Châu Âu chảy máu chất xám - Phần 1
Trong khi các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang vật lộn để cứu Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) khỏi đổ vỡ, thì một mối lo khác đang hiện ra và có thể tác động lớn hơn tới nền kinh tế ì ạch của lục địa già. Đó là cuộc khủng hoảng lực lượng lao động chuyên môn cao.
Mặc dù đang có một lực lượng lao động dư thừa lớn, nhưng gần 27% vị trí trống trên thị trường lao động mỗi năm ở các nền kinh tế lớn của châu Âu sẽ không có lực lượng thay thế bởi thiếu những ứng viên có đủ kỹ năng cần thiết. Cho tới năm 2020, riêng lĩnh vực công nghệ số của lục địa này sẽ thiếu tới 900.000 lao động có tay nghề, trong khi đó, nền kinh tế số 1 châu Âu là Đức sẽ thiếu khoảng 1 triệu lao động có kỹ năng trong ngành khoa học, kỹ thuật, toán và công nghệ.
Một số nhà hoạch định chính sách đã nhận thức được mối đe dọa tiềm tàng này. Ủy viên châu Âu phụ trách thanh niên và giáo dục, Androulla Vassiliou, mới đây tuyên bố rằng việc thiếu kỹ năng lao động sẽ hủy hoại “những khát vọng của giới trẻ châu Âu và cuối cùng là tương lai thịnh vượng của chúng ta”.
Tuy nhiên, tới nay, giới lãnh đạo châu Âu đã lựa chọn những phương cách sai lầm để giải quyết vấn đề trên. Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện các bước đi nhằm lới lỏng chính sách nhập cư để thu hút những người nước ngoài có kỹ năng từ khắp nơi trên thế giới.
Nhưng chính sách này sẽ còn lâu mới hiệu quả cả về khía cạnh chính trị và kinh tế trong việc thu hút trở lại những người châu Âu tài năng - những người đã rời bỏ lục địa này để đi làm ở nơi khác. Kêu gọi họ trở về, chứ không phải là kêu gọi làn sóng nhập cư mới, cần là ưu tiên hàng đầu của EU hiện nay.
Kể từ khi thành lập Eurozone, ngày càng có nhiều lao động trình độ cao đã rời bỏ châu Âu để tìm những thị trường lao động mới. Trong những năm trước khủng hoảng tài chính, 15 nước thuộc Eurozone đã mất trung bình khoảng 120.000 lao động có trình độ sau đại học mỗi năm. Họ chủ yếu được các công ty Mỹ trả lương cao, các trường đại học đẳng cấp thế giới thu hút. Điển hình là trường hợp của Italy, trong giai đoạn 2000 - 2008, nước này đã mất 1,5 triệu lao động có tay nghề, trong đó có rất nhiều chuyên gia.
Cuộc khủng hoảng hiện nay càng làm cho nạn chảy máu chất xám trở nên trầm trọng. Trong những năm gần đây, Ireland, Italy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha - những nước bị ảnh hưởng nặng nhất của cuộc khủng hoảng, đã chứng kiến sự di cư của những người có trình độ ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.
Như một sự hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp, mỗi năm có hàng trăm ngàn lao động giỏi của nước này đã ra nước ngoài. Với thực tế là châu Âu có hệ thống giáo dục hàng đầu được chính phủ tài trợ, việc các công dân của họ rời bỏ quê hương trở thành một thảm họa, ít nhất là về khía cạnh tài chính. Mỗi lao động có tay nghề ra đi chính là một khoản đầu tư thất bại của chính phủ.
(Còn tiếp)