Calais, thành phố nơi mọi người đều muốn rời đi
Tại thành phố cảng Calais xinh đẹp của nước Pháp vào thời điểm này, mỗi người đến đây đều có cảm xúc trái ngược...
... Tài xế xe tải đi ngang qua thì ngán ngẩm, hàng triệu du khách cũng chẳng hồ hởi là bao. Còn những người dân di cư tràn ngập nơi đây lại có đúng một mối quan tâm - đó là đến nước Anh.
Chưa bao giờ lại xảy ra tình trạng hầu hết mọi người đến Calais, phần lãnh thổ nước Pháp có một đầu của đường hầm eo biển Anh (eo biển Manche), đều có chung tâm tưởng duy nhất là được rời khỏi nơi đây để đến "xứ sở sương mù".
Cảnh sát đuổi theo người nhập cư bất hợp pháp đang cố gắng đến đường hầm eo biển Anh.
Người mẹ địu con nhỏ đang chờ đợi thời điểm để vượt biên sang Anh.
Người di cư tìm cách đột nhập vào đường hầm eo biển Anh.
Họ đi dọc con đường dẫn đến đường hầm eo biển Anh trong khi cảnh sát vẫn theo dõi sát sao.
Calais, địa danh từng được nhắc đến trong các tác phẩm của Charles Dickens và Victor Hugo, là trung tâm du lịch gắn liền mới mối quan hệ nhiều cung bậc giữa Anh và Pháp. Nơi đây luôn nồng nhiệt đón chào các du khách tấp nập lui tới bằng phà, tàu hỏa và đường cao tốc nhộn nhịp.
Nhưng những ngày gần đây, du khách dường như đang tìm kiếm điểm đến khác bởi họ cảm thấy không thoải mái khi chuyến tham quan dã ngoại của họ bị ngắt đoạn bởi những người di cư đang tìm mọi cách vượt biên sang Anh.
Lãnh đạo thành phố cáo buộc chính hàng xóm Anh đã chịu trách nhiệm khiến Calais trở thành thỏi nam châm thu hút người di cư. Thị trưởng thành phố cho biết bà sẽ yêu cầu bồi thường hàng trăm triệu euro tổn thất.
Kevin Westhead, tài xế lái xe tải người Anh thường có các chuyến đi qua đường hầm eo biển Anh nói hành trình của ông thường xuyên bị gián đoạn do xe phải đứng im tại chỗ và không thể nhúc nhích khi lực lượng chức năng kiểm tra những người di cư “đi nhờ xe” trái phép để sang Anh.
Dưới đây là video một tài xế đã phát hiện người di cư trốn vào xe tải để vượt biên sang Anh.
Đối với hàng nghìn người di cư, Calais là trạm dừng chân cuối cùng trước khi đến Anh của hành trình đầy hiểm nguy mà họ đã phải vượt qua trước đó là Libya đầy hỗn loạn và cuộc hải trình với rủi ro luôn rình rập trên Biển Địa Trung Hải để đặt chân đến “lục địa già”.
Tại Calais có các trại dành cho người tị nạn và khu vực này ngày càng bành trướng sau sự kiện năm 2002 khi địa điểm tập trung của hàng ngàn người di cư ở khu vực Sangatte gần đó bị đóng cửa.
Người di cư tại trại tị nạn ở Calais đang chờ sạc điện thoại.
Khu vực được người di cư tạo dựng làm nơi cầu nguyện cho người theo đạo Hồi.
Hiện có khoảng hơn 3.000 người di cư tại trại tị nạn ở Calais. Trong ảnh là người di cư thu thập củi để đốt lửa sưởi ấm.
Người di cư đều có tư tưởng rời Calais đến "xứ sở sương mù" với niềm tin rằng ở đó có nhiều cơ hội và dễ hòa nhập hơn bởi họ đều biết tiếng Anh.
Natacha Bouchart, thị trưởng của Calais đã yêu cầu chính phủ Pháp lập một trung tâm cứu viện ở ngoại ô thành phố để giảm bớt quá tải trong nội thành. Phó thị trưởng Emmanuel Agius thì cho biết: “Tình hình này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế của Calais, đặc biệt là du lịch”.
Calais, thành phố với 75.000 dân có rất nhiều yếu tố trở thành điểm thu hút du lịch, đó là bãi biển Ngọc mắt mèo hay tòa thị chính tường đỏ với tháp đồng hồ đã trở thành di sản của UNESCO và bức tượng “người dân Calais” nổi tiếng của nhà điêu khắc Auguste Rodin ở quảng trường trung tâm.
Thị trưởng Bouchart đang kêu gọi tổ chức cuộc gặp giữa bà cùng Thủ tướng Anh và Pháp vào cuối mùa hè với hy vọng nhận được đền bù cho những thiệt hại của thành phố. Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, bà dự tính thành phố cảng sẽ được đền bù 50 triệu euro.
Calais có một lịch sử với nhiều biến động, thành phố đã từng rơi vào tay nước Anh trong suốt hai thế kỷ kể từ năm 1347 trong cuộc chiến 100 năm. Thành phố Calais của thế kỷ 21 là nơi thu hút khách du lịch người Anh, chiếm từ 20-25% du khách tại đây. Tuy nhiên lượng khách du lịch đã đột ngột giảm mạnh xuống chỉ còn 8% trong tháng 6 vừa qua.
Người di cư tự dựng lều để tạm trú.
Xếp hàng chờ nhận thức ăn miễn phí.
Nơi tạm trú đơn sơ.
Người di cư vệ sinh cá nhân trong khu vực tập trung.
Theo Hà Linh/AP, Guardian