1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Các nước phản ứng ra sao với nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Gaza?

Thanh Thành

(Dân trí) - Các quốc gia ngày 27/10 đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn nhân đạo cho Gaza, nhưng văn bản này cũng gấp phải phản ứng trái chiều từ một số nước.

Các nước phản ứng ra sao với nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Gaza? - 1

Tòa nhà ở Gaza đổ sập do không kích của Israel (Ảnh: Getty)

Nghị quyết do Jordan đề xuất được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với số phiếu áp đảo khi có đến 120 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 14 quốc gia phản đối và 45 quốc gia bỏ phiếu trắng. 

Nghị quyết được thông qua trong bối cảnh Liên hợp quốc kêu gọi mạnh mẽ cho một "thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo bền vững" ở Gaza, ngay cả khi quân đội Israel tuyên bố đang "mở rộng các hoạt động trên bộ" tại vùng đất bị bao vây này.

Nghị quyết cũng kêu gọi "tiếp cận nhân đạo ngay lập tức, đầy đủ, bền vững, an toàn và không bị cản trở" và yêu cầu Israel hủy bỏ khuyến nghị sơ tán khỏi miền bắc Dải Gaza. Nghị quyết thúc giục "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các thường dân bị giam giữ bất hợp pháp", nhưng không chỉ đích danh Hamas là lực lượng đang bắt giữ con tin.

Kết quả bỏ phiếu đã làm vang lên những tiếng vỗ tay lớn trong hội trường. Nhưng Mỹ cũng giống như Israel đã chỉ trích gay gắt nghị quyết này, và đều bỏ phiếu chống. Cả Washington và Tel Aviv cho rằng nó không bao gồm những chỉ trích rõ ràng đối với Hamas.

Một điều khoản sửa đổi do Canada đề xuất vào phút cuối và được Mỹ hậu thuẫn nhằm lên án gay gắt Hamas đã bị Đại hội đồng Liên hợp quốc bác bỏ. "Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc ngừng bắn", Ngoại trưởng Israel Eli Cohen viết trên mạng xã hội X. 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao chính quyền Palestine hoan nghênh "sự ủng hộ to lớn" đối với nghị quyết kêu gọi ngừng bắn của Liên hợp quốc. Trong một tuyên bố, Bộ này cho biết "cộng đồng quốc tế đã lên tiếng một cách rõ ràng và thống nhất chống lại các hành động của Israel và các hành vi cố tình vi phạm luật pháp quốc tế". 

Mặc dù cuộc bỏ phiếu của đại hội đồng có ý nghĩa chính trị nhưng không mang tính ràng buộc và diễn ra trong bối cảnh thiếu sự đồng thuận toàn cầu về cách giải quyết khủng hoảng.

Trước cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi mạnh mẽ kêu gọi các nước ủng hộ nghị quyết, đồng thời cảnh báo trên mạng xã hội rằng các hoạt động trên bộ mở rộng của Israel "sẽ là một thảm họa nhân đạo với quy mô lớn trong nhiều năm tới".

Nghị quyết này được thông qua sau các báo cáo về cuộc không kích dữ dội ở Gaza, khiến công ty viễn thông Palestine Jawwal cho biết đã cắt đứt mạng viễn thông của họ trên lãnh thổ này. Một nhân chứng tại bệnh viện Al Aqsa Martyrs ở Gaza mô tả tình hình là "quá đen tối và không có mối liên hệ nào với thế giới bên ngoài".

Tel Aviv tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ trong những ngày tới sau khi ra lệnh "bao vây toàn diện" Gaza. Các cuộc không kích liên tục của Israel và việc phong tỏa nhiên liệu cứu sinh đã gây ra những cảnh báo thảm khốc cho số phận của 2 triệu người bị mắc kẹt ở Gaza.

Các cuộc không kích của Israel đã giết chết hơn 7.000 người ở Gaza kể từ ngày 7/10, theo số liệu công bố hôm 26/10 của Bộ Y tế Palestine ở Gaza.

Theo CNN