1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Các đồng minh Mỹ và bài toán khó ở vùng Vịnh

Anh vừa thông báo triển khai tàu chiến thứ hai đến vùng Vịnh và gia tăng mức độ báo động tại khu vực giàu dầu mỏ này giữa lúc căng thẳng tại đó leo thang.

Phát ngôn viên chính phủ Anh hôm 12-7 cho biết tàu khu trục HMS Duncan đang trên đường đến vùng Vịnh để bảo đảm tiếp tục sự hiện diện an ninh hàng hải trong lúc tàu HMS Montrose được bảo trì và thay đổi thủy thủ đoàn. Trước đó, London cho biết tàu HMS Montrose hôm 10-7 đã phát cảnh báo và ngăn 3 tàu Iran có ý định chặn một tàu chở dầu của Anh đi qua eo biển Hormuz nhưng Tehran đã bác bỏ cáo buộc này.

Căng thẳng gia tăng giữa Anh và Iran phần nào nêu bật nguy cơ bị vạ lây của các đồng minh Mỹ trong trường hợp tình hình Trung Đông thêm tồi tệ. Theo tờ The Washington Post, chính quyền Tổng thống Donald Trump chắc chắn hoan nghênh quan hệ Anh - Iran xấu đi, nhất là khi Washington đang vật lộn thuyết phục các nước châu Âu rằng cần cứng rắn với Tehran. Nước Anh có lý do thận trọng bởi nước này vẫn đang cố gắng duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngoài ra, London đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu khí từ Trung Đông trong những năm gần đây. 

Dù vậy, đồng minh hàng đầu của Mỹ tại châu Âu này có thể bị đẩy vào thế khó bởi trong trường hợp các tàu của nước này tiếp tục bị quấy rối, London có thể cần phải triển khai thêm tàu chiến đến vùng Vịnh, từ đó làm gia tăng nguy cơ dẫn đến xung đột bạo lực.

Các đồng minh Mỹ và bài toán khó ở vùng Vịnh - 1

Tàu khu trục HMS Duncan của Hải quân Hoàng gia Anh trên đường đến Địa Trung Hải hôm 12-7 Ảnh: Reuters

Với một số nước đồng minh của Mỹ ngay tại vùng Vịnh, nỗi lo của họ là nguy cơ chính quyền ông Trump chấm dứt hoạt động bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải ở vùng Vịnh. Ông Henry Rome, chuyên gia tại Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), nhận định: "Một mặt, họ muốn chứng minh các thương vụ vũ khí hàng tỉ USD không lãng phí và họ có thể tự bảo vệ mình. 

Mặt khác, các nước này lại không muốn cho thấy họ có khả năng tự bảo vệ mình bởi lo ngại điều đó có thể khiến ông Trump ngưng hoạt động bảo đảm an ninh tuyến đường biển trong khu vực". Đáng chú ý, các quan chức Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho đến giờ vẫn giữ im lặng trước cáo buộc Iran gây bất ổn cho hoạt động thương mại ở vùng Vịnh.

Không khó để nhận ra những gì hầu hết các quốc gia liên quan đến cuộc khủng hoảng mong muốn lúc này. Iran muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ theo điều kiện của họ. Các đồng minh châu Âu muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran và giảm căng thẳng. Trong khi đó, các quốc gia như Ả Rập Saudi và UAE muốn chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực mà không cần phải dùng đến chiến tranh.

Trong diễn biến đe dọa khiến tình hình vùng Vịnh thêm nóng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm 12-7 nói với hãng tin IRNA (Iran) rằng "các cường quốc bên ngoài" nên rời đi bởi Iran và các nước trong khu vực có khả năng bảo đảm an ninh nơi này. Quan chức này cũng gọi căng thẳng đang gia tăng nhanh chóng giữa Tehran và phương Tây là một trò chơi nguy hiểm.

Trước mắt, hiểm họa chiến tranh đã được giảm bớt phần nào khi Hạ viện Mỹ hôm 12-7 thông qua dự luật ngăn Tổng thống Trump khơi mào chiến sự với Iran nếu chưa được quốc hội đồng ý. Nghị sĩ Ro Khanna thuộc đảng Dân chủ cho rằng bước đi này sẽ ngăn nước Mỹ tham gia vào một cuộc chiến kéo dài vô thời hạn và tốn kém ở Trung Đông. 

Theo Xuân Mai

Người lao động