công ty mẹ của Orange Polska SA, vừa thông báo không còn hợp tác với Huawei tại Pháp. Hiện chưa rõ Orange Polska SA có theo chân công ty mẹ hay không.

Châu Âu mắc kẹt vì Huawei - Ảnh 1.
Châu Âu mắc kẹt vì Huawei - Ảnh 2.

Văn phòng của Huawei tại thủ đô Warsaw - Ba Lan và 2 ông Weijing Wang (trái), Piotr D. Ảnh: REUTERS - TVP.INFO

Trang Bloomberg cho biết vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy vụ bắt giữ ở Ba Lan mang động cơ chính trị. Dù vậy, chính phủ Ba Lan hiện là đồng minh của Washington và dựa vào nước này để bảo đảm an ninh. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan Joachim Brudzinski cuối tuần rồi kêu gọi Liên minh châu Âu và NATO có hướng tiếp cận chung đối với Huawei.

Cái khó của châu Âu là họ đang cần phát triển cơ sở hạ tầng và đã xuất hiện chia rẽ trong chính sách đối với Huawei. Một số quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Na Uy… công khai lo ngại về việc sử dụng thiết bị Huawei cho mạng di động thế hệ mới. Chính phủ Đức cho biết đang xem xét hạn chế vai trò của công ty này trong các dự án hạ tầng viễn thông.

Trong khi đó, ông Alex Younger, Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài MI6 của Anh, vào tháng rồi nhấn mạnh chính phủ nước này cần phải quyết định có cấm cửa Huawei hay không. Riêng nhà chức trách Cộng hòa Czech gần đây cảnh báo những rủi ro an ninh đến từ Huawei.

Ở chiều ngược lại, một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary… lại chào đón Huawei tham gia các dự án nội địa. "Những gì diễn ra cho thấy châu Âu không có khả năng tự chủ. Họ hoặc là phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc dựa vào Mỹ" - ông Solange Ghernaouti, người đứng đầu nhóm tư vấn và nghiên cứu bảo mật mạng Thụy Sĩ, đánh giá.

Trong lúc nhiều nước châu Âu chưa có quyết định cuối cùng, nhà chức trách Úc và New Zealand đã cấm sử dụng thiết bị Huawei trong các dự án mạng 5G tại nước mình. Ngoài ra, giám đốc tài chính công ty này, bà Meng Wanzhou, hiện đối mặt cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Sau khi bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Washington, bà Meng được cho bảo lãnh tại ngoại 4 tuần trước trong lúc nhà chức trách địa phương xem xét việc dẫn độ bà sang Mỹ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 11-1 lên tiếng biện hộ vụ bắt giữ gây ra tranh cãi ngoại giao với Trung Quốc này. Ông khẳng định nước mình chỉ hành động trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, mặt khác chỉ trích Bắc Kinh tạm giữ 2 công dân Canada - bị xem là trả đũa vụ bắt bà Meng - và kêu gọi Trung Quốc cho họ được bảo lãnh tại ngoại.

Theo Hoàng Phương

Người lao động