(Dân trí) - Ba nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã thắng Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD của Giải thưởng VinFuture, với các công trình đặt nền móng cho vaccine Covid-19 công nghệ mRNA.
CHÂN DUNG CÁC NHÀ KHOA HỌC LỪNG DANH THẮNG GIẢI
3 TRIỆU USD CỦA VINFUTURE
Ba nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã thắng Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD của Giải thưởng VinFuture, với các công trình đặt nền móng cho vaccine Covid-19 công nghệ mRNA.
Tối ngày 20/1, Giải thưởng VinFuture đã diễn ra tại Nhà hát Lớn ở Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế. Giải thưởng Chính - giải thưởng cao nhất, với phần thưởng trị giá 3 triệu USD - đã vinh danh 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter R. Cullis với các công trình nghiên cứu giúp tạo nên vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA - góp phần cứu sống hàng tỷ người trên thế giới khỏi đại dịch toàn cầu.
GS Kariko và GS Weissman đã phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến khác liên quan đến vaccine mRNA. Đây là công nghệ mà Pfizer/BioNTech và Moderna đã sử dụng trong quá trình phát triển vaccine của họ.150 quốc gia đã được hưởng lợi từ sự ra đời của vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA.
GS Pieter R. Cullis là Giám đốc Viện Khoa học sự sống tại Đại học British Columbia, Canada. Ông và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng trong việc tạo ra và đưa hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA).
Sinh năm 1955, bà Katalin Kariko là con gái của một người làm nghề bán thịt ở Kisújszállás, một thị trấn cách Budapest, Hungary 150 km về phía đông. Dù cuộc sống từ bé rất khó khăn, bà vẫn luôn mơ ước trở thành một nhà khoa học.
Ở tuổi 20, bà chuyển tới Mỹ nhưng không thể tìm được công việc ổn định trong hàng chục năm. Trong toàn bộ sự nghiệp làm khoa học, bà Kariko tập trung vào nghiên cứu công nghệ mRNA với niềm tin rằng công nghệ này có thể dùng để sản xuất vaccine trong tương lai. Tuy nhiên, bà liên tục bị từ chối trong nhiều năm với công trình nghiên cứu về mRNA khi không nhận được các khoản tài trợ cho nghiên cứu của bản thân. Trong suốt những năm 1990, bà chuyển từ phòng thí nghiệm này tới phòng thí nghiệm khác và chưa bao giờ được trả quá 60.000 USD/năm.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của bà Kariko đến khi bà gặp tiến sĩ Drew Weissman - người khi đó đang theo đuổi mục tiêu sản xuất vaccine cho căn bệnh thế kỷ AIDS. Ông Weissman đã nhận thấy tiềm năng trong nghiên cứu mRNA của bà Kariko và đã quyết định hợp tác với bà.
Nghiên cứu về mRNA của họ đã bắt đầu được hình thành và tới nay đã trở thành nền móng cho các nhà sản xuất vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất ra những liều vaccine cứu sống hàng tỷ người trên toàn cầu.
Bà Kariko hiện là Phó chủ tịch cấp cao của hãng BioNTech (Đức) và công trình nghiên cứu về mRNA của bà cùng cộng sự đang tiếp tục được nghiên cứu để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác trong tương lai, ngoài vaccine Covid-19.
Cộng sự nghiên cứu của bà Kariko, giáo sư Drew Weissman, người cùng chiến thắng Giải thưởng Chính hiện là giáo sư y khoa tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ. Trước khi giành giải VinFuture, ông cùng bà Kariko đã giành được hàng loạt giải thưởng cao quý, bao gồm Giải thưởng Nghiên cứu Y khoa Lâm sàng Lasker-DeBakey.
Ông Weisman, 63 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Lexington, Massachusetts, Mỹ. Ông nhận bằng cử nhân Đại học Brandeis, Mỹ vào năm 1981, chuyên ngành hóa sinh và enzym học. Ông sau đó nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở Đại học Boston.
Năm 1997, ông chuyển tới Đại học Pennsylvania để nghiên cứu công nghệ RNA và sinh học hệ miễn dịch bẩm sinh. Tại đây, ông Weissman, một nhà dịch tễ học nghiên cứu vaccine đã gặp bà Kariko tại một chiếc máy photocopy, nơi họ đồng cảm về việc các nghiên cứu về mRNA không nhận được nhiều khoản tài trợ để tiến hành. Hai người đã quyết định hợp tác để tập trung nghiên cứu công nghệ mRNA cho vaccine.
