1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Câu chuyện về phóng viên giúp điều tra kẻ tình nghi giết người

Bà Mary Rose đã tìm thấy người phóng viên có thể giúp bà truy bắt một kẻ giết người hàng loạt khi đang nghe đài phát thanh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo trang poynter.org, Jerry Mitchell, một phóng viên điều tra cho tờ The Clarion-Ledger (Jackson, Mississippi, Mỹ) đã xuất hiện trên chương trình "Democracy Now” để nói về một loạt những vụ án chưa có lời giải từ thời phong trào nhân quyền tại Mỹ.

Người ta nhắc tới hạt Neshoba đó, bà Rose tự nhủ. Nơi này gần với nhà của người đàn ông mà bà nghi ngờ đã giết chết con gái bà và hai người phụ nữ khác. Phóng viên Michell cũng sống tại Mississippi.

Bà Rose đã dành 26 năm để tự mình điều tra vụ việc. Bà chia sẻ: “Một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu tôi, và tôi tự nhủ rằng: Mary này, bà phải liên lạc với người đàn ông này. Anh ta không sợ những vụ án mất dấu từ lâu.”

Sau 6 năm và một loạt bài viết dài hàng nghìn từ, vụ án đã không còn nằm trong bí ẩn.

Phải hơn một năm sau (và sau rất nhiều cuộc gọi từ bà Rose) Mitchell mới bắt đầu đưa tin nhưng cả hai người đều đã đi đến tận cùng vụ việc.

Cuối tháng 7 vừa qua, loạt bài của Mitchell mang tên “Gone” đã được phát hành trên mạng ​Internet. Loạt bài này có 9 chương, gồm hơn 25.000 từ, là một loạt tin bài trên mạng gồm 5 tập kèm theo một bản tin. Cho tới nay các số liệu thống kê cho thấy người đọc đã biết tới loạt bài, đã xem và muốn theo dõi tới cùng.

Đây không phải là lần đầu tiên Mitchell viết về Felix Vail, người đàn ông bị tình nghi đã sát hại con gái của bà Rose và hai người phụ nữ khác. Họ cũng không phải là những nạn nhân cuối cùng.

Trong cuộc gọi đầu tiên của Rose, bà đã hỏi nhà báo từng lọt vào danh sách xét trao giải Pulitzer này xem ông có muốn theo đuổi một câu chuyện về một kẻ giết người hàng loạt đang nằm ngoài vòng pháp luật hay không.

Câu trả lời rõ ràng là có.

Trong thời điểm đó, ông đang là một nhà báo điều tra, thực hiện công việc của một nhà báo thường trực là viết vài bài báo mỗi tuần. Mitchell rất muốn tìm hiểu nhiều hơn về người đàn ông này, nhưng không có đủ thời gian cho một dự án như vậy.

Vào năm 2012, một tổng biên tập mới đã tiếp quản công việc và thay đổi trọng tâm của tờ báo. Những dự án táo bạo trở thành một ưu tiên mới. Từ đó, Mitchell đã có thời gian thực hiện những loạt bài chuyên sâu và kéo dài.

Kể từ cuộc gọi đầu tiên đó, bà Rose đã giữ liên lạc với Mitchell. Vào mùa xuân năm 2012 bà quyết định đi từ nhà mình ở miền tây Massachusetts tới Mississippi. Bà nói với Mitchell rằng bà sẽ đối mặt với Vail. Bà đã có sẵn kịch bản trong đầu và muốn biết ông có muốn đi cùng hay không.

Khi đó Mitchell đang nghỉ phép để thực hiện một cuốn sách và đã quyết định sẽ đi theo Rose. Chi tiết về chuyến đi đầu tiên đó được ghi lại trong chương đầu tiên của “Gone” như sau:

“Một ngày sau Ngày Của Mẹ 14 tháng 5 năm 2012, tôi đã gặp người phụ nữ 64 tuổi có cung cách sáng sủa và mái tóc ngắn ấy, và đi theo bà tới ngôi nhà ở Montpelier, Mississippi, nơi bà có ý định gặp mặt Vail.

