Các vụ tự sát trong Thế chiến II ở Nhật - sự thật bị chôn vùi
Tay nắm chặt quả lựu đạn mà quân đội Nhật hoàng phát cho, đầu đầy ám ảnh về những chuyện mà lính Mỹ có thể làm với một cô gái trẻ xinh đẹp, Sumie Oshiro chạy vào một cánh rừng của Okinawa, nơi người ta gọi là "bão thép".
"Chúng tôi ngồi xuống cùng nhau và ném quả lựu đạn xuống đất nhưng nó không nổ", Oshiro nhớ lại cuộc tự sát không thành sau khi các binh sĩ Nhật lệnh cho họ thà tự giết mình, chứ không để bị lính Mỹ bắt làm tù binh trong trận chiến trên đảo Okinawa trong Thế chiến II. "Chúng tôi đã rất nhiều lần tự sát, cố kích nổ quả lựu đạn mà quân đội Nhật phát cho chúng tôi".
Trận chiến kéo dài 3 tháng để giành Okinawa đã cướp đi mạng sống của 200.000 người, trong đó có 12.520 người Mỹ, 94.136 lính Nhật và 94.000 người dân Okinawa, gần 1/4 số dân thành phố trước chiến tranh.
Những mất mát của Okinawa sau khi 545.000 lính Mỹ tấn công quần đảo nhỏ này vẫn còn nặng nề. Người dân quần đảo này muốn xã hội Nhật công nhận sự đau khổ mà họ phải hứng chịu. Nhưng niềm mong ước đó lại mâu thuẫn với mong muốn xóa bỏ quá khứ, trong đó có nỗ lực làm lu mờ việc lính Nhật buộc phụ nữ châu Á làm việc trong các nhà chứa và bắt nam giới làm việc trong các nhà máy và hầm mỏ của nước này.
Nobukatsu Fujioka, một nhà giáo dục theo chủ nghĩa dân tộc, bắt đầu chiến dịch xóa sạch trong sách giáo khoa những phần nói về việc lính Nhật lệnh cho dân thường ở đây hoặc đầu hàng hoặc tự sát.
Nỗi đau đớn của Okinawa về tình trạng dân chúng tự sát lan tràn trầm trọng hơn bởi nhiều người tin rằng các binh sĩ quân đội Nhật đã khuyến khích người dân Okinawa nên tự sát hơn là đầu hàng Mỹ. Trong bảo tàng tưởng niệm Hòa bình tại Okinawa, đập vào mắt khách tham quan là tượng một lính Nhật có vẻ mặt gớm giếc chặn một gia đình Okinawa trong một hang động, người mẹ đang cố dỗ dành đứa con nhỏ.
"Trong tay lính Nhật, dân thường bị thảm sát, bị buộc phải tự sát hoặc giết lẫn nhau", lời chú thích dưới bức tượng viết. Gần đó, một bức ảnh cỡ người thật cho thấy cảnh tượng khủng khiếp của một gia đình bị giết bằng lựu đạn.
Theo những lời chú thích trên các bức tường của bảo tàng, binh lính tìm kiếm những người tị nạn, nã đạn pháo và buộc dân thường phải chui ra khỏi các hang động đá vôi và những ngôi mộ đá hình mai rùa.
Khoảng hai tuần sau khi trận chiến nổ ra, chỉ huy quân đội Nhật tìm cách triệt hạ gián điệp của đối phương bằng cách cấm nói bằng chất giọng của người Okinawa, thứ tiếng Nhật mà những người không phải là dân bản địa thì không thể hiểu được. Và với mệnh lệnh đó, lính Nhật đã giết khoảng 1,000 người Okinawa, các nhà sử học địa phương cho hay.
Hai dòng sách giáo khoa lịch sử chính của Nhật từ những năm 1990 có nói đến việc các binh sĩ Nhật ép buộc dân thường tự sát còn được trưng bày. Giờ đây người Okinawa sợ rằng lịch sử sẽ bị phai mờ khỏi ý thức dân tộc.
"Trong nhiều trường hợp, các binh sĩ đã phát lựu đạn, mà khi đó cực kỳ hiếm, cho người dân", Masahide Ota, một người dân Okinawa từng chiến đấu trong quân đội Nhật tại một đơn vị có tên Binh đoàn sinh viên Máu và Sắt, cho hay. "Tôi nghe người ta nói quân đội bảo họ thà hãy tự sát bằng lựu đạn còn hơn là bị bắt".
Ota đầu hàng 4 tháng sau khi cuộc chiến kết thúc và trở thành nhà sử học hàng đầu của địa phương và sau đó là thống đốc Okinawa từ năm 1990 đến 1998. Giờ đây ở tuổi 80, ông đại diện cho chính quyền địa phương trong thượng viện Nhật.
Người Okinawa sợ rằng vì không có lệnh tự sát viết tay mà các chỉ huy quân đội Nhật đưa ra nên các nhà biên soạn sách giáo khoa lịch sử của Nhật sẽ không đề cập đến những điều truyền giáo quân sự, mà dưới thời chiến tranh đã được hô thành khẩu hiệu: "Binh sĩ và nhân dân phải cùng sống cùng chết".
Trên hòn đảo Geruma, Takejiro Nakamura, một học sinh 15 tuổi khi Mỹ bắt đầu tấn công Nhật, là một trong số những dân thường như thế.
"Một thời gian dài, quân đội Hoàng gia Nhật tuyên bố rằng trên các hòn đảo khác, phụ nữ bị cưỡng hiếp và giết hại, nam giới thì bị trói và bị xe tăng nghiến qua người", ông nói. Nakamura, giờ là người hướng dẫn tại một bảo tàng, được trưng bày trong ngôi nhà còn đầy vết đạn từ cuộc tấn công của Mỹ. Khi quân đội Nhật tan tành trên hòn đảo này vào cuối tháng 3/1945, 58 trong số 130 người dân đã tự tử. Cùng với gia đình và hàng xóm, Nakamura chạy qua một hang động nơi 10 người dân làng tự sát.
"Tôi nghe thấy chị tôi gọi, "Hãy giết tôi đi, nhanh lên nào"", Nakamura cho biết và nhớ lại rằng người chị gái 20 tuổi của ông đã hoảng loạn khi lính Mỹ tiến đến. Mẹ ông lấy một sợi dây và siết cổ chị gái ông.
"Tôi cố siết cổ mình bằng sợi dây thừng", Nakamura đưa bàn tay sạm nắng lên sờ cổ. "Nhưng mà tôi cứ thở. Thật sự là tự sát không dễ dàng gì".
Và ít phút sau, lính Mỹ bắt được họ.
"Lính Mỹ kiểm tra người tôi xem có vũ khí không. Sau đó anh ta đưa tôi kẹo và thuốc lá. Đó là những phút đầu tiên của tôi sau khi bước ra khỏi hang động".
Mẹ của Nakamura sống đến hơn 80 tuổi.
"Chúng tôi đôi khi nói về cuộc chiến. Nhưng mẹ tôi không bao giờ nhắc đến việc bà đã giết con gái mình", Nakamura nói.
Theo Ngọc Sơn
Vnexpress/NYT