Trở ngại chính mà họ phải đối mặt là công nghệ RNA khi đó gây ra các phản ứng miễn dịch bất lợi và viêm không mong muốn. Sau nhiều năm nghiên cứu, họ đã có phát hiện mang tính đột phá trong việc sửa đổi mRNA giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào. Hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể có khả năng nhận ra sự hiện diện đột ngột của RNA ngoại lai và phản ứng như thể đó là một cuộc tấn công của virus thực sự. Nghiên cứu năm 2004-2005 của 2 nhà khoa học đảm bảo rằng RNA đi vào tế bào và hoạt động đúng chức năng mà không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc các tác dụng phụ.
Tới năm 2020, công nghệ mRNA của họ nghiên cứu đã giúp Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển ra vaccine Covid-19, góp phần giúp thế giới thần tốc phát triển "vũ khí" chống lại đại dịch toàn cầu.
Ông Weissman cũng hợp tác với các nhà khoa học tại Thái Lan nhằm phát triển và cung cấp vaccine Covid-19 cho quốc gia này và các nước láng giềng thu nhập thấp khó tiếp cận với vaccine.
Giờ đây, ông Weissman và bà Kariko đang hy vọng công nghệ tương tự có thể được sử dụng để phát triển vaccine bệnh cúm, herpes và HIV/AIDS.
Cùng với ông Weissman và bà Kariko, giáo sư người Canada Pieter Cullis cũng vinh dự là đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture. Ông Cullis được biết tới là đã nghiên cứu ra các hạt nano lipid (LNP), được xem là công nghệ để đưa vaccine mRNA vào tế bào cơ thể người. Đây là một ứng dụng quan trọng giúp cho việc phát triển vaccine Covid-19 công nghệ mới đã được các hãng dược tiến hành với tốc độ thần tốc.
Ông hiện là Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC). Ông Cullis nhận được bằng tiến sĩ tại UBC rồi sau đó chuyển tới Đại học Oxford (Anh) để theo đuổi nghiên cứu sau tiến sĩ. Trong thời kỳ đó, ông bắt đầu công trình nghiên cứu về các hạt lipid. Trong sự nghiệp hàng chục năm, ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá về nghiên cứu khoa học.
Ông Cullis đã đồng sáng lập 10 công ty công nghệ sinh học, đã xuất bản hơn 300 bài báo khoa học và là người sở hữu hơn 60 bằng sáng chế. Ông cũng là người đồng sáng lập Personalized Medicine Initiative (Sáng kiến Y học cá nhân hóa) năm 2012.
Ông Cullis là người đưa công nghệ hạt nano lipid từ lý thuyết trở thành hiện thực. Ông cũng đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuốc phi lợi nhuận (nay là Admare BioInnovations) và các tổ chức phi lợi nhuận khác như Mạng lưới đổi mới NanoMedicines. Sau đó, trong nhiều năm, ông còn thành lập một số công ty để thương mại hóa những phát triển mới trong công thức LNP, cho phép phát triển vaccine BioNTech/Pfizer.
Có thể nói, để nhân loại có thể rút ngắn được quá trình phát triển vaccine mRNA từ vài năm xuống vài tháng, ông Cullis đã bỏ ra 25 năm nghiên cứu ra công nghệ LNP đột phá nói trên. Ông cũng nhận định rằng công nghệ mRNA có thể rất nhiều ứng dụng quan trọng, nhất là trong việc điều chế ra vaccine để ngăn chặn những mầm bệnh nguy hiểm trên toàn cầu.
Người chiến thắng nói gì sau giờ phút vinh danh?
Nhận được giải thưởng danh giá, TS. Katalin Kariko nghẹn lời trong niềm hạnh phúc. Bà bày tỏ lòng biết ơn tới các nhà sáng lập và hội đồng giải thưởng. "Giải thưởng này là điểm sáng về khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế", bà nói và cho biết rất vui vì được có mặt ở Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí ngay sau lễ vinh danh, bà nói chỉ có một vài điều ước, trong đó có việc tạo ra phân tử mRNA có thể được dùng làm protein trị liệu. "Tôi muốn chứng kiến mRNA trị liệu cứu sống nhiều người đang bị bệnh tật giày vò", bà Kariko nói. "Điều này thôi thúc tôi mỗi ngày thức dậy và hành động".
