Căng thẳng và nguy hiểm gia tăng trên bán đảo Triều Tiên
Bùng phát căng thẳng - hạ nhiệt - nối lại đối thoại rồi lại bùng phát căng thẳng đã trở thành “vòng luẩn quẩn” trên bán đảo Triều Tiên.
Hải quân Hàn Quốc hôm qua (2/6) cho biết đã hạ thủy tàu khu trục tên lửa dẫn đường mới có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất của Triều Tiên trong trường hợp có xung đột diễn ra giữa hai bên.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đề nghị Hàn Quốc tổ chức đối thoại kèm theo lời đe dọa trả đũa nếu các yêu cầu của Triều Tiên không được đáp ứng. Những phản ứng này đang làm “nóng” khu vực bán đảo Triều Tiên vốn chưa khi nào êm ả.
Tàu khu trục tên lửa của Hàn Quốc nặng 2.800 tấn mang tên Daegu trên đảo Geoje, cách thủ đô Seoul khoảng 470km về phía Đông Nam. Con tàu này được cải tiến từ tàu Incheon khu trục nhỏ, không chỉ có các tên lửa đối đất mà sẽ còn được trang bị các loại vũ khí thông thường như súng, tên lửa chống tàu nổi và tàu ngầm.
Chiến hạm này cũng được trang bị các loại vũ khí có khả năng đối phó với các mối đe dọa trên không cùng các thiết bị cảm biến và biện pháp đối phó khác.
Hãng tin Yonhap cho biết, cùng với những hành động chuẩn bị quân sự, Hàn Quốc cũng đã đệ trình một bản báo cáo xây dựng kế hoạch hành động để triển khai các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đưa ra nhằm vào Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân tầm xa nước này thực hiện hồi đầu năm nay.
Báo cáo dài 10 trang bao gồm giải trình của chính phủ Hàn Quốc về biện pháp trừng phạt Triều Tiên như hạn chế về vận chuyển và giao thông vận tải, cùng với những hạn chế về tài chính và kinh tế khác.
Trước những hành động bị coi là khiêu khích từ phía Hàn Quốc, Triều Tiên hôm 2/6 một lần nữa kêu gọi Hàn Quốc chấp nhận đề nghị của các nhà lãnh đạo nước này về việc tổ chức một cuộc đối thoại giữa hai miền kèm theo lời đe dọa sẽ trả đũa nếu các yêu cầu của Triều Tiên không được đáp ứng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Hàn Quốc đã bác bỏ đề nghị của Triều Tiên và cho rằng đây chỉ là một mánh khoé để chuyển hướng sự chú ý của quốc tế sau các hành động khiêu khích quân sự gần đây của Bình Nhưỡng trong đó có một vụ thử hạt nhân vào tháng 1 và các vụ phóng thử tên lửa tầm xa sau đó.
Phát biểu với báo giới trong một cuộc gặp 3 bên Mỹ - Nhật – Hàn tại Tokyo hôm 1/6, đặc phái viên của Hàn Quốc về các vấn đề an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên Kim Hong-Kyun cho rằng, Triều Tiên cần phải có một thái độ chân thành và cộng đồng quốc tế cần phải gây áp lực mạnh mẽ hơn nữa đối với Bình Nhưỡng.
Ông Kim Hong-Kyun nói: “Để thấy được những thái độ thay đổi chân thành của Triều Tiên, cần thiết phải có một áp lực mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế. Mỗi quốc gia liên quan cần phải tuân thủ các điều khoản được quy định trong Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tạo những ảnh hưởng cùng với nhau”.
Những tranh cãi và hành động mang tính đối đầu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong những ngày qua khiến cho cộng đồng quốc tế rất quan ngại. Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 2/6 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh kêu gọi các bên kiềm chế.
Bà Hoa Xuân Doanh nói: “Trong tình hình đặc biệt hiện nay, tôi tin rằng, việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an sẽ hạn chế Triều Tiên phát triển các kế hoạch hạt nhân của họ. Đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi các bên cần nỗ lực kiên trì theo đuổi các giải pháp hòa bình thông qua các cuộc đối thoại”.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953 chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình. Chính điều này đã khiến người dân hai miền Triều Tiên trong suốt 60 năm qua phải sống trong tình cảnh “không có chiến tranh nhưng cũng chẳng có hòa bình”.
Cũng trong từng ấy năm, trạng thái bùng phát căng thẳng - hạ nhiệt - nối lại đối thoại rồi lại bùng phát căng thẳng đã trở thành “vòng tròn luẩn quẩn” trên bán đảo Triều Tiên.
Việc Triều Tiên thử hạt nhân rồi tiếp theo sau là phản ứng mang tính chất răn đe từ phía Hàn Quốc và Mỹ đã nhiều lần lặp lại và không còn là kịch bản xa lạ. Điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay là các bên liên quan cần hành động kiềm chế, tránh đẩy căng thẳng tiếp tục leo thang, xây dựng một lòng tin mang tính chiến lược và giải quyết vấn đề một cách thiện chí./.
Theo Châu Anh/VOV-Trung tâm Tin (Tổng hợp)