1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Căng thẳng gia tăng trước khi PCA đưa ra phán quyết

Trước thềm sự kiện mà nhiều người cho là có khả năng bất lợi cho Trung Quốc, căng thẳng tại vùng biển chiến lược này dường như đang gia tăng.

Trung Quốc bồi đắp xây dựng trái phép các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Google Earth)
Trung Quốc bồi đắp xây dựng trái phép các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Google Earth)

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) dự kiến sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Biển Đông trong tháng này.

Tại Mỹ, các chính trị gia thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang kêu gọi Nhà Trắng tỏ thái độ cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông. 4 Thượng nghị sỹ Mỹ vừa đề xuất một dự luật mới nhằm nâng cao năng lực hàng hải của Mỹ trong khu vực và tăng cường hỗ trợ đồng minh tại châu Á – Thái Bình Dương.

Theo Thượng nghị sỹ Ben Cardin, “những hành động khiêu khích” của Trung Quốc, như xây đảo nhân tạo, điều tên lửa, lắp radar trên các quần đảo tranh chấp, đang đe dọa sự ổn định trong khu vực, cũng như các hoạt động tự do thương mại, tự do hàng hải, đồng thời cản trở cách giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình theo luật quốc tế.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Robert Menendez thì cho rằng, dự luật mới sẽ phát đi thông điệp rằng Mỹ “sẽ không tha thứ cho Trung Quốc nếu họ tìm cách quân sự hóa chính sách đối ngoại của mình”. Ông Menedez nhấn mạnh: “Trung Quốc đã theo đuổi các chính sách hung hăng và bành trướng quá lâu, trong khi Mỹ mới chỉ quan sát, hoặc cùng lắm là phản đối, song chưa hề có biện pháp can thiệp cụ thể”.

Nhiều Thượng nghị sỹ còn cho rằng, Mỹ nên tăng tần suất các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Tuy nhiên, học giả Mark Valencia, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông ở Hải Khẩu (Trung Quốc) cho rằng, việc Mỹ triển khai thêm máy bay không người lái tới vùng biển này có thể sẽ làm phức tạp hơn mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Ngày 23/4, trang “inqurirer.com” của Philippines đưa tin tại khu vực tranh chấp trên vùng biển phía Tây Philippines, lực lượng tuần tra bờ biển Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện “bằng việc đưa 5 tàu tới bãi cạn Scarborough”.

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 30/4, hãng tin Reuters đưa tin, Trung Quốc đang tổ chức huấn luyện quân sự cho các tàu đánh cá hoạt động tại Biển Đông.

Trước đó vài ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi thông báo cho phía Mỹ quyết định không cho tàu sân bay John C. Stennis cùng thủy thủ đoàn cập cảng Hong Kong. Ngay lập tức, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Ted Cruz của đảng Cộng hòa đã lên tiếng kêu gọi tàu sân bay này thay đổi lộ trình và tới Đài Loan. Ông viết trên trang Twitter cá nhân: “Đây là bằng chứng cho thấy PRC (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) không phải là đối tác của Mỹ. Thay vào đó, chúng ta nên đưa tàu sân bay tới Đài Loan”.

Viện Hải quân Mỹ (USNI) lưu ý rằng, nhiều tàu biển của Mỹ cũng đã không được phép cập cảng Hong Kong năm 2007 và 2014 sau khi “Bắc Kinh và Washington có những bất đồng về mặt chính trị”. USNI cho rằng, việc tàu John C. Stennis không được phép cập cảng là phản ứng của Trung Quốc trước việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vừa lên con tàu này.

Theo tạp chí “Foreign Policy”, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang thực hiện nhiều chiến lược như “gây áp lực với các quốc gia khác, như Việt Nam và Philippines, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai các thiết bị quân sự hiện đại tại các rạn san hô và đảo đá nằm cách bờ biển Trung Quốc tới hàng trăm dặm”. Những hành động này của Trung Quốc khiến căng thẳng trong khu vực luôn âm ỉ cháy và đứng trước nguy cơ bùng phát bất kỳ lúc nào.

Theo Minh Huy/