Bà cũng một lần nữa nhấn mạnh rằng các nhà khoa học cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để hiện thực hóa các công trình nghiên cứu của mình, phục vụ cho cộng đồng và quốc gia. "Các nhà khoa học đã cùng nhau hợp tác và đem lại những điều tuyệt vời cho người dân toàn thế giới. Giải thưởng này chính là sự tôn vinh sự gắn kết giữa các nhà khoa học và giữa các nhà khoa học với thế giới", bà Kariko cho biết.
"Một lời khuyên cho tất cả các nhà khoa học ngoài kia, đó là đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đang làm việc cho một ông chủ nào đó. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng bạn đang làm việc giúp ích cho cộng đồng. Có như vậy, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thất vọng hay hối tiếc vào những điều mình đã làm".
GS. Pieter Rutter Cullis chia sẻ "đây là niềm vinh dự khó mà tin được" khi giải thưởng được tổ chức thành công trong bối cảnh dịch bệnh. "Ban tổ chức đã rất vất vả để tổ chức sự kiện này để mọi thứ diễn ra thật suôn sẻ và thành công tốt đẹp", ông nói.
Ông cũng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của giải thưởng đối với các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ. Theo ông, giá trị của giải thưởng sẽ thúc đẩy phát kiến sáng tạo, quyết định hướng đi tích cực cho các nghiên cứu về sau.
Nhận được giải cao nhất tại một cuộc thi tầm cỡ quốc tế, ông không mong muốn điều gì khác là truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ. "Chưa chắc các bạn sẽ không đi theo hướng nghiên cứu vaccine này đâu nhưng khi nghĩ tới đó sẽ là các cống hiến giá trị cho con người và nhân loại, bạn sẽ thấy hướng đi này rất thiết thực và có ý nghĩa to lớn", GS Cullis nói.
Còn GS Weissman cũng không giấu được niềm vui. Ông cho rằng, giải thưởng đã mở ra liệu pháp vaccine Covid-19 mới, thế hệ vaccine mới để đối phó với nhiều bệnh tật khác nhau.
Ông cũng kỳ vọng sau giải thưởng sẽ là sự khởi đầu hợp tác quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Thái Lan và nhiều quốc gia khác. "Điều quan trọng là tôi không phải người nhận giải thưởng này mà là hàng nghìn nhà khoa học đi trước tôi và hàng nghìn người sau tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách tiếp cận chữa bệnh mới", GS Weissman nói.
Giải thưởng VinFuture lần thứ nhất
Cũng trong lễ trao Giải thưởng Vinfuture vào tối ngày 20/1, giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới đã được trao cho giáo sư Omar M. Yaghi, là một nhà hóa học hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc đại học California-Berkeley (Mỹ). Ông được xem là nhà khoa học tiên phong trong việc khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ - kim loại (MOFs) có tiềm năng cải thiện cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người.
Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ đã xướng tên giáo sư Zhenan Bao, nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc. Bà là Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Hóa học và Giám đốc Nhóm Sáng kiến Đồ điện tử đeo trên người thuộc ĐH Stanford (eWEAR). Giáo sư Bao đã tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng.
Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển vinh danh vợ chồng giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Salim Abdool Karim đến từ Nam Phi với phát minh về gel "thần kỳ" Tenofovir. Đây được xem là phát minh đột phá, có thể giúp đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trong tương lai.
Giải thưởng VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ thường niên có giá trị lớn trên thế giới, được trao bởi Quỹ VinFuture, ra mắt tháng 12/2020. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập.
Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.
Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới.
Hệ thống giải thưởng VinFuture gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng) là một trong các giải thưởng thường niên lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.
Ngoài ra, VinFuture còn có 3 giải đặc biệt trị giá 500.000 USD/giải (khoảng 11,5 tỷ đồng) gồm: Giải thưởng cho nhà khoa học nữ; Giải thưởng cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển; Giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Đức Hoàng - Nguyễn Nguyễn
Tổng hợp