Thế giới 2016:
Cần những “cú sốc” để chuyển gam màu từ xám sang hồng
(Dân trí) - Trước tình trạng màu xám (tâm trạng bất an, lo sợ, chán nản...) đang bao trùm thế giới, hệ thống kinh tế - xã hội nhiều nước được ví như một “con bệnh” đang dần phục hồi sau thời kỳ dài liêu xiêu từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ám ảnh "màu xám" lan tràn sau loạt vụ khủng bố tại Paris cuối năm 2015
Nhà báo Gideon Rachman vừa có bài phân tích về tình hình thế giới trên báo Financial Times, chúng tôi lược dịch lại từ bản tiếng Nga qua Inosmi.ru.
Trong năm 2015, "màu xám" được cho là bao phủ lên mọi trung tâm sức mạnh và quyền lực của toàn thế giới. Từ Washington, Berlin, Brazilia tới Moscow, Tokyo, Bắc Kinh... đâu đâu các phương tiện truyền thông và cả dư luận người dân đều phản ánh rõ cảm giác lo lắng và hoang mang.
Quan ngại toàn cầu như vậy có vẻ không bình thường nếu xem xét lại xu hướng chung khi ngược dòng lịch sử.
Trong ít nhất 30 năm qua luôn có ít nhất một cường quốc thế giới được hưởng một thời kỳ lạc quan nhất định:
Сuối thập niên 1980, Nhật Bản nổi lên như một mũi nhọn thành công nhờ bùng nổ công nghiệp và xu hướng tích cực mua lại các khối tài sản lớn trên toàn thế giới.
Sang thập niên 1990, người Mỹ nổi bật trong ánh hào quang khi giành được thắng lợi trong chiến tranh lạnh cũng như đạt được mức tăng trưởng kinh tế dài hạn đáng nể.
Sang đầu những năm 2000, Liên minh châu Âu (EU) đạt mức độ cực thịnh khi thiết lập được hệ thống đồng tiền chung euro và tăng gần gấp đôi số lượng thành viên.
Còn trong 1 thập kỷ gần đây nhất, sự “trỗi dậy” của Trung Quốc lại gây ra nhiều phản ứng trên thế giới.
Nhưng sau những biến động lớn vừa xảy ra, các nước lớn đều như cùng chia sẻ một cảm giác chung là không chắc chắn và lo sợ.
Đặc biệt với Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo một đất nước được đánh giá là phát triển năng động hơn nhưng cũng khó dự đoán hơn so với những người tiền nhiệm của ông. Nhiều giới chức và đặc biệt là doanh nhân bị ám ảnh bởi tâm lý lo lắng không biết mình có trở thành đối tượng của chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra hay không.
Đà suy giảm trong phát triển kinh tế Trung Quốc lập tức ảnh hưởng tới toàn cầu. Một ví dụ cụ thể là khi Trung Quốc phát triển kinh tế kiểu bùng nổ, họ đã kéo theo cả Brazil như chiếc canô kéo vận động viên lướt sóng. Nhưng năm qua tăng trưởng kinh tế Brazil đã “biến mất dưới những con sóng" khi suy giảm tới 4,5%.
Tại châu Âu, tâm trạng ảm đạm cũng đang chiếm ưu thế, nhất là sau hai loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại kinh đô ánh sáng Paris. Suy thoái kinh tế đã khiến “lục địa già” liêu xiêu trong nhiều năm qua và xuống đến một “mốc” mới hồi tháng 7/2015 khi Hy Lạp đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi khu vực đồng euro.
Trong khi đó, nước Đức vốn nổi lên như một ngọn hải đăng của quyền lực chính trị và kinh tế, cũng đang phải đối mặt với vấn đề người tị nạn. Dòng người tị nạn đổ sang châu Âu đã làm nảy sinh bất đồng giữa Đức với các quốc gia Nam Âu và Đông Âu. Cùng lúc Anh đe dọa sẽ rút khỏi EU và quan điểm đó được một lượng cử tri lớn của Pháp chia sẻ.
Nếu chỉ đánh giá từ các chỉ số kinh tế, Mỹ là ngoại lệ không bị "màu xám" ám ảnh với thành tích năm thứ sáu liên tiếp duy trì tốc độ phát triển kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp dưới 5% và giữ vị thế “thống trị nền kinh tế Internet”. Tuy nhiên tâm trạng chán nản chung cũng ảnh hưởng tới nhiều cử tri Mỹ.
Triển vọng về việc ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa thường có những phát biểu “thiếu tế nhị” Donald Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ, được cho là nói lên 1 điều rằng nước Mỹ đang mâu thuẫn với chính mình.
Trong lĩnh vực chính trị và an ninh, tình trạng phức tạp vẫn tiếp diễn tại Trung Đông. Sự can thiệp từ bên ngoài xem ra vẫn không thể khôi phục lại trật tự khu vực, mà thậm chí tình trạng hỗn loạn còn lan sang cả các khu vực mới ở châu Phi và châu Âu, thể hiện qua làn sóng khủng bố mang danh "thánh chiến" liên tục xảy ra.
Yếu tố bất ổn chung quan trọng nhất và cũng khó kiểm soát nhất là sự bất bình đẳng giai cấp vẫn còn đó, khoảng cách giàu – nghèo càng dãn xa, người dân phẫn nộ vì nạn tham nhũng vẫn còn đất sống…
Những tác động trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội - chính trị càng như làm nền cho sự nổi lên của các tính cách và hành động mạnh mẽ như của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tỷ phú Mỹ Donald Trump và cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước tình trạng "màu xám" bao trùm thế giới như vậy, hệ thống kinh tế - xã hội nhiều nước được ví như một “con bệnh” đang dần phục hồi sau thời kỳ dài liêu xiêu từ khủng hoảng tài chính năm 2008, với hy vọng sẽ chuyển sang gam màu hồng lạc quan hơn trong tương lai.
Nhưng nếu không có những “cú sốc” lớn, tiến trình phục hồi trên thế giới có lẽ cứ tuần tự diễn ra song “bệnh nhân” vẫn rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần một vụ tấn công khủng bố lớn hoặc một cuộc suy thoái kinh tế mạnh, rất có thể sẽ là dấu hiệu về một thảm họa thực sự!?
Thành Long (lược dịch)