1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cảnh sát Hong Kong ập lên máy bay sắp cất cánh để bắt nghi phạm biểu tình

(Dân trí) - Cảnh sát Hong Kong đã ập lên một máy bay chuẩn bị cất cánh đến Anh đêm 1/7 để bắt giữ nghi phạm tấn công cảnh sát trong một cuộc biểu tình phản đối luật an ninh.

Cảnh sát Hong Kong ập lên máy bay sắp cất cánh để bắt nghi phạm biểu tình - 1

Nghi phạm bị bắt giữ bị cáo buộc đã đâm cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối luật an ninh ở Hong Kong ngày 1/7. (Ảnh: AFP)

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, nghi phạm là một thanh niên 24 tuổi, bị cáo buộc dùng vật sắc nhọn để tấn công một cảnh sát khi lực lượng an ninh tìm cách giải tán biểu tình ở phố Causeway, Hong Kong khoảng 16h chiều qua. Sau đó, nghi phạm đã mua vé để bay sang Anh.

Ngay sau khi nhận được tin báo về kế hoạch bỏ trốn của nghi phạm, cảnh sát Hong Kong đã triển khai bắt giữ khẩn cấp nam thanh niên này.

Nguồn thạo tin cho biết, cảnh sát đã ập lên một chuyến bay của hãng Cathay Pacific ở Sân bay quốc tế Hong Kong để bắt nghi phạm chỉ vài phút trước khi cửa máy bay đóng lại để chuẩn bị cất cánh lúc 23h55 ngày 1/7.

Các cảnh sát mặc thường phục lên máy bay và cố gắng tìm ra nghi phạm trên chuyến bay. Nghi phạm không ngồi ở số ghế của mình và không lên tiếng khi phi hành đoàn gọi tên trên loa. Lực lượng an ninh cuối cùng cũng tìm ra chỗ ngồi của nghi phạm. Nghi phạm là một thanh niên họ Wang và đã bị bắt giữ để phục vụ quá trình điều tra.

Một số nước "rộng vòng tay” với người Hong Kong

Cảnh sát Hong Kong ập lên máy bay sắp cất cánh để bắt nghi phạm biểu tình - 2

Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: Reuters)

Luật an ninh Hong Kong được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua hôm 30/6 và có hiệu lực ngay từ 1/7. Hàng nghìn người ở Hong Kong hôm qua đã xuống đường biểu tình phản đối luật an ninh vì cho rằng đạo luật này làm suy yếu cơ chế độc lập của đặc khu Hong Kong. Ngay trong ngày đầu tiên của luật an ninh, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ gần 400 người biểu tình.

Giới chức Trung Quốc nói rằng, luật an ninh nhằm ngăn các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố, hay cấu kết với các thế lực nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích đạo luật này vì cho rằng luật làm suy yếu cơ chế "một quốc gia, hai chế độ" dành cho Hong Kong.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Việc Trung Quốc kích hoạt luật an ninh quốc gia là sự vi phạm rõ ràng tuyên bố chung Trung - Anh". Người đứng đầu chính phủ Anh cũng cho biết thêm: “Chúng tôi muốn nói rõ rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo hướng đó, chính phủ Anh sẽ mở đường cho những công dân Anh quốc hải ngoại (BNO) ở Hong Kong được phép đến sinh sống và làm việc tại Anh và sau đó được phép nộp đơn xin quốc tịch Anh. Đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm”.

Ngoài Anh, Australia cũng đang cân nhắc tiếp nhận người dân Hong Kong. Thủ tướng Australia Scott Morrison nói, tình hình ở Hong Kong hiện nay "rất đáng lo ngại" và chính phủ của ông sẽ cân nhắc "rất tích cực" các đề xuất tiếp nhận công dân Hong Kong. Ông nhấn mạnh, tuy chưa có quyết định cuối cùng nhưng Australia đã sẵn sàng tăng cường hỗ trợ cho người Hong Kong.

Giới quan sát cho rằng, bất cứ đề nghị nào như vậy của Australia cũng có thể khiến quan hệ với Trung Quốc leo thang căng thẳng hơn nữa sau hàng loạt diễn biến gần đây. Australia là một trong những vận động tích cực nhất cho việc kêu gọi điều tra độc lập nguồn gốc của đại dịch Covid-19 giữa lúc có nhiều cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch và nghi vấn rằng virus gây Covid-19 thoát ra từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Minh Phương

Theo SCMP