1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Các vị trí quyền lực trong gia đình Kim Jong-un

Chú ruột của nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây đã được bổ nhiệm làm đại sứ Triều Tiên tại Cộng hòa Séc sau 17 năm làm đại sứ ở Ba Lan.

Theo hãng tin Yonhap ngày 21/1, ông Kim Pyong-il, người em cùng cha khác mẹ của cố lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il, vừa được bổ nhiệm làm đại sứ nước này ở Cộng hòa Séc sau 17 năm làm đại sứ ở Ba Lan.

Ông Kim Pyong-il, sinh năm 1954, đã liên tục nắm giữ các chức vụ ngoại giao ở nước ngoài từ năm 1979. Ông bắt đầu làm đại sứ tại Ba Lan vào năm 1998, sau khi Triều Tiên đóng cửa đại sứ quán ở Phần Lan để tiết kiệm chi phí.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết người sẽ thay ông Kim Pyong-il trong vai trò đại sứ tại Warsaw (Ba Lan) là ông Ri Kun, người đứng đầu Vụ các vấn đề Bắc Mỹ tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên.

“Điều đã được xác định là ông Kim gần đây đã nhận nhiệm vụ đại sứ tại Séc và ông Ri Kun đã được Ba Lan đồng ý trở thành đại sứ Triều Tiên tại Warsaw”, quan chức trên nói, ý đề cập nghi thức ngoại giao theo đó nước chủ nhà chấp thuận một ứng viên cho vai trò đại sứ.
 
Ông Kim Pyong-il (đội mũ) và các con (ảnh: dailynk)
Ông Kim Pyong-il (đội mũ) và các con (ảnh: dailynk)

Ông Cheong Seong-jang, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Sejong ở Seoul, nhận định việc bổ nhiệm mới dường như là một bước đi nhằm ngăn ông Kim Pyong-il tạo dựng cơ sở quyền lực xung quanh mình sau khi đã nắm giữ một vị trí suốt 17 năm.

“Ông Kim Pyong-il nằm trong tầm theo dõi của Bình Nhưỡng và bị kiểm soát suốt đời”, chuyên gia Cheong nói thêm, theo Yonhap.

Không chỉ riêng người chú, cô ruột Kim Jong-un là bà Kim Kyong-hui cũng giữ nhiều chức vụ cao trong chính quyền và quân đội, thường xuyên hiện diện trong các nghi lễ trọng đại, phiên họp của nhà nước. Theo Washington Post, bà Kim Kyong-hui từng là nhân vật nữ nổi bật nhất ở Triều Tiên.

Nhưng sau khi chồng bà, ông Jang Song-thaek, trước đây được biết đến với tư cách người quyền lực thứ hai ở Bình Nhưỡng, bị xử tử, với tội danh phản quốc vào năm 2013, chưa một lần bà Kim xuất hiện trực tiếp trước công chúng. Việc bà không xuất hiện trong thời gian quá lâu khiến nhiều tin đồn bắt đầu lan truyền.

Nhiều nguồn tin đồn đoán bà có thể rơi vào tình trạng "sống thực vật" sau một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Trong khi tiết lộ mới đây nhất từ cây bút Jonathan Cheng trên tờ Wall Street Journal lại cho biết có thể bà Kim đã qua đời gần một năm nay.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, tất cả đến nay vẫn chỉ là đồn đoán, chưa có gì là chắc chắn về số phận của bà.

Ngoài cô chú ruột, Kim Yo-jong, 27 tuổi, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 27/11/2014 cũng được bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao thuộc đảng Lao động cầm quyền, Reuters dẫn thông tin từ cơ quan thông tấn nhà nước Triều Tiên cho biết. Điều này củng cố thêm những suy đoán cho rằng cô đang tiến gần hơn tới trung tâm quyền lực ở Bình Nhưỡng.

Cô Kim được giới thiệu là phó chủ tịch một ban thuộc Ủy ban Thường vụ Trung ương, phụ trách việc đưa ra những thông điệp về tư tưởng thông qua các phương tiện tuyên truyền, nghệ thuật và văn hóa.

Quyền lực của Kim Yo-jong có thể sánh ngang với một thủ tướng, tờ Joong Ang Ilbo của Hàn Quốc hồi tháng 4/2014 dẫn lời một nguồn tin tình báo giấu tên nhận xét.

Thực tế, phụ nữ ở Triều Tiên hiếm khi có cơ hội nắm giữ những chức vụ cao trong bộ máy chính phủ hay quân đội. Đàn ông Triều Tiên thường đảm nhận vai trò này. Tuy nhiên, đối với Kim Yo-jong, chỉ cần cái tên của cô cùng với sự gần gũi với lãnh đạo Kim Jong-un cũng đủ vượt qua mọi quy chuẩn của xã hội, Reuters bình luận.

"Những người với danh nghĩa cấp trên hầu hết cũng phải nghe theo lời cô ấy", Michael Madden, chuyên gia về hệ thống lãnh đạo của Triều Tiên, nhận định.

Theo Thanh Giang (tổng hợp)
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm