1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cầu nối liền Nga - Crimea sẽ không cần đại tu trong 100 năm tới

(Dân trí) - Đại diện nhà thầu phụ trách xây dựng cây cầu nối liền đất liền Nga và bán đảo Crimea khẳng định công trình thế kỷ này sẽ tồn tại bền vững trong ít nhất 100 năm tới.

Cầu nối đất liền Nga và Crimea nhìn từ trên cao (Ảnh: Sputnik)
Cầu nối đất liền Nga và Crimea nhìn từ trên cao (Ảnh: Sputnik)

Giám đốc điều hành của công ty Stroigazmontazh, đơn vị thi công cây cầu nối giữa Nga và Crimea, ông Arkady Rotenberg khẳng định rằng cây cầu sẽ không cần phải trải qua một cuộc đại tu quy mô lớn trong vòng 1 thế kỷ tới.

“Nó sẽ đứng vững ở đó trong 100 năm tới. Ít nhất là như vậy. Chúng tôi đảm bảo điều đó. Mọi công đoạn đều được thực hiện tốt một cách hoàn hảo”, ông Rotenberg nói trong một bài phỏng vấn với báo Itogi Nedeli.

Nói về lệnh trừng phạt của phương Tây tới các cá nhân và tổ chức có liên quan tới việc xây dựng cây cầu, ông Rotenberg cho biết ông và đơn vị thi công không quan tâm quá nhiều tới việc này. Bằng chứng là sau 27 tháng thi công kể từ tháng 2/2016, cây cầu đã hoàn thành và thậm chí sớm hơn dự kiến ít nhất 6 tháng.

Năm 2014, người dân Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định ly khai Ukraine và sáp nhập trở thành một vùng lãnh thổ thuộc Nga. Từ đó đến nay, phương Tây và Ukraine đã giáng hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và Crimea.

Kế hoạch xây dựng cây cầu được công bố không lâu sau khi Crimea về Nga do bán đảo này được nối với Ukraine thông qua đất liền nhưng lại cách Nga thông qua eo biển Kerch. Vai trò của cây cầu trị giá gần 4 tỷ USD, dài 19 km càng trở nên có ý nghĩa hơn vào thời điểm Crimea vẫn đang bị siết chặt cấm vận và cô lập. Nó sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch, kích thích vùng bán đảo phát triển kinh tế, du lịch và giúp cuộc sống của người dân trở nên tốt hơn.

Ngoài ra, cây cầu thế kỷ còn mang ý nghĩa to lớn, gửi thông điệp tới thế giới về quyết tâm thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga và ý chí sắt đá khi sáp nhập Crimea vào Nga, bất chấp áp lực từ các lệnh trừng phạt.

Đức Hoàng

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm