Chân dung thủ tướng trẻ nhất Italia
Matteo Renzi, Thủ tướng trẻ tuổi nhất ở Italia kể từ sau Thế chiến II, thậm chí còn chưa phải là một nghị sĩ. Ông là thị trưởng thành phố Florence.
Năm nay 39 tuổi, Matteo Renzi trẻ hơn cả Mussolini 2 tháng tuổi hồi ông này nhậm chức Thủ tướng năm 1922.
Là một chính trị gia phong cách Mỹ hay mỉm cười thân thiện, Renzi luôn tràn đầy năng lượng và tham vọng. Một số người gọi ông là Tony Blair của Italia.
Từng là một hướng đạo sinh, từng giành chiến thắng cuộc thi Bánh xe May Mắn, người ủng hộ nhiệt tình đội bóng Fiorentina đã nắm giữ chức thị trưởng thành phố Florence 5 năm. Ông thích mặc sơ mi thường và áo vét da.
Nắm trong tay không nhiều "hành trang" chính trị, Renzi từng cam kết sẽ tìm kiếm quyền lực thông qua một cuộc bầu cử. Tuy nhiên, tuần trước, ông đã được chỉ định đứng ra thành lập một Nội các mới, 2 ngày sau khi Thủ tướng Enrico Letta từ chức và giải tán chính phủ.
Việc bổ nhiệm Renzi vào vị trí Thủ tướng có thể là một cuộc cách mạng ở Italia.
Sức mạnh của chính trị gia này chủ yếu xuất phát từ tính cách cá nhân. Ông là mẫu hình của sự thay đổi, và thế là đủ với nhiều người Italia.
Renzi cho biết ông muốn xé bỏ những mạng lưới đã cũ. "Italia đang trải qua một thời điểm khó khăn", tân Thủ tướng Italia nói. "Chúng ta cần tạo khả năng vươn lên từ bãi lầy này... với một chương trình quyết liệt nhằm tái khởi động đất nước".
Tân Thủ tướng Italia hy vọng sự ủng hộ rộng khắp sẽ giúp ông có được không gian chính trị để thực thi những cải cách then chốt: mở rộng nền kinh tế Italia, khiến cho việc thuê mướn -sa thải dễ dàng hơn, và kích thích tăng trưởng. Để thực hiện những chủ trương này, Renzi nhiều khả năng sẽ tìm cách giảm bớt các mục tiêu mà Brussels đặt ra nhằm cắt bớt thâm hụt ngân sách của Italia.
Điểm yếu của Renzi là ông chưa qua thử thách và tiếp nhận quyền lực không qua lá phiếu. Ông là tân Thủ tướng Italia thứ 3 được Tổng thống bổ nhiệm chứ không phải do người dân bầu chọn. Dân chủ đang giảm sút ở quốc gia này khi việc quyết định ai ngồi ở Palazzo Chigi, dinh thự chính thức của Thủ tướng, không còn là ý nguyện của người dân nữa.
Sự thất vọng với tầng lớp chính trị đã khiến nhiều người Italia dường như sẵn sàng đặt cược vào một người không qua bầu chọn, nếu việc bổ nhiệm mang đến sự thay đổi và cứu thoát nền kinh tế trì trệ vừa thoát khỏi suy thoái của quốc gia này.
Silvio Berlusconi, bất chấp vòng vây của những vụ kiện pháp lý, vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn ở Italia. Ngay khi Renzi được bổ nhiệm, chính trị gia kỳ cựu này đã bày tỏ sự do dự về việc "trao sức sống cho đề nghị thành lập một chính phủ mới" mà chưa cần nghe một từ nào về chương trình của chính phủ đó. Một chính trị gia đối lập khác cũng tuyên bố "chúng tôi không thể đảm bảo một hồi kết tốt đẹp".
Tuy nhiên, dù có sự ngờ vực thì hầu hết các chính trị gia ở Italia nhiều khả năng sẽ hợp tác trong thời gian sắp tới, bởi vì họ e ngại sức hấp dẫn của Renzi tại các cuộc bỏ phiếu.
Cánh trung tả ở Anh và Pháp cũng đang theo dõi tân Thủ tướng Italia rất sát sao. Nếu ông thành công, họ có thể đều được tăng uy tín. Còn nếu ông thất bại, nó sẽ mở ra một cuộc bầu cử gay gắt và làm dấy lên lo ngại về bất ổn xã hội.
Renzi dường như sẽ làm theo lời khuyên của Niccolo Machiavelli - một người Florence nổi tiếng với câu nói: "Tôi không muốn giữ nguyên trạng. Tôi muốn phá vỡ nó".
Tân Thủ tướng trẻ tuổi của Italia sẽ được trao cơ hội làm thức tỉnh hệ thống chính trị nước này. Và nhiều người dân vốn đang buồn chán với tình trạng thất nghiệp cao và nạn tham nhũng dường như sẵn sàng trao cho ông cơ hội đó.