"Bà ấy nói với tôi những gì bà ấy định nói với hắn: ​'Có thể ông sẽ không bao giờ vào tù nhưng tôi muốn ông biết rằng tôi và rất nhiều người khác đã biết rằng ông đã lấy đi tính mạng của ba người phụ nữ ấy. Ông vẫn chưa thể thoát khỏi [tội ác của mình] đâu.​'

"Chúng tôi đỗ xe và đi bộ về phía cổng nhà bị khóa. Bà ấy nói với tôi rằng ông ta sống ở cuối con đường mòn này.”

Mitchell không ​tham gia câu chuyện gốc dài 9.000 từ được trình bày trong 8 trang báo vào năm 2012 nêu rõ chi tiết cái chết của người vợ đầu tiên của Vail và việc hai người phụ nữ khác từng kết hôn với Vail cũng đã mất tích. Nhưng kể từ khi Rose lần đầu tiên liên lạc với Mitchell, ông đã trở thành một phần của câu chuyện.

Vào năm 2013, Vail đã bị bắt nhờ những manh mối được gửi tới Mitchell sau bài báo. Phiên tòa xét xử vụ sát hại người vợ đầu tiên của Vail vào năm 1962 - Mary Horton Vail - bắt đầu vào ngày 8/8.

Trong những câu chuyện tiếp nối, Mitchell chưa bao giờ viết với ngôi thứ nhất - đây là lần đầu tiên ông làm điều này. Ông không còn là một người kể chuyện hé lộ các chi tiết nữa mà đã trở thành một phóng viên nhận những cuộc gọi, tìm kiếm manh mối và đưa người đọc đi cùng mình.

Đó không chỉ là một giọng kể thông thường mà còn là một điều trước đây ông chưa từng viết: giọng kể của một bài điều tra. Cùng với đó, các chi tiết mới cũng làm nên những phiên bản sau này của “Gone.”

“So với khi mới bắt đầu, giờ đây tôi đã biết thêm rất nhiều chuyện,” Mitchell nói. “Khi viết phiên bản đầu tiên của ‘Gone’, tôi mới chỉ đang mò mẫm trong bóng tối.”

Lần này ông đã tiếp cận được với những bản ghi âm và cuốn nhật ký của chính Vail (Mitchell đã dành nhiều thời gian cuối tuần để đọc và ghi lại nội dung của những tài liệu này). Những nhân vật quan trọng trong câu chuyện đã liên lạc với Mitchell kể từ bài báo đầu tiên vào năm 2012. Đó là những người đã giúp trả lời các câu hỏi, cung cấp nhiều chi tiết, biết rõ Vail và nhớ được những điều đáng chú ý mà hắn đã nói với họ. Thậm chí còn có một thám tử tư muốn giúp đỡ Mitchell.

Trong bốn năm qua, Mitchell đã thực hiện nhiều loạt bài khác, song Debbie Skipper, biên tập viên của ông, hiểu rằng nếu cho ông thời gian thì sẽ mang lại kết quả.

“Tôi rất ngưỡng mộ và tự hào vì Jerry, và tôi biết anh ấy rất sẽ không dừng lại,” bà cho biết. “Anh ấy đã chứng tỏ được điều này trong những vụ từ thời phong trào nhân quyền, do đó tôi biết anh ấy cũng sẽ như vậy trong vụ này.”

Và ông đã thu được kết quả. Tác phầm của Mitchell từng đưa 4 thành viên của nhóm Klan vào tù, và làm nên những thay đổi trong nhà tù ở Mississippi. Ông đã giành được rất nhiều giải thưởng và danh hiệu.

Do đó, Skipper không hề ngạc nhiên. “Một số người có thể nói rằng anh ấy không nên dấn thân vào đó,” bà chia sẻ, “nhưng tôi biết kết quả thu được chắc chắn sẽ xứng đáng với thời gian anh ấy bỏ ra để lần theo con đường ấy.”

