1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chân dung “xe ủi đất” Lee Myung-bak

(Dân trí) - Xuất thân trong cảnh bần hàn, nhờ nỗ lực của bản thân Lee Myung-bak đã trở thành một doanh nhân triệu phú. Một số người nhận xét câu chuyện về cuộc đời của tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc, người được mệnh danh là “xe ủi đất”, như một chiếc gương phản chiếu đất nước xứ hàn.

Mặc dù đắc cử tổng thống Hàn Quốc, nhưng hiện ông Lee Myung-bak vẫn đang bị điều tra về vụ gian lận chứng khoán được biết do bạn làm ăn của ông thực hiện vào năm 2001. Tuy nhiên, ông phủ nhận không làm bất cứ điều gì sai trái và các công tố viên trước đó cũng cho biết không có đủ bằng chứng để đưa ông ra tòa.

 

Theo quyết định của các nhà lập phát trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, các công tố đã mở lại cuộc điều tra về vụ gian lận trên, đặt ông Lee vào tình cảnh có thể sẽ phải ra điều trần trước khi được chính thức nhậm chức.

 

Công bố tài sản cá nhân của mình lên đến 35 tỷ won, tương đương 37 triệu USD, ông Lee Myung-bak là tổng thống đắc cử đầu tiên của Hàn Quốc phải nằm trong diện bị điều tra.

 

Đi lên từ nghèo khó

 

Lee Myung-bak, bước sang tuổi 66 đúng vào ngày ông được bầu làm tổng thống, sinh ra tại thành phố Osaka của Nhật năm 1941. Đây là thời gian Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên. Sau đó, khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cha mẹ ông đã quay trở lại cuộc sống bần hàn ở Hàn Quốc. Mẹ ông kiếm sống bằng nghề bán đồ ăn trên phố.

 

Nhìn lại thời thơ ấu nghèo khó của mình, ông Lee thường nhớ về sự nghiêm khắc của người mẹ theo đạo Thiên Chúa trong việc nuôi dạy các con để đạt được thành công. Cả cha và mẹ ông đã qua đời từ cách đây rất lâu.

 

“Tất cả chúng tôi đều phải bắt đầu một ngày vào 4h sáng. Bà thức dậy vào giờ đó, và chúng tôi cùng cầu nguyện”, ông Lee viết trong cuốn tự truyện “Không có cái gọi là truyện cổ tích”.

 

Người em trai của ông, Sang-deuk, hiện là phó chủ tịch Hạ viện Hàn Quốc, và là một nhà lập pháp của đảng Đại Dân tộc suốt năm nhiệm kỳ qua.

 

Trong những năm 1960, ông Lee Myung-bak đã tự phấn đấu để được vào học tại trường đại học Seoul, trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc. Ban ngày ông đi làm thuê, có lúc là rửa bát, nhặt rác, bán gạo rang, buổi tối lại tranh thủ đi học. Hồi sinh viên ông đã dẫn đầu nhiều cuộc biểu tình phản đốii chính phủ và năm 1962 đã phải nhận giấy cảnh báo của cảnh sát.

 

Sau khi tốt nghiệp ông đầu quân cho công ty sản xuất xe hơi Huyndai. Nhiều người đã gọi ông là “huyền thoại của những người làm công ăn lương”. Là một người đàn ông cần cù, với những quyết định dứt khoát, ông đã nhanh chóng leo lên được hàng ngũ cấp cao của Huyndai và trở thành giám đốc điều hành trẻ nhất của công ti này khi mới 36 tuổi. Dưới sự lãnh đạo của ông Lee, Huyndai đã trở thành một đầu tàu trong việc phát triển nhờ vào xuất khẩu ở Hàn Quốc, thu hút được tiền của từ nước ngoài, từ khắp các nước Trung Đông trong những năm 1970 và 1980.

 

Câu chuyện của ông là đề tài nóng trên các chương trình truyền hình Hàn Quốc. Ông được miêu tả như một vị anh hùng trẻ, thách thức cả Tổng thống Park Chung-hee lúc bấy giờ, và chiến đấu với những “kẻ cướp” nước ngoài để bảo vệ các dự án của công ty ông. Tuy nhiên một số nhà phê bình sau này cho rằng vai trò của ông trong Huyndai đã bị cường điệu hóa.

