1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chặng đường dài tới lễ ký Hiệp định Đình chiến trên bán đảo Triều Tiên

Sau gần 200 phiên họp và 400 giờ thảo luận trải dài hơn 2 năm, các bên mới có thể đi đến Hiệp định Đình chiến ngày 27/7/1953.

Ngày 27/7/1953 Hiệp định Đình chiến được ký kết, chấm dứt mọi xung đột vũ trang từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên, mở ra một thời kỳ mới cho người dân hai miền. Dưới đây là cái nhìn về chặng đường dài đi đến sự kiện lịch sử quan trọng này.


Lễ ký Hiệp định Đình chiến 1953. Ảnh: KT

Lễ ký Hiệp định Đình chiến 1953. Ảnh: KT

Giai đoạn 1951-1952 dằng dai và gián đoạn

Ngày 23/6/1951, Liên Xô đề nghị rằng, các bên tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên ngồi lại với nhau để thảo luận những điều kiện cần thiết cho một lệnh ngừng bắn. Phía Mỹ và Liên Hợp Quốc cử Tổng tư lệnh Hải quân Mỹ ở Viễn Đông, Phó Đô đốc C. Turner Joy làm đại diện. Còn phía Triều Tiên cử Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nam Il trẻ tuổi (37 tuổi) dẫn đầu phái đoàn đàm phán.

Các điểm chính đàm phán về hiệp định đình chiến chủ yếu xoay quanh cách thức thực hiện hiệp đinh; việc thiết lập khu phi quân sự; và vấn đề trao đổi tù binh chiến tranh.

Sau 1 năm giao tranh căng thẳng, cộng đồng quốc tế tin rằng tất cả các bên sẽ sớm đi đến một thỏa thuận đình chiến. Các cuộc đàm phán ban đầu diễn ra ở Kaesong, nhưng không đạt được nhiều hiệu quả như kỳ vọng. Tướng Joy từng lạc quan cũng phải thừa nhận rằng ông đã bước vào một cuộc đàm phán kiểu “marathon vòng quay ngựa gỗ nhiều tập”.

Tháng 8/1951, phía Triều Tiên cho rằng khu vực đàm phán bị đánh bom và đề nghị phía Liên Hợp Quốc điều tra. Các cuộc đàm phán bị gián đoạn cho tới cuối năm 1951, khi các bên chọn Bàn Môn Điếm làm địa điểm đàm phán mới do vị trí địa lý thuận lợi.

Việc các bên không chấp nhận nhượng bộ điều kiện liên quan đến vị trí khu phi quân sự và lệnh ngừng bắn đã khiến đàm phán trở nên bế tắc.

Tới đầu năm 1952, các bên mới đồng ý chọn vĩ tuyến 38 làm ranh giới cho lệnh đình chiến. Khu vực phi quân sự (DMZ) được ra đời và từ đó luôn được tuần tra bởi lính Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ và lực lượng liên quân Liên Hợp Quốc.

Sự bế tắc còn lại liên quan đến việc trao trả tù nhân chiến tranh (POW). Giữa năm 1952, phía Liên Hợp Quốc muốn áp dụng quy tắc “hồi hương tình nguyện” đối với các tù nhân chiến tranh, đồng nghĩa với việc POW sẽ không bị buộc phải hồi hương nếu họ không muốn. Tuy nhiên khi đó, phía Triều Tiên và đông minh Trung Quốc lại cứng rắn về việc trao trả POW một cách không có điều kiện.

Sau các cuộc đàm phán marathon ko hiệu quả từ tháng 6 đến tháng 10/1952, UNC đã đơn phương chấm dứt đàm phán.

Sự thay đổi chiến lược

Sự mệt mỏi vì chiến tranh ảnh hưởng tới cả 2 bên và đàm phán đình chiến dường như đã bị dừng không hạn định. Ngày 22/2/1953, Tư lệnh UNC Mark Clark, theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã giửi một lá thư trực tiếp tới Chủ tịch Kim Nhật Thành. Lá thư nói rằng, Liên Hợp Quốc muốn ngay lập tức hồi hương những tù nhân chiến tranh ốm yếu và bị thương như một hành động thiện chí. Phía Triều Tiên và đồng minh không đáp trả hàng tuần liền, nhưng sau đó đồng ý, sau một số sự kiện đáng chú ý.

Có 3 sự kiện đáng chú ý khi đó:

Thứ nhất, Tổng thống mới đắc cử Mỹ Dwight D. Eisenhower đã công khai rằng ông sẵn sàng leo thang chiến tranh ở Triều Tiên và có thể toàn châu Á. Tháng 1/1953, sau khi ông Eisenhower tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, Mỹ đã thử thành công vũ khí hạt nhân. Ngay sau vụ thử nghiệm này, Tổng thống Eisenhower đã thông qua việc hỗ trợ mở rộng quân đội Hàn Quốc từ 14 lên 20 sư đoàn với chi phí 1 tỷ USD.

Thứ hai, cũng trong tháng 2/1953, Tổng thông Eisenhower đã tuyên bố ông có kế hoạch hủy bỏ nhiệm vụ tuần tra các vùng biển giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ từ bỏ “vai trò lính gác” tránh việc đảng Cộng sản Trung Quốc tấn công Đài Loan và Quốc dân đảng ở Đài Loan tấn công Trung Quốc đại lục. Trong thông điệp liên bang,Tổng thống Eisenhower nói rằng ông không muốn Mỹ trở thành “cánh tay bảo” vệ cho một đất nước chống lại Mỹ ở Triều Tiên.

Thứ ba, ngày 5/3, Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin qua đời.

Sau những sự kiện trên, ngày 28/3, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thông báo với Liên Hợp Quốc rằng Trung Quốc và Triều Tiên đồng ý khôi phục đàm phán ở Bàn Môn Điếm. Họ cũng đồng ý với đề xuất của Liên Hợp Quốc về các tù nhân chiến tranh không muốn hồi hương.

Ngày 11/4, các đại diện của UNC cũng như phía Triều Tiên và đồng gặp nhau ở Bàn Môn điếm và bắt đầu trao đổi những POW bị ốm và bị thương.

Thành công của cuộc trao đổi tù nhân tạo xung đà ngoại giao cần thiết để khôi phục các cuộc thảo luận về Hiệp định đình chiến. Đến 27/4, các đại diện cấp cao của các bên đã khôi phục đàm phán đình chiến ở Bàn Môn Điếm.

Có một điểm đáng chú ý là Tổng thống Hàn Quốc Syngman Rhee lại là người phản đối các cuộc đàm phán đình chiến vội vàng này trong những ngày cuối. Ông cho rằng sẽ chẳng có sự thay thế nào cho chiến thắng và Bán đảo Triều Tiên cần được thống nhất bằng vũ lực. Cuối cùng, để “an ủi” phía Hàn Quốc và để đảm bảo cho Hiệp định đình chiến, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã hứa hẹn về thỏa thuận an ninh với Hàn Quốc, viện trợ kinh tế dài hạn cũng như các nguồn lực cần thiết để mở rộng Quân đội Hàn Quốc.

Lễ ký kết Hiệp định

Ngày 27/7/1953, UNC và Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến ở Bàn Môn Điếm. Tướng William K. Harrison là người thay mặt phía Mỹ và UNC, còn Tướng Nam Il là đại diện của phía Triều Tiên.

Hiệp định được ký vào lúc 10h sáng ngày 27/7/1953. Các đại biểu lần lượt rời khỏi địa điểm ký kết, không nói một lời và không bắt tay lẫn nhau.

Hiệp định đình chiến chính thức có hiệu lực sau 12 giờ ký, tức là vào 22h ngày 27/7/1953.

72 giờ đồng hồ sau lễ ký, binh sỹ 2 bên đồng loạt rút lui, cách đường biên giới 2 km. Một vùng phi quân sự được chính thức thiết lập. Những ngày tiếp sau đó, các tù nhân chiến tranh bị hai bên giam giữ bắt đầu được thả tự do theo các điều khoản trao đổi.

Theo các tư liệu, phía Triều Tiên đã trao trả khoảng 12.000 tù nhân, bao gồm khoảng 3.000 lính Mỹ và 8.000 lính Hàn Quốc, 900 lính Anh và những tù nhân quốc tịch khác. Đổi lại phía Mỹ-Hàn trao trả 75.000 tù binh Triều Tiên và 5.000 lính Trung Quốc. Tất cả các cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh đều được thực hiện tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Theo Thùy Linh

VOV