1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách Ukraine duy trì hoạt động "cỗ máy" sản xuất vũ khí nội địa

Thanh Thành

(Dân trí) - Các cuộc tấn công của Nga gây thiệt hại cho ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, nhưng các nhà máy sản xuất của nước này được cho là vẫn có thể duy trì nhịp độ sản xuất mạnh mẽ.

Cách Ukraine duy trì hoạt động cỗ máy sản xuất vũ khí nội địa - 1

Hoạt động bên trong cơ sở sản xuất kim loại Zporizhstal của Ukraine hồi tháng 5 (Ảnh: AFP).

Nga đã nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, từ các nhà máy xe tăng đến các cơ sở hậu cần quân sự khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2.

Hơn 100 cuộc tập kích tên lửa đã xảy ra kể từ đó. Và trong suốt thời gian đó, Ukraine cần phải học cách bảo trì vũ khí và sử dụng các loại vũ khí mới mà NATO hỗ trợ.

Tuy nhiên, gần 7 tháng qua, ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, vốn là thế mạnh của quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này, vẫn tiếp tục có những bước tiến nhất định, theo các chuyên gia và quan chức nước này.

Kiev đã làm được điều đó bằng cách di dời các cơ sở sản xuất quân sự đến những địa điểm an toàn, ký thỏa thuận sản xuất quốc phòng mới với các đồng minh châu Âu như Ba Lan, đồng thời chính phủ cũng nỗ lực tạo ra những công việc mới trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng.

Yuriy Gusev, người đứng đầu tập đoàn sản xuất vũ khí nhà nước Ukraine Ukroboronprom cho biết, chính phủ đang làm việc với một số công ty để sản xuất vũ khí ở nước ngoài.

Trong bối cảnh ngày càng nhận được nhiều vũ khí từ NATO, trị giá hơn 15 tỷ USD từ Mỹ chỉ tính riêng từ tháng 2 (gần gấp 3 lần ngân sách quốc phòng năm ngoái), Ukraine đang tìm cách xây dựng các cơ sở để phục vụ những vũ khí đó và do đó trở thành một phần của chuỗi cung ứng quân sự phương Tây.

"Từ ngày 24/2, chúng tôi làm việc 24/7", ông Gusev nói. "Chúng tôi đã thay thế một số doanh nghiệp của mình do vấn đề an ninh cũng như các cuộc tấn công tên lửa. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác nhằm xây dựng những cơ sở bảo trì và sửa chữa vũ khí phương Tây ở Ukraine".

Tiềm năng có thêm các cơ sở bảo trì có thể giúp khuyến khích các quốc gia phương Tây gửi vũ khí và thiết bị tới Ukraine nhanh hơn, vì lâu nay các thành viên NATO lo lắng về việc Kiev khó có thể sử dụng vũ khí hiệu quả do thiếu cơ sở vật chất.

"Chúng tôi hy vọng sẽ là một phần của dây chuyền sản xuất này", ông Gusev nói thêm, đồng thời kêu gọi thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển chung với các công ty phương Tây.

Ngay cả khi đang bị tấn công, khiến nhiều cơ sở sản xuất quốc phòng không thể hoạt động, Ukraine vẫn khéo léo thích nghi, sử dụng các xưởng quy mô nhỏ và sản xuất ở nước ngoài để tránh các cuộc tấn công từ Nga.

Ông Gusev cũng cho biết, các công ty đã cố gắng tuyển thêm nhân lực và tăng lương để giữ các công nhân quốc phòng ở lại làm việc, vì ngay cả trong Thế chiến II, Mỹ cũng từng phải vật lộn với tình trạng công nhân nghỉ việc và các cuộc đình công của công nhân tại nhiều công ty quốc phòng lớn.

Jeb Nadaner, cựu Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về chính sách công nghiệp, cho rằng Ukraine có mạng lưới hoạt động rất tích cực ở châu Âu và thậm chí xa hơn nữa, giúp họ duy trì năng lực sản xuất.

Trong Thế chiến II, Mỹ đã chuyển đổi hơn 40% GDP của mình chống lại Đức và Nhật Bản, đồng thời cung cấp vũ khí cho Anh, Liên Xô và các nước khác thông qua "chương trình cho thuê".

Mặc dù Ukraine đang rơi vào tình trạng xung đột, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng họ có thể tận dụng nhiều vũ khí hiện đại, từ xe tăng, xe bọc thép đến súng trường của quân Nga bỏ lại.

Ukraine đã nhanh chóng lên kế hoạch sửa chữa những vũ khí này để đưa trở lại chiến trường. Tuần trước, một quan chức quân đội Ukraine cho biết đã thu được hơn 200 phương tiện quân sự trong cuộc phản công ở khu vực Kharkov gần biên giới Nga.

"Chúng tôi có các tổ chức nghiên cứu đặc biệt, nơi khám phá, phân tích tất cả các thiết bị và vũ khí của Nga. Chúng tôi cũng có phòng thiết kế riêng để phân tích học hỏi từ những thiết bị quân sự và vũ khí Nga", ông Gusev nói.

Bài toán lâu dài

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, bài toán lâu dài đối với Ukraine là nhận chuyển giao công nghệ nước ngoài, chẳng hạn như từ Mỹ, và liên doanh với các công ty quốc phòng toàn cầu để sản xuất vũ khí hiệu quả hơn.

Quốc hội Ukraine cũng đang xem xét một dự thảo luật mới sẽ đưa quốc phòng trở thành ngành công nghiệp ưu tiên nhằm thu hút nhiều đầu tư hơn.

Nhưng ngay cả với nỗ lực tự thân và trợ giúp từ nước ngoài, vẫn có những mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ukraine khi họ cố gắng duy trì hoạt động sản xuất ngành công nghiệp quốc phòng.

Thiệt hại đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine chỉ là một phần nhỏ so với tổng thiệt hại mà Ukraine phải hứng chịu vì xung đột.

Ông Volodymyr Omelyan, cựu Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, cho biết con số thiệt hại của nước này là hơn 1.000 tỷ USD, nhưng ông cảnh báo rằng con số này chỉ là ước tính sơ bộ vì giao tranh vẫn tiếp diễn, tàn phá cơ sở hạ tầng Ukraine.

Theo ông, chính phủ nên tìm cách thiết lập những cơ sở sản xuất vũ khí tại các quốc gia NATO láng giềng như Ba Lan và Slovakia, với trợ giúp từ các nước phương Tây về sản xuất đạn pháo và tên lửa nhằm đảm bảo những cơ sở đó sẽ được chuyển giao trở lại Ukraine sau khi xung đột kết thúc.

Một quan chức quân đội Ukraine giấu tên cho biết, chính phủ Kiev cũng đã bắt đầu tập trung vào các cơ sở sản xuất quốc phòng ở các vùng phía tây và xa hơn nữa, mặc dù không hoàn toàn tránh được các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, công ty Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo máy bay không người lái (UAV) giá rẻ nổi tiếng Bayraktar TB-2 đã thiết lập một nhà máy tại Ukraine để sản xuất máy bay không người lái.

Kết hợp với sản xuất xưởng ở cấp độ nhỏ, các chuyên gia tin rằng, ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine có thể trụ vững.

Theo Foreign Policy