1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Châu Á thiếu cơ chế phòng ngừa chiến tranh

(Dân trí) - Đây là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen trong phiên thảo luận cuối cùng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, một diễn đàn an ninh khu vực đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế trong 3 ngày qua.

Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 13.
Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 13.

Theo người đứng đầu ngành quốc phòng nước chủ nhà, châu Á đang rất thiếu một cơ chế tập thể giống như châu Âu sau hai cuộc chiến tranh thế giới để có thể ngăn ngừa xung đột bùng nổ thành chiến tranh.

"Không giống như châu Âu, ở đây không có cơ chế đa phương cảnh báo bùng nổ xung đột khu vực. Cho đến nay, sức mạnh duy nhất kiềm chế các nước là lợi ích mà bản thân mỗi nước có được từ phát triển kinh tế", hãng tin Channel News Asia dẫn phát biểu của Bộ trưởng Ng Eng Hen.

Theo ông, các tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ và suy giảm kinh tế đang đặt an ninh châu Á trước những thách thức mới, thể hiện qua những diễn biến gần đây ở Biển Đông và Hoa Đông.

Vì vậy, châu Á cần xây dựng một cơ chế ứng phó hiệu quả dựa trên đồng thuận và niềm tin chính trị. Cơ chế này bao gồm các quy tắc đa phương, các chương trình hợp tác cụ thể và phối hợp hoạt động quân sự giữa các nước.

“Có thể giảm thiểu nguy cơ bằng việc chủ động xây dựng các mối quan hệ và khuôn khổ đa phương mạnh mẽ nhằm gây dựng lòng tin dựa trên hợp tác và đồng thuận", Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nhấn mạnh.

Trước đó, trong buổi trả lời báo giới sau tiệc chiêu đãi trưởng đoàn các bên dự Đối thoại Shangri-La 13, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho biết tất cả các bên tham dự hội nghị đều muốn hạ nhiệt căng thẳng hiện nay, vì tiến bộ ở châu Á phụ thuộc vào hòa bình và ổn định. Đáng tiếc rằng, vấn đề của an ninh châu Á là các quốc gia “thiếu lòng tin” ở nhau để có thể xây dựng được giải pháp có sự đồng thuận cao.

Hiện tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực đàm phán với Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ thành lập Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), văn kiện có tính ràng buộc pháp lý cơ bản trong việc quản lý căng thẳng và ngăn chặn xung đột ở vùng biển có tầm quan trọng chiến lược không chỉ ở châu Á - Thái Bình Dương mà còn cho sự phát triển của thế giới. 

Vũ Anh
Theo CNA 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm