1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2007 của IMF:

Châu Á sẽ phát triển chậm lại

(Dân trí) - Ngày 11/4, Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố bản Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong đó nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng của châu Á sẽ giảm. Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng 8% trong năm 2007.

Theo dự báo của IMF, kinh tế sẽ thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 4.9% trong cả 2 năm 2007 và 2008. Mức tăng này, thấp hơn 0,5% so với năm 2006, phù hợp với tỉ lệ tăng trưởng được dự báo trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới công bố tháng 9/2006.

 

Trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, Mỹ là quốc gia điển hình cho sự sụt giảm trong tỉ lệ tăng trưởng với mức tăng được IMF dự báo là 2,2 %, thấp hơn 0,7% so với dự báo 6 tháng trước đó.

 

Giải thích nguyên nhân của hiện tượng này, IMF cho biết: “Sự đi xuống của thị trường nhà đất Mỹ đã nghiêm trọng hơn dự báo. Tỉ lệ tăng trưởng thấp hơn vào năm 2007 cơ bản phản ánh viễn cảnh không mấy thành công cho lĩnh vực đầu tư nhà đất”.

 

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong năm tới lên mức 2,8% khi thời kỳ khủng hoảng nhà đất đi qua. Các nhà phân tích lạc quan cho rằng, đó cũng là thời điểm có thể đánh dấu sự phát triển cho nền kinh tế hàng đầu thế giới.

 

Đối với khu vực châu Âu, IMF dự báo sự tăng trưởng trong năm nay và năm tới sẽ duy trì ở mức thấp, 2,3% do các biện pháp thắt chặt tài chính, tiền tệ. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, được dự đoán tăng trưởng 1,8% trong năm 2007 và 1,9% trong năm 2008, trong khi đó kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng 2,0% trong năm nay và 2,4 vào năm tới, cao hơn tỉ lệ tăng trưởng 2,0% của năm 2006. Nền kinh tế Anh được dự báo tiếp tục tăng ở mức 2,9% vào năm 2007 và 2,7% vào năm 2008.

 

Trái ngược với mức tăng trưởng thấp tại nhiều quốc gia châu Âu, nền kinh tế Nga được dự báo sẽ tăng 6,4% trong năm nay, thấp hơn mức 6,7% trong năm ngoái. Năm 2008, kinh tế Nga sẽ phát triển chậm lại ở mức 5,9%.

 

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, khu vực châu Phi sẽ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong năm nay lên 6,2% từ mức 5,5% trong năm 2006. Kể từ đầu thập niên này, khu vực cận Sahara đã đạt mức tăng trưởng trung bình trên 4,5%/năm, giai đoạn 7 năm phát triển mạnh nhất kể từ đầu những năm 1970.

 

Châu Á sẽ phát triển chậm lại

 

Theo dự báo của IMF, việc Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới sự bành trướng của 2 nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới, khiến tốc độ phát triển tại châu Á, trong đó có Nhật Bản chậm hơn vào năm 2007 và 2008.


Các nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng bình quân 8,4% vào năm nay, giảm 0,4% so với mức tăng 8,9% vào năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ này sẽ giảm xuống còn 8% vào năm tới.

 

Dự báo phát triển chậm lại tại khu vực châu Á của IMF cũng hoàn toàn tương tự với dự báo được Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á đưa ra trong vòng 2 tuần qua. Tất cả các dự báo đều chỉ ra sự sụt giảm trong nhu cầu xuất khẩu do sự tăng trưởng tại Mỹ và châu Âu không bắt kịp nhịp độ.

 

Tại Trung Quốc và Ấn Độ, các biện pháp nhằm hạn chế đầu tư và lạm phát cũng làm giảm sự tăng trưởng.

 

IMF cho biết: “Điều này phản ánh sự điều chỉnh trong phát triển kinh tế tại Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm đối phó với các biện pháp thắt chặt chính sách và sự phát triển chậm lại giữa các nền kinh tế công nghiệp mới, do nhu cầu toàn cầu về xuất khẩu giảm. Sự chậm lại trong nhu cầu xuất khẩu cho các nước châu Á nói chung, hàng hoá điện tử nói riêng, có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng”.

 

Quĩ tiền tệ thế giới dự báo, kim ngạch thương mại thế giới có thể tăng 7% trong năm nay, giảm nhẹ so với dự báo vào tháng 9 năm ngoái và thấp hơn mức tăng 9,2% trong năm 2006.

 

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á sau Nhật Bản, sẽ tăng trưởng ở mức 10% năm năm nay, không đổi so với dự báo được đưa ra vào tháng 9 năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng này có thể giảm xuống 9,5% trong năm 2008. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 10.7%.

 

Nền kinh tế Ấn Độ có trị giá 854 tỉ USD sẽ tăng trưởng 8,4 trong năm 2007, thấp hơn 1,1% so với dự đoán năm 2006. Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ ước đạt 7.8% trong năm tới trong khi tỉ lệ tăng trưởng năm 2006 là 9.2%.

 

Tuy nhiên, IMF cũng không loại trừ khả năng các khu vực phát triển của châu Á sẽ tăng trưởng tốt hơn dự đoán.

 

IMF cho biết: “Có khả năng sự phát triển chậm lại tại Trung Quốc sẽ không xảy ra nếu tác động của biện pháp thắt chặt tiền tệ trong đầu tư chỉ là tạm thời. Tại Ấn Độ, lĩnh vực công nghiệp sản xuất và đầu tư có thể cùng tạo đà phát triển trong giai đoạn tới”.

 

Trung Quốc đã tăng mức lãi suất cao nhất trong vòng 8 năm qua và 6 lần tăng tỷ lệ vốn dự trữ ngân hàng trong vòng chỉ chưa đầy 1 năm để làm chậm sự đầu tư và kiềm chế việc các ngân hàng thương mại cho vay ồ ạt.

 

IMF nhận định: “Tại Trung Quốc, mặc dù dòng đầu tư đã có sự điều chỉnh trong vài tháng gần đây nhưng vẫn còn ở mức cao, do vậy các biện pháp gia tăng thắt chặt tiền tệ có thể vẫn cần thiết. Tại Ấn Độ, do sức ép lạm phát còn cao, một số biện pháp thắt chặt hơn nữa dường như vẫn cần được áp dụng”.

 

Sự phát triển tại các nền kinh tế công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore cũng được dự báo là chậm lại trong năm nay.

 

Hàn Quốc được dự báo là tăng trưởng 4,4% trong năm 2007 và 2008, thấp hơn mức tăng 5% trong năm ngoái. Kinh tế Đài Loan cũng tăng chậm 4,2% trong năm nay sau khi đạt 4,6% trong năm 2006.

 

Singapore sẽ tăng từ 7,9% trong năm 2006 xuống 5,5% trong năm nay, cùng mức tăng với Hồng Kông, giảm từ 6,8% vào năm ngoái.

 

IMF giảm 0,5% cho dự đoán tăng trưởng của Thái Lan xuống còn 4,5% và cũng giảm dự báo tăng trưởng của Malaysia xuống 5,5%. Tuy nhiên, IMF tăng dự báo cho Philippines lên 5,8% so với dự báo trước đó là 5,4%. Mức dự báo của Indonesia vẫn duy trì ở mức 6%.

 

Việt Nam được dự báo mức tăng trưởng 8% trongnăm 2007 và 7,8% trong năm 2008.

 

VTH

Theo IHT, People China

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm