1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Câu chuyện Việt - Mỹ: Cựu thù đến đối tác

-Sự gắn kết các lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam khiến cho mối quan hệ hợp tác an ninh song phương được cải thiện nhanh chóng.

Quan hệ Mỹ-Việt đã trải qua một chặng đường dài. Những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam từng e ngại Mỹ là "một yếu tố đe dọa hòa bình thế giới, và đặc biệt là đe dọa nghiêm trọng an ninh và ổn định ở châu Á”. Ngày nay, Việt Nam hiện coi Mỹ là một yếu tố có ý nghĩa tới sự ổn định trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Tại Đối thoại Shangri-La ngày 31/5/2013 tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu, hoan nghênh sự tham gia chiến lược của Mỹ như một cường quốc tại khu vực, và dự kiến ​​rằng, cùng với Trung Quốc, nước Mỹ sẽ đóng “một vai trò lớn và có trách nhiệm đối với khu vực và trên thế giới".

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Mỹ Obama bên lề Hội nghị EAS ngày 13/11/2014

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Mỹ Obama bên lề Hội nghị EAS ngày 13/11/2014


Hai yếu tố này đã thúc đẩy những thay đổi cốt lõi: sự cần thiết phải cải cách mạnh mẽ để tránh suy thoái kinh tế vào những năm 1980, và những thách thức nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Mỹ có vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.

Những nỗ lực để vượt qua sự thiếu tin cậy đã dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai “cựu thù” vào năm 1995. Các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông và sự gắn kết lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam khiến cho mối quan hệ hợp tác an ninh song phương được cải thiện nhanh chóng.

Các tiến bộ trên mặt trận ngoại giao được thể hiện bằng các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Việt Nam sang Hoa Kỳ và ngược lại. Bill Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên, và William Cohen là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên đến thăm Việt Nam vào năm 2000. Ông Phan Văn Khải là Thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đến thăm Mỹ vào tháng 6/ 2005, tiếp theo là chuyến thăm Mỹ của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2007. Dự kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Mỹ trong năm 2015, ông sẽ là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đến thăm Hoa Kỳ.

Việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam vào năm 1994 đã mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác kinh tế, dẫn đến một thỏa thuận hợp tác thương mại song phương toàn diện vào năm 2000, bình thường hóa quan hệ thương mại vào năm 2006, và Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 1/ 2007. Kết quả là, thương mại song phương Hoa Kỳ-Việt Nam đã tăng từ 451 triệu USD trong năm 1995 lên gần 35 tỷ USD trong năm 2014. Đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đã tăng từ 126 triệu USD trong năm 2000 lên 11 tỷ USD vào năm 2013.

Các cuộc đàm phán để Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn dang dở. Đối với Việt Nam, TPP có thể sẽ có những rủi ro nhất định, nhưng bù vào đó, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích chiến lược về kinh tế, chính trị, trong đó bao gồm cả việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đối với Mỹ, TPP cung cấp một cơ sở kinh tế vững chắc cho chiến lược “xoay trục” sang châu Á. Nhưng việc Quốc hội Mỹ hiện chưa thông qua dự luật Quyền Xúc tiến thương mại vẫn là một trở ngại chính.

Quan hệ hợp tác quân sự giữa 2 nước bắt đầu tăng tốc kể từ năm 2009 khi Mỹ và Việt Nam có sự gắn kết các lợi ích an ninh. Trong năm 2009, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách Đường 9 đoạn, tuyên bố chủ quyền chiếm tới 80% Biển Đông, sau đó lại hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương- 981 vào Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong năm 2014.

Gần đây, Trung Quốc đã bắt tay vào dự án cải tạo quy mô lớn, biến các bãi đá chìm thành đảo, nhằm phục vụ cho các mục đích quân sự. Mặc dù không có tranh chấp chủ quyền trong khu vực, Mỹ đã coi các hành động và tuyên bố của Trung Quốc là phi pháp và lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ lực để ép buộc hoặc thay đổi hiện trạng các khu vực tranh chấp.

Mỹ cũng đã cam kết giúp Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ, bằng việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương và cung cấp 18 triệu USD nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam. Mỹ và Việt Nam cũng đồng ý nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác tại các diễn đàn đa phương.

Trong khi đã có nhiều tiến bộ, hai bên vẫn còn những khác biệt về các quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, an ninh mạng. Những nỗ lực của Việt Nam nhằm cải cách hệ thống luật để bảo vệ quyền tự do cá nhân có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng của Mỹ.

Trong nhiều năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ chưa đạt được sự tin cậy lẫn nhau. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi xây dựng "lòng tin chiến lược" giữa hai nước. Giai đoạn gây dựng được “lòng tin chiến lược” giờ đây đã gần đạt tới.

Ngoài những cam kết "tôn trọng hệ thống chính trị của nhau”, sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là chìa khóa để xây dựng lòng tin này. Trong số 16.000 sinh viên Việt Nam tại Mỹ, nhiều người là con của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học Mỹ không còn bị nghi ngờ, mà đã được đặt ở những vị trí quan trọng.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là việc tăng tần suất các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam đến Mỹ để thiết lập mối quan hệ với những người đồng cáp, trong đó có có các chuyến công du của các bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh, thành phố đến Trường Đại học danh tiếng Havard để tham dự các cuộc hội thảo ngắn.

Trong khi các lợi ích chiến lược được gắn kết có thể nhắc một quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam, là việc trao đổi giáo viên và sinh viên trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể dẫn đến những giá trị và lợi ích chung hơn. Đó là cơ sở của sự hiểu biết, tin tưởng và hợp tác chặt chẽ với nhau, nhằm tạo cơ sở cho một mối quan hệ vững chắc hơn và lâu dài./.

Theo Nguyễn Hùng/Trường Đại học George Mason
VOV.VN