1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Á vẫn nghi ngại bất chấp nỗ lực “kết thân” của Mỹ

(Dân trí) - Mặc dù Mỹ đã đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ châu Á - Thái Bình Dương nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, song các quốc gia trong khu vực dường như vẫn hoài nghi về động lực thực sự của Washington.

Châu Á vẫn nghi ngại bất chấp nỗ lực “kết thân” của Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Trump ký thông qua đạo luật ARIA nhằm hỗ trợ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ngày 31/12/2018. (Ảnh: AP)

Khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền cách đây 2 năm, chính quyền của ông đã công bố một số động thái theo chiến lược "Nước Mỹ là trên hết", trong đó giảm bớt sự can dự của Mỹ vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế. Từ việc rút khỏi thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương cho tới dọa áp thuế nhập khẩu đối với các đồng minh truyền thống, chính quyền Trump đã làm dấy lên nhiều lo ngại về vai trò lãnh đạo của Mỹ trên "sân chơi" quốc tế.

Tuy nhiên trong một năm qua, Mỹ cũng nỗ lực để chứng minh cho châu Á - Thái Bình Dương thấy rằng Washington vẫn làm một đối tác kiên định của khu vực này. Các quan chức cấp cao của Mỹ vẫn coi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên cho các chuyến thăm chính thức. Ngoài ra, Mỹ cũng công bố các khoản hỗ trợ về quân sự và tài chính cho chính phủ các nước châu Á trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump.

Tuy vậy, nhiều nền kinh tế mới nổi tại châu Á vẫn hoài nghi về các cam kết của Mỹ. Các chiến lược gia nói với CNBC rằng mặc dù Mỹ đã cam kết hàng triệu USD viện trợ và triển khai các tàu tới khu vực, song nhiều ý kiến tại quốc gia Đông Nam Á vẫn nghi ngờ tính ổn định của các cam kết này.

Theo Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu chuyên về quốc phòng Đông Nam Á tại Đại học Công nghệ Nayang ở Singapore, chính quyền Trump ngày càng trở nên khó đoán với những lần thay đổi chính sách cũng như sự ra đi của nhiều nhà hoạch định chính sách cấp cao như cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Do vậy việc phán đoán chắc chắn bất kỳ động thái nào của Washington là điều rất khó.

Tháng 7/2018, Mỹ đã thông báo chương trình đầu tư trị giá 113 triệu USD dành cho kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tiếp đó là sự ra đời của một cơ quan phát triển tài chính mới của Mỹ với số tiền vay vốn lên tới 60 tỷ USD, một động thái được mô tả là "thay thế" cho các khoản đầu tư của Trung Quốc tại châu Á. Động lực chính phía sau các chính sách ưu tiên của Washington tại Ấn Độ - Thái Bình Dương là đối trọng với sức mạnh quân sự, kinh tế và tài chính của Bắc Kinh.

Cam kết mới nhất của Mỹ với châu Á là đạo luật mang tên Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) do Tổng thống Trump ký thông qua ngày 31/12. Trong thời hạn 5 năm, đạo luật này cam kết khoản hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ USD mỗi năm dành cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực chống khủng bố, thương mại, nhân quyền và an ninh.

Sự hoài nghi

Kết quả cuộc khảo sát được tiến hành trên 1.008 thành viên của các cộng đồng truyền thông, xã hội dân sự, doanh nghiệp, nghiên cứu và chính sách tại Đông Nam Á cho thấy 68% số người được hỏi tin rằng cam kết của Mỹ với khu vực này đã sụt giảm kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.

Cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore tiến hành từ ngày 18/11-5/12 cũng cho thấy góc nhìn không mấy khả quan của Đông Nam Á về chính quyền Trump. Chỉ 31,9% những người được hỏi nói rằng họ đặt niềm tin vào Washington với tư cách là đối tác chiến lược và là nước đảm bảo an ninh cho khu vực.

Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy sự bất ổn đáng kể về vai trò của Mỹ tại Đông Nam Á, song viện nghiên cứu của Singapore chỉ ra rằng điều đó không có nghĩa là Đông Nam Á không cần đến hoặc không chào đón nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Cuộc khảo sát cho thấy Tổng thống Trump đã gây tổn hại cho vị thế của Mỹ tại Đông Nam Á. Điều này đồng nghĩa với việc Sáng kiến Trấn an châu Á và các chính sách khác là một bài toán khó của chính quyền Trump", Malcolm Cook, nhà nghiên cứu cấp tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, nhận định.

Mỹ có thể làm gì?

Để Mỹ có thể giành lại lòng tin của các nước trong khu vực, các chuyên gia cho rằng việc thực thi các chính sách đóng vai trò then chốt.

Những sáng kiến như ARIA và chương trình phát triển cơ sở hạ tầng đều được hoan nghênh tại châu Á - Thái Bình Dương, tuy nhiên "câu hỏi lớn nhất đặt ra là liệu chính quyền Trump có tiếp tục theo đuổi việc thực thi hay không", chuyên gia Koh nói, đồng thời cho biết Mỹ nên thực hiện một mục tiêu khác là thúc đẩy "sự hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác".

Theo chuyên gia Koh, Mỹ từng nhiều lần khẳng định mong muốn hợp tác với các đồng minh, song sự hợp tác này có xu hướng bị "phủ bóng" bởi các vấn đề khác như yêu cầu do Washington đưa ra về việc các đồng minh phải chia sẻ chi phí quốc phòng.

"Đó là một ví dụ cho thấy các đồng minh thân cận bắt đầu nghi ngờ cam kết của Mỹ cũng như vai trò của chính họ trong mối quan hệ cân bằng", chuyên gia Koh nhận định.

Một số ý kiến khác cho rằng Mỹ nên tăng cường hiện diện trong khu vực.

"Một trong những mối quan ngại chính là sự thiếu quan tâm từ các lãnh đạo cấp cao của Mỹ tới Đông Nam Á, như việc Tổng thống Trump quyết định không dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á hay hội nghị cấp cao APEC hồi tháng 11. Điều này cho thấy sự trái ngược hoàn toàn với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama - người luôn dành sự quan tâm cá nhân đặc biệt cho khu vực", Hunter Marston, nhà phân tích Đông Nam Á độc lập tại Washington, nhận định.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là một vấn đề tác động tới nhận thức của châu Á về Mỹ.

"Mặc dù nhiều đối tác Đông Nam Á có thể ngầm ủng hộ chính quyền Trump trong việc sẵn sàng ứng phó với sự cưỡng ép của Trung Quốc trong khu vực, song các nhà lãnh đạo châu Á vẫn luôn cảnh giác với sức ép địa chính trị trong việc phải lựa chọn đứng về phía Washington hay Bắc Kinh", nhà phân tích Marston cho biết.

Thành Đạt

Theo CNBC