Giống như nhiều tòa soạn khác ở Mỹ, tờ Clarion-Ledger đã bị thu hẹp đi rất nhiều về mặt quy mô. Tuy vậy, Mitchell vẫn ở lại đây trong suốt 30 năm.

“Những câu chuyện ở đây là những câu chuyện tôi muốn đăng,” Mitchell, một trong số những thành viên được hỗ trợ của tổ chức MacArthur Fellow năm 2009, chia sẻ. “Có quá nhiều câu chuyện mà tôi muốn đăng còn không kịp. Tại sao tôi lại muốn rời khỏi một nơi như vậy chứ?”

Cũng giống như Mitchell, Skipper là một thành viên lâu năm tại tờ Clarion-Ledger. Hai người đã làm việc cùng nhau trong suốt hơn 20 năm.

“Tờ Clarion-Ledger, qua tất cả những thăng trầm, đã và vẫn luôn là một sứ giả của sự thay đổi tại Mississippi,” bà nhận xét.

Bài báo của Clarion-Ledger về luật cải cách giáo dục đã giành được giải Pulitzer vào năm 1983 (và tạo cảm hứng cho Mitchell đầu quân vào tờ báo này 3 năm sau).

Họ đã theo tới cùng tin bài về các vụ án thời phong trào nhân quyền và về y tế công cộng, Skipper cho biết. Nhiệm vụ của họ giống như một cơ quan giám sát, nhưng ở Mississippi, một bài viết là chưa đủ. Bà cho rằng chủ đề phải được khai thác một cách triệt để thì mới tạo ra thành quả được.

Tờ báo này cũng đã từng đăng những tin bài hết sức “triệt để” như vậy, song bên cạnh đó, “Gone” cũng mang rất nhiều yếu tố mới.

Ban đầu, Mitchell nghĩ tới việc làm một chương trình phát thanh podcast đi kèm với câu chuyện, song sau đó đã nêu ra trước các biên tập viên của mình ý tưởng về một bộ phim tài liệu. Mitchell nghĩ rằng họ đã nắm trong tay thông tin âm thanh, thông tin trong nhật ký và rất nhiều tư liệu hay khác. Và sau khi xem xong series truyền hình trên Internet với tên gọi “Making a Murderer,” ông biết rằng họ đã có tất cả những gì họ cần.

Mitchell cho biết Randy Lovely, phó chủ tịch mảng tin tức cộng đồng của mạng lưới USA Today Network, đã chọn ra bộ phim tài liệu này, và từ đó, mạng lưới mà trong đó tờ Gannett là một thành viên đã bắt tay vào cuộc.

Kelli Brown của tờ Des Moines Register đóng vai trò quản lý dự án. Steve Elfers của USA Today ghi hình và sản xuất phim. Shawn Sullivan của USA Today là thiết kế chính của trang web, cùng rất nhiều người khác, ở Clarion-Ledger cũng như ở USA Today Network, đã góp sức tạo nên “Gone.”

Skipper cho biết ngay cả trong thời kỳ hoàng kim, khi tòa soạn lớn gấp 3 lần hiện nay, họ cũng không thể có được những sự hỗ trợ chuyên môn như trong lần hợp tác này.

Sam Hall, tổng biên tập tờ Clarion-Ledger cho biết việc lựa chọn giữa ra một tờ báo ngày, đăng những tin bài lên mạng và dành thời gian để đi sâu vào một vụ việc cụ thể là một sự đánh đổi.

Năm ngoái, tờ báo đã tái cấu trúc tòa soạn nhằm sản xuất ra những dự án có quy mô lớn hơn. Giờ đây, một đội điều tra chuyên sâu gồm 6 người sẽ chuyển đổi từ công việc thường ngày sang các dự án và ngược lại.

“Bạn phải dự toán và lên kế hoạch cho nó,” Hall, người đã làm việc tại tờ báo trong 4 năm qua cho biết. “Tuy nhiên đó là điều chúng tôi thường xuyên làm ở đây.”