 

Có sự nghiệp rạng rỡ, nhưng người đàn ông nghiện làm việc này lại có ít thời gian cho vợ và 4 người con (3 gái 1 trai). Ông đã kết hôn với “Nữ hoàng tháng năm” của trường Đại học nữ sinh Ewha. Ông cũng phải thú nhận rằng hầu hết nửa thời gian của ông khi làm việc cho Huyndai là ở nước ngoài. Thậm chí trong ngày cưới của mình, ông cũng làm việc trong văn phòng cả buổi sáng.

 

Chân dung “xe ủi đất” Lee Myung-bak   - 1

Ông Lee và người vợ tận tuỵ.

Bà Kim Yoon-ok, vợ của ông đã hi sinh rất nhiều cho sự nghiệp của chồng. Nhưng “giờ tôi rất tự hào và biết ơn chồng tôi Lee Myung-bak”, bà đã viết như vậy trên blog của mình.

 

Khi làm việc cho Huyndai, ông đã được mọi người đặt cho biệt danh là “xe ủi đất” vì khả năng “xuyên thủng” nhiều dự án lớn.

 

Tuy nhiên mối quan hệ lâu năm của ông với Huyndai bắt đầu rạn nứt khi ông để mắt tới chính trị. Ông đã quay lưng lại với người chủ cũ của mình, chủ tịch Huyndai Chung Ju-young, khi đó đang chạy đua cho vị trí tổng thống, để ủng hộ cho đối thủ Kim Young-sam. Năm đó, năm 1992, ông Kim đã giành chiến thắng.

 

Ông Lee lần đầu tiên xuất hiện trên chính trường là vào năm 1992, với một ghế trong quốc hội, đại diện cho Đảng Tân Triều Tiên, tiền thân của đảng Đại Dân tộc. Năm 1996, ông tái trúng cử nhiệm kỳ hai, nhưng từ chức ngay sau đó, do bị phát hiện vi phạm luật quỹ bầu cử. Hình ảnh “huyền thoại” của ông cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

 

Tuy nhiên, năm 2002, tên tuổi của ông lại xuất hiện trở lại, khi được bầu làm thị trưởng Seoul. Trong suốt 5 năm, ông đã lôi kéo được nhiều người hâm mộ, nhưng cũng nhiều kẻ thù, khi tiếp tục “xuyên thủng” thành công nhiều dự án lớn, như dự án mở ra một con suối nhân tạo với cảnh quan đẹp nên thơ ở ngay giữa lòng thủ đô, hay xây dựng các làn đường chỉ dành cho xe buýt. Chính vì chính sách “xanh” của mình, mà ông đã được tạp chí nổi tiếng Time suy tôn là “anh hùng môi trường”.

 

Và vị thị trưởng được yêu mến tiếp tục tiến bước, giành chiến thắng trong cuộc đề cử tổng thống của đảng Đại Dân tộc vào tháng 8 vừa qua, đánh bại đối thủ Park Geun-hye, con gái của cố Tổng thống Park Chung-hee, rồi cuối cùng là chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

 

Quan điểm cứng rắn

 

Là tổng thống mới đắc cử của đảng Đại Dân tộc, ông cam kết sẽ đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy của thế giới. Hiện Hàn Quốc đứng thứ 13 và với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%.

 

“Tôi sẽ trở thành một tổng thống tái thiết lại Hàn Quốc và giúp mọi người lấy lại nụ cười đã mất”, ông đã hứa như vậy.

 

Người cha của 4 đứa con này còn hứa sẽ tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm mới, sẽ chi khoảng 14 tỉ won để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Ngoài ra, ông còn hứa duy trì mối quan hệ thân thiết với Mỹ, có thái độ cứng rắn hơn với CHDCND Triều Tiên. Về vấn đề với CHDCND Triều Tiên ông cho rằng những hỗ trợ về kinh tế phải đi liền với thái độ sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông cho biết muốn lập một quỹ đầu tư trị giá 37,7 tỉ won cho Bình Nhưỡng nếu nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

 

Nguyên Hạ

Theo BBC, Trading Markets