1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

2016: Thế giới vẫn biến động

Những vấn đề mà các nhà lãnh đạo thế giới đã phải chật vật đối phó trong năm 2015 sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới.

2016: Thế giới vẫn biến động - 1

Giám đốc Nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) James M. Lindsay nhận định như vậy trong bài phỏng vấn đăng tải trên trang Council Foreign Relations ngày 1/1/2016.

Dường như năm 2016 là một năm rất quan trọng, với cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ và các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu vẫn tiếp diễn. Ông nhận định điều đó như thế nào?

Năm 2016 đang đến với nhiều dấu hiệu của sự biến động trong nền chính trị toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến những lo ngại về khủng bố gia tăng; một Trung Đông hỗn loạn; một châu Âu mất phương hướng; những căng thẳng hàng hải âm ỉ ở châu Á; một nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, kéo theo nền kinh tế toàn cầu bị chững lại. Tất cả điều này sẽ diễn ra trong bối cảnh chiến dịch bầu cử Tổng thống có thể rất náo nhiệt tại Mỹ.

Nghe có vẻ khá giống năm 2015?

Nhiều vấn đề mà các nhà lãnh đạo thế giới đã phải chật vật đối phó năm 2015 sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016.

Vấn đề đã bị mắc kẹt trong năm 2015, đặc biệt trong những tháng gần đây, là sự tăng lên chưa từng có về người tị nạn và người di cư. Mỹ sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

Đó là một thách thức lớn. Dòng người tị nạn và di cư cho chúng ta thấy hai điều: Thứ nhất là cuộc nội chiến Syria vẫn tiếp diễn với thực tế kinh hoàng, đẩy hàng nghìn người tị nạn sang các nước láng giềng, gây áp lực lớn lên Chính phủ các nước này và tạo ra các làn sóng người tị nạn lớn sang châu Âu. Điều thứ hai là sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước châu Âu trong việc liệu có chấp nhận những người tị nạn này không, chấp nhận bao nhiêu, và họ sẽ định cư ở đâu. Mâu thuẫn về vấn đề người tị nạn đã làm trầm trọng thêm các vết nứt vốn có trong Liên minh châu Âu (EU).

Điều tồi tệ trong năm 2015 có lẽ là sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trên thế giới đã có những lời kêu gọi về việc thành lập một mặt trận thống nhất chống lại IS nhưng cho đến nay, có vẻ mọi thứ vẫn là lời nói hơn là hành động. Ông nghĩ sao?

Theo tôi, chúng ta hãy tập trung vào thách thức mà IS đặt ra. Mỹ và một số nước khác đang thực hiện các hoạt động quân sự chống IS theo hình thức không kích ở Iraq và Syria. Mục tiêu là ngăn chặn và cuối cùng là xóa bỏ IS. Tuy nhiên, những gì mà chúng ta chứng kiến là vụ đánh bom máy bay chở khách của Nga ở Sinai, Ai Cập hồi cuối tháng 10, các cuộc tấn công vào Paris, Pháp hồi tháng 11, và các vụ nổ súng ở San Bernardino, Mỹ hồi tháng 12. Điều đó cho thấy IS hướng các cuộc tấn công ra ngoài bản quán. Bản thân các cuộc không kích không đủ để tiêu diệt IS.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử của nhóm P5+1 với Iran được coi là một thành quả nổi bật của năm 2015. Ông đánh giá về thỏa thuận này như thế nào?

Thỏa thuận này đã có hiệu lực. Nhưng liệu Iran có tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hay không còn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Một số nhà phê bình chỉ ra rằng, nếu Tehran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, những hạn chế đối với hoạt động hạt nhân của Tehran sẽ biến mất trong vòng 15 năm. Sau đó, Iran sẽ được tự do tiến hành hoạt động hạt nhân như mong muốn. Tuy nhiên, có nhiều khả năng những thành viên bảo thủ vốn phản đối thỏa thuận trong Chính phủ Iran sẽ tìm cách phá vỡ việc thực thi thỏa thuận.

Do đó, thách thức trước mắt đối với các nhà hoạch định chính sách phương Tây, đặc biệt là Washington, là phải đảm bảo Tehran tuân thủ các cam kết có trong thỏa thuận. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách phương Tây phải xác định cách thức thỏa thuận với Tehran về nhiều vấn đề gây tranh cãi mà không được thỏa thuận hạt nhân quy định. Bên cạnh đó, hai bên cần tìm ra một chiến lược giảm thiểu các cơ hội để Tehran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân khi thỏa thuận hết hạn.

Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ Trung – Mỹ?

Trong năm qua, Trung Quốc và Mỹ ít nhiều đã kiểm soát được những bất đồng và  nỗ lực để hợp tác. Sự hợp tác đáng chú ý nhất là về biến đổi khí hậu, khi hai bên đã tìm thấy điểm chung, đưa các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris vừa qua đi đến thành công.

Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông vẫn khá căng thẳng trong quan hệ hai nước khi Bắc Kinh không ngừng thể hiện yêu sách chủ quyền phi pháp tại Biển Đông. Trung Quốc tăng cường bồi đắp các đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền 12 hải lý đối với những đảo này. Tháng 10/2015, Mỹ đã điều một tàu khu trục tuần tra trong khu vực 12 hải lý của đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải. Căng thẳng Trung – Mỹ tại Biển Đông sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2016.

Theo Council Foreign Relations

Thế giới và Việt Nam