Vậy khán giả và độc giả có phản ứng gì không?

Đối với “Gone”, câu trả lời là có.

Theo David Bean, biên tập viên nội dung số và chuyên viên phân tích khán giả và độc giả, trong cả mùa hè, số người truy cập trang web cùng lúc rơi vào khoảng 600 thì được coi là ổn. Tám trăm thì là rất tốt. Từ 1000 trở lên thì là xuất sắc.

Bean cho biết vào ngày thứ sáu khi loạt bài này được phát lần đầu tiên, số người truy cập liên tục đã lên tới hơn 2100. Thời gian ở lại trang trung bình là 2 phút. Tới thứ hai, loạt bài đã đạt tổng cộng 559.034 lượt xem. Một điều ngạc nhiên là mặc dù loạt bài được đăng tất cả cùng một lúc, song khán giả lại xem từng chương một.

Vào thứ sáu, chương 1 đạt số khán giả cao nhất. Tới thứ bảy là chương 2. Chủ nhật lại là chương 3. (Ba chương đầu tiên cũng được đăng trên báo in vào chủ nhật). “Gone” rõ ràng là một loạt bài dài, nhưng có vẻ như công chúng đã thực sự giành thời gian cho nó và tiếp tục quay trở lại với nó.

Bean, người làm việc 2 năm tại tờ báo và trước đó là 24 năm tại tờ Orange County Register cho biết hiện nay cơ hội tiếp cận người đọc đã rộng mở hơn. Có nhiều nền tảng hơn cho các dự án, nhiều cách tận dụng hơn cho âm thanh, hình ảnh và podcast, cũng như nhiều đổi mới khác. Nhưng Bean cũng cho rằng tất cả những điều đó đều không có nghĩa lý gì nếu câu chuyện không cuốn hút.

“Một câu chuyện hay sẽ thu hút được nhiều người đọc.”

Và trong trường hợp này có thể còn là lời luận tội nữa.

Nhiều năm trước đây, khi lần đầu tiên nghe Mitchell trên đài phát thanh, bà Rose không cần tới 24 giờ để có được số điện thoại của anh.

Ngày nay, tức là 6 năm sau, bà coi anh là một người bạn.

“Anh ấy rất biết tôn trọng. Anh ấy rất lễ độ. Anh ấy rất biết hợp tác,” bà cho biết. “Anh ấy lắng nghe quan điểm của tôi... Tôi đánh giá rất cao Jerry Mitchell.”

Tác phẩm của ông không chỉ giúp đưa Vail ra tòa (vụ việc mà sau này Mitchell sẽ đưa tin), mà còn làm sống lại câu chuyện của ba người phụ nữ mà cái chết và sự mất tích của họ đã bị bỏ qua và rơi vào quên lãng. Bà Rose chỉ tiếc rằng hai người mẹ còn lại đã không còn trên đời để chứng kiến kết quả này.

Khi Vail bị bắt, bà Rose đã cảm thấy yên bình - một cảm giác chưa từng tới với bà trong suốt 29 năm trước đó.

“Tôi rất vui mừng khi thông qua câu chuyện này, linh hồn của con gái tôi đã được làm sống lại,” bà Rose nói. “Tôi vốn rất mong mỏi điều ấy. Con gái tôi chỉ sống 18 năm trên trái đất này, nhưng nó đã thay đổi cuộc sống của tôi chỉ vì nó là chính nó … Nó là một món quà. Tôi rất mừng khi thế giới đã biết tới [điều này].”

Sau nhiều năm bị từ chối bởi FBI, chính quyền địa phương và các thám tử tư, bà Rose đã tìm được một phóng viên tin vào bà và tìm tới tận gốc rễ của một vụ việc mà không ai khác có thể tìm hiểu được.

Theo bà, ông chưa bao giờ bỏ cuộc.​/.

Theo MY NGUYỄN (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/cau-chuyen-ve-phong-vien-giup-dieu-tra-ke-tinh-nghi-giet-nguoi/399709.vnp