1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Căng thẳng Nga – Mỹ có leo thang… đến Chiến tranh lạnh?

Liệu các nhà chính trị, các chuyên gia phân tích và nhiều người dân có lo ngại thái quá về nguy cơ cuộc Chiến tranh lạnh mới?

Những căng thẳng diễn ra giữa hai nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến những lo ngại rất có cơ sở... Tuy nhiên, phân tích chỉ ra, không dễ và cũng không nước nào mong muốn trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Xung đột công khai

Đề cập tới quan hệ Nga - Mỹ, hãng phân tích tình báo Stratfor của Mỹ cho rằng rủi ro xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ vào trước cuối năm 2016 này đã tăng mạnh. Một cơ quan tư vấn chiến lược khác của Mỹ là Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson cũng vừa phát đi báo cáo nhận định quan hệ Nga - Mỹ đã bị đẩy tới “xung đột công khai”.

Đối với chính quyền Mỹ, tờ The Independent của Anh dẫn lời phát biểu của Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley tại phiên họp thường niên của Hiệp hội Lục quân Mỹ ở Washington, D.C ngày 4-10, đã không giấu giếm nói rằng cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa quân đội nước này với các cường quốc khác như Nga hay Trung Quốc trong tương lai là có thể xảy ra.

Nhìn từ nước Nga. Trong phát biểu chiều 16/10 tại bang Goa (Ấn Độ), tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS), Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: "Quan hệ Nga - Mỹ thay đổi chính bởi những mưu toan áp đặt ý kiến chủ quan của một phía cho toàn thế giới".

Tổng thống Putin đã phủ nhận giả định cho rằng vấn đề Syria đã làm thay đổi thực trạng mối quan hệ của Nga với Mỹ. Ông khẳng định chính nỗ lực của Mỹ muốn áp đặt ý kiến chủ quan của mình cho toàn thế giới, đã khiến quan hệ Nga - Mỹ thay đổi.

Chỉ ra nguyên nhân sâu xa những căng thẳng Nga - Mỹ, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, quan hệ Nga - Mỹ bắt đầu xấu đi kể từ khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở chiến dịch không kích Nam Tư (tháng 3-1999). Đây là cuộc không kích đầu tiên của NATO vào một quốc gia châu Âu có chủ quyền.

Ngoại trưởng Mỹ - Nga trong cuộc gặp ngày 11-10. Ảnh: warontherocks.com.
Ngoại trưởng Mỹ - Nga trong cuộc gặp ngày 11-10. Ảnh: warontherocks.com.

Theo ông Putin, về mặt nguyên tắc phương Tây không thích chính sách độc lập của nước Nga, lưu ý điều đó đã được minh chứng bằng nhiều sự kiện trong lịch sử, chẳng hạn vấn đề Iraq và số phận của nhà lãnh đạo Saddam Hussein, vấn đề Libya và hiện nay là cuộc khủng hoảng Syria... Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga bày tỏ hy vọng mối quan hệ của Moskva với Washington có thể được cải thiện sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 8-11 tới.

Tổng thống Putin khẳng định Moskva không muốn đối đầu với Washington và cũng không tìm cách chi phối cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ, đồng thời nhấn mạnh đường lối đối ngoại của Nga là sẽ hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào sẵn sàng hợp tác với Nga, ngược lại nếu phía Mỹ không muốn, thì Nga cũng không cần.

Nga không bao giờ nuôi ý định gây chiến với Mỹ

Quan điểm xuyên suốt của nước Nga được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN ngày 12-10 rằng, Nga không có ý định làm trầm trọng thêm mối quan hệ với Mỹ và không bao giờ vi phạm các thỏa thuận nhằm bảo đảm thế cân bằng an ninh chiến lược toàn cầu.

Theo ông Lavrov, Moskva đã quá quen với các tuyên bố của giới quân sự Mỹ rằng "cuộc chiến với Nga là không thể tránh khỏi", nhưng Nga không bao giờ nuôi ý định gây chiến với Mỹ và không tìm cách đối đầu với Mỹ. Ngoại trưởng Lavrov cũng bày tỏ lấy làm tiếc về những gì đang xảy ra trong mối quan hệ Nga - Mỹ.

Nhà ngoại giao Nga cũng lưu ý việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu, thúc đẩy "Đông tiến" hạ tầng quân sự của NATO, lên kế hoạch tái triển khai máy bay ném bom nguyên tử hiện đại và chính xác hơn, có thể cất cánh trực tiếp ngay sát biên giới Nga.

