Châu Âu báo động về kho vũ khí cạn kiệt
(Dân trí) - Nhiều nước châu Âu cảm thấy đáng báo động trước tình trạng quân đội quốc gia suy yếu và kho vũ khí cạn kiệt, giữa lúc Mỹ ngày một đi theo chủ nghĩa biệt lập trong cuộc xung đột Ukraine.
Các nước phương Tây cho rằng hiện "không có nguy cơ quân sự trực tiếp nào từ Nga đối với châu Âu" chừng nào xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Nhưng nếu Nga cuối cùng giành chiến thắng ở Ukraine, ít người nghi ngờ khả năng Moscow chỉ mất 3-4 năm để khôi phục hoàn toàn sức mạnh vũ trang và "gây rắc rối" ở nơi khác, theo Wall Street Journal.
Trong bối cảnh đó, tâm lý báo động đã gia tăng "khi mà Mỹ dần chuyển lập trường sang chủ nghĩa biệt lập hơn" về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, tờ báo Mỹ viết.
Nỗi sợ ấy xuất phát từ nhận thức cho rằng phần lớn năng lực sản xuất quốc phòng của châu Âu đã bị "xói mòn" sau nhiều năm cắt giảm ngân sách hậu Chiến tranh Lạnh.
Việc xốc lại năng lực quân sự dường như là "thách thức" do eo hẹp về ngân sách khi mà các nước châu Âu đối mặt tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm và dân số già, theo Wall Street Journal.
Ngoài ra, một tỷ lệ đáng kể người dân các nước châu Âu không ủng hộ việc cắt giảm nguồn tài trợ cho phúc lợi xã hội để tăng chi tiêu cho quân sự.
Châu Âu đã "tự phi quân sự hóa chính mình một cách có hệ thống" vì họ không có mối đe dọa rõ ràng và thế thống trị của quân đội Mỹ trên toàn cầu, Wall Street Journal dẫn lời Anthony King, Giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Warwick.
"Về cơ bản, họ đã ngủ say", ông King bổ sung.
Lấy ví dụ, Wall Street Journal dẫn dữ liệu cho thấy kho vũ khí của Vương quốc Anh, được coi là nước chi tiêu quốc phòng hàng đầu châu Âu, hiện chỉ có 150 xe tăng và khoảng chục khẩu pháo tầm xa có thể sử dụng được.
Pháp, quốc gia đứng ngay sau Vương quốc Anh về chi tiêu quân sự, có "chưa đầy 90 khẩu pháo hạng nặng, tương đương số pháo Nga mất gần như hàng tháng" trong chiến sự Ukraine. Quân đội Đức chỉ có đủ đạn dược cho hai ngày chiến đấu, Wall Street Journal viết.
Chiến sự Ukraine đã cho thấy châu Âu đang đối mặt vấn đề nghiêm trọng ra sao.
Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng Thư ký NATO, cho rằng: "Dù sức mạnh kinh tế và công nghiệp tổng hợp của các nước NATO lấn át Nga và đồng minh, chúng ta đang tự để mình bị lấn át".
"Ukraine đang đối mặt dạng chiến sự tiêu hao. Nếu chúng ta không nghiêm túc trong việc sản xuất đạn dược, nguy cơ chiến tranh có thể sẽ đến gần chúng ta hơn", ông Rasmussen nói.
Tổng thống Joe Biden từng tái khẳng định cam kết kiên định của Mỹ đối với NATO. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump, người sẽ tái tranh cử năm 2024, đã nhiều lần đặt câu hỏi về giá trị của NATO.
Ông Trump tán thành điều khoản phòng thủ tập thể của NATO nhưng đã xung đột với các lãnh đạo NATO về nguồn tài trợ và số quân Mỹ cần đồn trú ở châu Âu. Lãnh đạo của cả 2 chính đảng lớn tại Mỹ từ lâu đã kêu gọi châu Âu phải chi trả nhiều hơn trong lĩnh vực quốc phòng.
Gói viện trợ cho Ukraine mà Nhà Trắng gần đây đề xuất đã gặp phải sự phản đối từ các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội. Giao tranh ở Gaza cũng khiến Mỹ không còn tập trung vào Ukraine. Nếu không được Quốc hội phê duyệt ngân sách bổ sung, Nhà Trắng sẽ cạn tiền cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine.
Các nước châu Âu đã cam kết viện trợ hàng tỷ USD cho Kiev, nhưng họ cũng gặp hạn chế về kinh tế và hoạt động sản xuất vũ khí. Nếu Mỹ ngừng viện trợ cho Ukraine, châu Âu sẽ không thể lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại, cũng như không thể đồng thời củng cố lực lượng của chính mình.
Tổng Tham mưu trưởng Ukraine Valery Zaluzhny đã thừa nhận trong bài viết trên Economist vào đầu tháng 11 rằng cuộc xung đột với Nga đã đi đến "bế tắc".
Trả lời phỏng vấn Economist sau đó, ông Zaluzhny nói rằng cả quân đội Ukraine và Nga sẽ không thể đột phá trên mặt trận. Nhưng dạng xung đột tiêu hao lực lượng có thể kéo dài nhiều năm và bào mòn Ukraine.