1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vấn đề Biển Đông:

Cảnh báo của The Straits Times về "lập trường mập mờ"

(Dân trí) - Theo nhật báo Singapore The Straits Times, dường như không có nước nào ở châu Á tỏ rõ mình đứng hẳn về bên nào trong cuộc đối đầu chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (!?)

Cảnh báo của The Straits Times về "lập trường mập mờ" - 1

Máy bay tuần tra P3-Orion thuộc Không quân Hoàng gia Úc. (Ảnh Aerobuzz.fr)

Mới đây nhất, Washington đã bày tỏ ngạc nhiên và thất vọng trước thái độ của Canberra không dám đứng hẳn về bên nào trong cuộc đối đầu chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Vào giữa tháng 12/2015, có tin một máy bay của không quân Úc khi bay trên không phận quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 11/2015, đã bị tàu hải quân Trung Quốc yêu cầu rời khỏi nơi đó. Câu trả lời của phi công Úc với hải quân Trung Quốc, được phóng viên của đài BBC ghi lại, có vẻ như cho thấy Canberra đã quyết định cùng với Mỹ đáp lại thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh nhằm xác lập cái gọi là "quyền chủ quyền" phi pháp của họ trên Biển Đông.

Nhiều người đã nghĩ rằng chuyến bay tuần tra của máy bay P3- Orion thuộc Không quân Hoàng gia Úc là một phi vụ nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông ở Biển Đông, tương tự như chuyến tuần tra của khu trục hạm Mỹ USS Lassen cuối tháng 10/2015 bên trong phạm vi 12 hải lý của một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa.

Người ta cũng đã hy vọng Úc sẽ có một số hành động cụ thể để hỗ trợ cho những lời chỉ trích của Mỹ về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các căn cứ quân sự trên những đảo họ đang gây "tranh chấp" ở Biển Đông. Dẫu sao thì Canberra cũng là đồng minh thân cận nhất của Washington trong khu vực và vẫn ủng hộ mạnh mẽ chiến lược “xoay trục” sang Châu Á của Tổng thống Barack Obama.

Nhưng theo nhận định của The Straits Times ngày 30/12/2015, trên thực tế chuyến bay trên của máy bay Úc không phải là một hành động thách thức Trung Quốc như người ta nghĩ.

Nay các quan chức Úc giải thích rõ rằng mục đích của chuyến bay P3- Orion chỉ là bay tuần tra bình thường trên Biển Đông, trong khuôn khổ một chiến dịch mang tên Operation Gateway (vốn có từ thời chiến tranh lạnh, với mục tiêu ban đầu là nhằm phát hiện lực lượng hải quân Liên Xô xâm nhập vùng biển Ấn Độ Dương?) Mặc dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt, nhưng chiến dịch tuần tra này vẫn tiếp tục, nhằm thực hiện cam kết của Canberra bảo đảm an ninh hàng hải ở vùng Đông Nam Á.

Tuy Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo chính thức của Trung Quốc đã đăng lời đe dọa Úc về những phi vụ tuần tra bay sát các đảo mà Trung Quốc đòi "khẳng định chủ quyền" phi lý, Bắc Kinh hầu như không có phản ứng gì vì chắc là họ đã thấy Canberra không thật sự có những hành động "chống Trung Quốc" ở Biển Đông.

Theo The Straits Times, nhiều người ở Washington chắc sẽ ngạc nhiên và thất vọng về thái độ của Canberra, vì ai cũng trông chờ các nước đồng minh và các nước bạn ở Châu Á, nhất là Úc, sẽ hết lòng hỗ trợ cho việc duy trì vị trí lãnh đạo chiến lược và thế thượng phong trên biển của Mỹ.

Đúng là toàn bộ các quốc gia láng giềng đều lo ngại trước sự trỗi dậy ngày càng gia tăng của Trung Quốc, nhất là trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh nhằm "xác lập quyền chủ quyền" vô căn cứ của họ trên Biển Đông. Thế nhưng xem ra các nước này cũng đang rất cần đến Trung Quốc với hy vọng quốc gia đông dân nhất thế giới này có thể sẽ là cỗ máy kéo nền kinh tế Châu Á đi đến thịnh vượng và dẫu sao thì Trung Quốc cũng là cường quốc khu vực.

Chính vì vậy mà theo The Straits Times, dường như không có nước nào ở Châu Á tỏ rõ mình đứng hẳn về bên nào trong cuộc đối đầu chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc, vì một mặt thì rất muốn Mỹ kiềm chế được Trung Quốc, nhưng mặt khác vẫn tránh công khai ủng hộ Washington vì... sợ Bắc Kinh nổi giận (?)

Và có lẽ Úc cũng đang ở trong tình trạng như vậy. Tuy là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng trong năm 2015, Canberra đã mấy lần gây ngạc nhiên... khó chịu cho Washington. Nhất là bất chấp thái độ không đồng tình của Mỹ, Úc đã quyết định gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập.

Hải quân Úc cũng đã tập trận chung ở cấp độ cao một cách khác thường với hải quân Trung Quốc gần như đúng vào lúc khu trục hạm USS Lassen của Mỹ đang tuần tra ở Trường Sa. Gần đây, chính quyền Úc còn quyết định giao cho một công ty Trung Quốc quản lý hải cảng Darwin, nơi lưu trú và đóng quân của các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ được triển khai trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục” sang Châu Á của Tổng thống Obama.

Trước thực tế đó, The Straits Times đưa ra cảnh báo rằng, nếu Úc cũng như các nước Châu Á khác vẫn có thái độ mập mờ như vậy thì đến lúc nào đó nếu Mỹ sẽ rũ bỏ trách nhiệm và để mặc các nước Châu Á tự đối phó với Trung Quốc thì tình hình sẽ ra sao?

Quý Cao (theo RFI)