Ngoại trưởng Nga cũng chỉ rõ rằng Nga không bao giờ có ý định rút khỏi các hiệp ước vốn là nền tảng để duy trì ổn định chiến lược toàn cầu, trong khi chính Mỹ năm 2002 đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) được ký giữa Liên Xô và Mỹ năm 1972 nhằm hạn chế sử dụng các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Ngoại trưởng Lavrov bình luận dự án hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ đã phá vỡ thế ổn định toàn cầu, và các kế hoạch triển khai những thành tố của hệ thống này ở châu Âu và châu Á đã khiến Moskva hết sức lo ngại, bởi đây rõ ràng là nỗ lực nhằm chiếm ưu thế đơn phương.

Ngoại trưởng Lavrov cũng đồng thời đề cập tới việc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã phê chuẩn sắc lệnh của Tổng thống Putin về việc đình chỉ thỏa thuận plutoni cấp độ vũ khí với Mỹ. Theo ông, Washington đã không thực thi những cam kết của mình theo thỏa thuận này.

Cụ thể Mỹ đã thông qua quyết định thay đổi cách thức tiêu hủy plutoni cấp độ vũ khí, và điều này khiến thỏa thuận không được thực hiện. Do đó, Tổng thống Putin dừng thỏa thuận với Mỹ về xử lý plutoni ở cấp độ có thể sản xuất vũ khí là một tín hiệu để gửi tới chính quyền sắp tới của Washington và là bước khởi đầu cho chương mới trong quan hệ Nga - Mỹ.

Còn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh lạnh

Quan hệ giữa Nga và Mỹ đã xấu đi sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria được nhất trí hồi tháng 9 bị đổ vỡ và sự căng thẳng từng bước “leo” lên những nấc thang mới. Quan hệ giữa hai cường quốc “đóng băng” khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại về những tác động tiêu cực. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định sự thù địch của Mỹ đối với Moskva ngày càng gia tăng đã cảnh báo đe dọa đến an ninh quốc gia của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình của Nga, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố mối quan hệ giữa hai nước xuống thấp như hiện nay là do chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Lavrov nêu rõ chính sách gây hấn với Nga làm thay đổi căn bản trong mối quan hệ hai nước.

Ông Lavrov phản đối việc một số nhà lập pháp Mỹ đề xuất với Tổng thống Obama phê chuẩn việc ném bom rải thảm để phá hủy các căn cứ không quân của chính quyền Syria. Theo ông Lavrov, đây là một kịch bản hết sức nguy hiểm. Nga sở hữu 2 căn cứ tại đây khi được chính quyền hợp pháp của Syria yêu cầu đưa quân đến, và có hệ thống phòng không để bảo vệ các tài sản của Nga. Ông Lavrov bày tỏ hy vọng Tổng thống Obama sẽ không tán thành các đề xuất như trên.

Sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho rằng, bất chấp sự thất vọng và mất niềm tin sâu sắc của cả hai phía, Nga và Mỹ cần phải tiếp tục đối thoại với nhau nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Đồng thời, người đứng đầu LHQ cũng hối thúc các cường quốc thế giới làm việc tích cực hơn để chấm dứt "cơn ác mộng" ở Syria.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng lên tiếng cảnh báo sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nga hiện nay đang dẫn tới một tình thế thậm chí còn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh lạnh.

Vấn đề Syria khiến căng thẳng Nga - Mỹ lên tới đỉnh điểm. Ảnh The Independent.
Vấn đề Syria khiến căng thẳng Nga - Mỹ lên tới đỉnh điểm. Ảnh The Independent.

“Trái dấu”

Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân “bề nổi” khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ leo thang căng thẳng là do sự khác biệt về mục tiêu và lợi ích tại những điểm nóng xung đột. Tại Syria, theo đề nghị của Tổng thống al Assad, Nga đã điều lực lượng không quân tiến hành chiến dịch không kích IS, hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria đẩy lùi lực lượng khủng bố.

Chế độ hợp pháp của Tổng thống al Assad được củng cố và ngày càng giành thêm nhiều vùng lãnh thổ từ tay các tổ chức khủng bố. Điều cũng giúp Nga bảo vệ vị thế và ảnh hưởng của mình tại Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung. Trong khi đó, mục tiêu hàng đầu của Mỹ là lật đổ chế độ của Tổng thống hợp pháp al Assad, người mà Washington coi là “vật cản trở” lợi ích địa chính trị của Mỹ trong khu vực. Sự cạnh tranh lợi ích địa chính trị tương tự cũng xảy ra tại Ukraine.

