1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu không yên tĩnh

Mối quan hệ Nga-Mỹ lại thêm phức tạp sau khi Washington tiếp tục điều máy bay A -10 đến Estonia, chỉ vài ngay sau thông báo lắp đặt 20 quả bom hạt nhân B61-12 tại căn cứ Không quân Buechel thuộc bang Rheinland-Pfalz của Đức.

"Can dự hạt nhân"

Hãng Sputnik dẫn nguồn tin từ lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu cho biết, Mỹ đã quyết định triển khai một số máy bay cường kích A-10 có khả năng mang bom hạt nhân tới Estonia. Các cường kích A-10 của Mỹ đã tới sân bay không quân Amari như một phần trong nội dung huấn luyện bay để hỗ trợ cho chiến dịch Atlantic Resolve của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực.

Châu Âu không yên tĩnh - 1

Hai máy bay A-10 và một chiếc F-22 bay trên không phận Estonia trước khi đáp xuống căn cứ Amari.

Quyết định triển khai cường kích A-10 được Mỹ đưa ra bất chấp những ồn ào quanh kế hoạch đưa bom hạt nhân B61-12 của Mỹ đến Đức-bản kế hoạch đang khiến cho mối quan hệ căng thẳng giữa Mátxcơva và Washington không ngừng tăng nhiệt.

Theo tờ Tiêu điểm (Focus) của Đức, dự kiến sẽ có 20 quả bom B61-12, loại bom nguyên tử chiến thuật thế hệ mới của Mỹ, được lắp đặt tại căn cứ Buechel. Số bom này có sức công phá tương đương với 80 quả bom đã từng được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các máy bay cường kích của Đức sẽ được phép sử dụng số bom này trong khuôn khổ một chiến lược chung của NATO mang tên "Can dự hạt nhân". Chính trị gia Thomas Hitschler, chuyên gia quốc phòng của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cũng cho biết là Chính phủ Liên bang Đức sẽ đầu tư thêm 120 triệu ơ-rô trong những năm tới để hiện đại hóa căn cứ Buechel.

Nếu kế hoạch triển khai bom hạt nhân B61-12 đến Đức được Mỹ thực hiện thì đây không phải là kho vũ khí hạt nhân duy nhất được Mỹ triển khai tại châu Âu. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện nay vũ khí hạt nhân chiến thuật được Mỹ triển khai tại Bỉ, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.

SIPRI dẫn nguồn từ các Trung tâm Kiểm soát vũ khí và nhóm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân ước tính, hiện có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai tại các nước đó. Tuy nhiên, toàn bộ thông tin về số vũ khí này luôn được Mỹ giữ kín.

Hồi giữa năm 2013, cựu Thủ tướng Hà Lan Ruud Lubbers từng tiết lộ, có khoảng 22 quả bom hạt nhân B61 của Mỹ được lưu trữ trong hầm an toàn dưới lòng đất tại căn cứ không quân Volkel ở Brabant, Hà Lan. Đây là loại bom hạt nhân Mỹ nghiên cứu chế tạo vào những năm 1960.

Ngoài việc triển khai máy bay A-10 đến Estonia và bom B61-12 đến Đức, Lầu Năm Góc còn quyết định triển khai máy bay B-52 đến Thụy Điển và nhiều vũ khí chiến lược khác vây quanh Nga.

Cụ thể, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã có kế hoạch bố trí tại các nước NATO ở Đông Âu các kho vũ khí hạng nặng đủ trang bị cho lực lượng từ 3.000 đến 5.000 binh sĩ. Nguồn tin của tờ Thời báo New York cho biết, theo kế hoạch đề ra, bước đầu, số thiết bị đủ cho 150 binh sĩ sẽ được đặt ở 3 nước vùng Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia; trong khi số vũ khí đủ cho khoảng 750 binh sĩ sẽ được đặt ở Ba Lan, Rumani, Bulgari và có thể cả Hungary. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa vũ khí hạng nặng tới gần biên giới Nga kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Mátxcơva sẽ không ngồi yên

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng, kế hoạch hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Đức đã gây ra mối quan ngại đặc biệt đối với Nga. Người phát ngôn Zakharova lưu ý từ những năm 1990 đến nay, Mátxcơva đã 4 lần cắt giảm kho vũ khí hạt nhân phi chiến lược của mình.

Bà Zakharova khẳng định: “Trong khi ở các nước châu Âu - không chỉ ở Đức mà còn cả ở Bỉ, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ - vẫn còn nguyên những vũ khí hạt nhân chiến lược từng được Mỹ triển khai trước đó. Người Mỹ hiện đại hóa bom hạt nhân của họ, còn các thành viên châu Âu của NATO thì nâng cấp các máy bay mang những vũ khí như vậy”. Điện Kremlin nhiều lần cáo buộc NATO triển khai lực lượng tới gần Nga nhằm kiềm tỏa cựu thù thời Chiến tranh lạnh và khẳng định Mátxcơva sẽ không ngồi yên.

Nhiều chuyên gia cũng cáo buộc, Mỹ cùng với phương Tây đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng để lấy cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực.

Giới chuyên gia, các nhà phân tích đã đồng loạt lên tiếng, bày tỏ sự lo ngại về hành động của Mỹ. Ông Aleksey Fenenko, một chuyên gia thuộc Viện Các vấn đề An ninh quốc tế, tin rằng Nga sẽ không thể đưa ra được một câu trả lời ngoại giao thích hợp cho bước đi trên của Mỹ, vì thế biện pháp đáp trả chắc chắn sẽ mang bản chất quân sự.

Các chuyên gia đều có chung quan điểm, việc Mỹ dự định đưa cả “một kho vũ khí” hạng nặng đến các nước Đông Âu sẽ đe dọa an ninh khu vực và sẽ đẩy Mátxcơva vào tình thế buộc phải phản ứng, đáp trả.

Hãng Reuters cho rằng, rất có thể kế hoạch đưa bom hạt nhân B61-12 đến Đức sẽ khiến Nga đẩy nhanh hơn việc trang bị tổ hợp tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho vùng lãnh thổ Kaliningrad, sát biên giới Ba Lan - một động thái được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá là sẽ làm thay đổi cán cân an ninh ở châu Âu.

Theo Hà Lan

Quân đội Nhân dân

Châu Âu không yên tĩnh - 2