1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cải tổ nội các Pháp: “Bình mới, rượu cũ”

(Dân trí) - Hôm qua, chỉ vài giờ sau khi chấp nhận đơn xin từ chức của Thủ tướng François Fillon cùng toàn thể nội các của ông, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã lập tức tín nhiệm trở lại vị thủ tướng cũ.

 
Theo giới quan sát, quyết định cải tổ chính phủ, nhưng vẫn với ông Fillon trong cương vị thủ tướng, không ngoài mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2012.
 
Cải tổ nội các Pháp: “Bình mới, rượu cũ” - 1
Giữ nguyên vị trí của Thủ tướng Fillon (phải), bước đi chiến lược của Tổng thống Sarkozy.

Một thủ tướng được tín nhiệm, điều kiện cần?

Trong một bản thông cáo, phủ tổng thống Pháp xác nhận Tổng thống Sarkozy đã chỉ định ông François Fillon làm thủ tướng. Tổng thống đã yêu cầu thủ tướng đề nghị một chính phủ mới. Phủ thủ tướng Pháp, ngay sau đó, cũng nhanh chóng cho biết là thành phần nội các mới có thể được công bố “trong khoảng 24 giờ tới”. Thủ tướng Fillon đang tích cực tham khảo ý kiến để có thể đệ trình danh sách các bộ trưởng mới lên cho tổng thống phê duyệt.

Giới phân tích cho rằng quyết định cải tổ nội các vào lúc này là một điều cần thiết đối với tổng thống Sarkozy để khép lại một giai đoạn mà uy tín của ông cũng như của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền bị sút giảm trong dư luận, sau một loạt cải cách gây tranh cãi.

Được tiết lộ từ nhiều tháng trước đây, trong thời gian qua, ý định cải tổ nội các của tổng thống Sarkozy đã làm dấy lên nhiều giả thuyết khác nhau về khả năng ai sẽ là tân chủ nhân của Điện Matignon, tức là phủ thủ tướng Pháp. Nhiều người cho rằng rất có thể ông Jean Louis Borloo, nguyên bộ trưởng Môi trường sẽ được tín nhiệm để tổng thống Pháp có thể chứng tỏ mong muốn thay đổi của mình.

Nhưng vấn đề đặt ra là thủ tướng François Fillon lại rất được lòng dân, thậm chí chỉ số tín nhiệm ông trong các cuộc thăm dò dư luận còn cao hơn điểm của ông Sarkozy rất nhiều. Đây có thể là một trong những nguyên do giúp ông được tín nhiệm trở lại.

Trong hơn ba năm qua, dù chính phủ Pháp đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, Thủ tướng Fillon luôn luôn có chỉ số tín nhiêm cao trong các cuộc thăm dò dư luận, chứng tỏ ông rất được lòng dân, ít ra là hơn hẳn các thành viên còn lại trong chính quyền, kể cả so với tổng thống Sarkozy. Uy tín đó đã khiến ông trở thành nhân vật không thể thiếu trong cương vị thủ tướng.

Vào lúc chỉ còn hai năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, việc chinh phục lòng dân đã trở thành quan trọng. Đưa ra một chính phủ mới, với những biện pháp mới hợp lòng dân hơn là điều kiện cần thiết. Việc tổng thống Pháp duy trì ông François Fillon ở chức vụ thủ tướng được cho là nằm trong chiều hướng đó.

“Rượu cũ” còn đó

“Bình mới” được thay trong bối cảnh đảng UMP cầm quyền đối mặt với một loạt động thái “gây mất điểm”.

Trước hết là đưa kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng đến nơi đến chốn, nghĩa là từ dự thảo biến thành luật. Thứ nữa là áp đặt được một chính sách khắc khổ cũng mất lòng dân không kém việc kéo dài hạn tuổi lao động.

Việc thông qua đạo luật kéo dài hạn tuổi lao động cho đến 67 tuổi, đã tạo ra hàng loạt các cuộc đình công biểu tình liên tiếp trên toàn nước Pháp, thu hút hàng triệu người tham gia. Thái độ của chính phủ và đảng cầm quyền kiên quyết thúc đẩy công cuộc cải tổ chế độ hưu bổng, bất chấp phong trào phản đối, đã gây tổn hại cho uy tín của chính phủ, do đó vấn đề cải tổ nội các trở nên thiết yếu.

Bên cạnh đó, tên tuổi của một số bộ trưởng trong chính phủ cũ, cụ thể là trường hợp của nguyên bộ trưởng Lao động Eric Woerth, đã bị nêu lên trong một số vụ tai tiếng tài chính hay lạm quyền. Cải tổ nội các là một cơ hội tốt để chính quyền có thể giải quyết vấn đề một cách êm thấm, tránh cho những người liên can bị công luận chú ý quá mức.

Việc chọn ông François Fillon để lãnh đạo chính phủ Pháp trong giai đoạn cuối còn là nguyện vọng của đa số trong đảng cầm quyền UMP, vốn trong thời gian qua đã không che giấu bất bình trước khả năng ông Sarkozy cử ông Jean Louis Borloo bộ trưởng Môi trường thuộc cánh trung hữu lên làm thủ tướng.

Hai năm trước cuộc bầu cử tổng thống, mà rất có thể là ông sẽ ra tái tranh cử, ông Sarkozy không thể nào để cho đội ngũ của mình bị chia rẽ, và điều đó giải thích vì sao chính phủ Pháp thay đổi, nhưng vị thủ tướng vẫn nguyên vị.

Riêng về thành phần chính phủ mới sẽ được công bố trong những giờ phút sắp tới, các nguồn tin thân cận với đảng UMP cầm quyền xác định là nội các mới sẽ “chặt chẽ” hơn, tức là ít người hơn, và sẽ có nhiều phụ nữ hơn.

Nguyễn Viết
Tổng hợp