Sự căng thẳng hai bên lên tới đỉnh điểm khi phía Nga đưa ra những tuyên bố cứng rắn trước đe dọa của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, rằng sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt mới đối với Nga nhằm gây sức ép lên Moskva trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Riabkov ngày 17-10 tuyên bố Nga sẽ có hành động đáp trả "tương xứng" nếu Mỹ quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moskva. Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Riabkov khẳng định: "Mọi hành động thù địch nào nhằm vào Nga sẽ đều bị đáp trả".

“Đóng băng” quan hệ và những vấn đề còn bỏ ngỏ

Giới phân tích nhận định sự “đóng băng” trong quan hệ Nga - Mỹ sẽ tác động tiêu cực tới tình hình an ninh khu vực và quốc tế nói chung. Việc Nga và Mỹ quay lưng lại với nhau trong vấn đề Syria sẽ khiến cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này đứng trước nguy cơ càng trở nên trầm trọng.

Trong khi đó, tại Ukraine, căng thẳng giữa Moskva và Washington cũng khiến cho triển vọng giải quyết khủng hoảng tại nước này trở nên mờ mịt.

Trên bình diện quốc tế, việc hai siêu cường hạt nhân thế giới ngừng hợp tác sẽ khiến nỗ lực quốc tế trong việc giải giáp vũ khí hạt nhân, đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố, chống biến đổi khí hậu cũng như những thách thức phi truyền thống khác đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Thiếu đi sự hợp tác kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ sẽ làm tăng rủi ro vũ khí giết người hàng loạt này rơi vào tay những kẻ khủng bố quốc tế. Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế hy vọng rằng Nga và Mỹ sẽ nỗ lực kiềm chế và nhanh chóng tìm được giải pháp “hạ nhiệt” căng thẳng vì lợi ích chung.

Trong bài phân tích mang tựa đề "Phương Tây đánh mất thế giới như thế nào", tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 14-10 cho rằng trật tự thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh đã bị xói mòn, đẩy cộng đồng quốc tế đến một bước ngoặt quan trọng khi tìm cách thiết lập trật tự mới với những đặc điểm phức tạp và đan xen. Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhằm duy trì một hệ thống kinh tế tự do đều phải dựa trên nền tảng trật tự an ninh toàn cầu.

Rõ ràng, trật tự thế giới hậu Chiến tranh lạnh đang đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cường quốc mới nổi liệu đã đủ sức thiết lập trật tự mới theo ý đồ của họ hay chưa. Nếu chưa tìm được câu trả lời, thì phải chăng việc điều chỉnh trật tự hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho những nước hay nhóm nước nào?

Bức tranh toàn cảnh về tình hình thế giới hiện đan xen nhiều gam màu sáng tối. Liệu thế giới đa cực có thể tìm được trạng thái cân bằng mới khi nguy cơ Chiến tranh lạnh có thể quay trở lại?

Đưa ra nhận định lạc quan, tờ L' Express cho rằng không thể nói giai đoạn hiện nay là Chiến tranh lạnh, vì phải có ít nhất hai phe như trong nửa sau thế kỷ 20.

Ông Bertrand Badie, giáo sư Học viện Chính trị Pháp (Sciences-Po) nói: “Trong thời Chiến tranh lạnh, quan hệ Nga - Mỹ vẫn nằm trong một khuôn khổ, mỗi khi có nguy cơ nổ ra chiến tranh nóng, họ đều có thể nhanh chóng dàn xếp kịp thời để giảm bớt căng thẳng. Nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Nga và Mỹ có thể coi là không xảy ra".

Tác giả Samuel Charap, nghiên cứu viên cấp cao về Nga và Á - Âu của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) và Jeremy Shapiro, nghiên cứu viên chính sách đối ngoại của Viện Brooking, trong đó cho rằng các bên cần phải cân bằng giữa những khác biệt, trừng phạt với việc để ngỏ cơ hội cho các mối quan hệ tốt hơn trong tương lai.

Lịch sử chứng minh quan hệ nước lớn trong lĩnh vực an ninh quốc tế có vị trí quan trọng đặc biệt, nó vừa quyết định chiến tranh và hòa bình của thế giới, vừa quyết định sự sinh tồn và phát triển của nhân loại. Quan hệ Nga - Mỹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên thế giới. Nhiệm kỳ của ông Barack Obama đang sắp kết thúc, nhưng vẫn còn đủ thời gian để tìm cách giảm bớt những căng thẳng với Nga.

Đúng như lời một quan chức cao cấp quân đội Mỹ nói: “Tình thế với Nga hiện nay đang ngấp nghé bờ vực”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thì cho rằng, hồ sơ quan hệ Nga - Mỹ sẽ là một trong những vấn đề gai góc nhất của Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm