1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các công ty châu Á đón Tết: Không kèn, không trống

(Dân trí) - Với xuất khẩu sụt giảm mạnh, đơn đặt hàng cạn kiệt, năm nay các công ty của châu Á tìm thấy ít lý do để đón mừng tết âm lịch. Họ phải hủy những bữa tiệc cuối năm thịnh soạn, cắt giảm những khoản tiền thưởng vốn rất hẫu hĩnh trong những năm trước.

Các công ty châu Á đón Tết: Không kèn, không trống - 1
“Thật khó để giải quyết vấn đề tâm lý”, Hsieh Chua-chih, tổng thư ký Liên đoàn thương mại Đài Loan cho biết. “Người lao động sẽ thấy khó chấp nhận việc cắt giảm bởi đây là thời gian quan trọng và họ cần tiền để chi tiêu cho gia đình”.

Vào dịp tết âm lịch, người Đông Nam Á thường tấp nập mua sắm, tiệc tùng. Trước kia, các công ty Đài Loan thường tổ chức những bữa tiệc tốn kém hàng triệu đô la và tặng TV, dàn âm thanh cho các nhân viên. Thêm vào đó, họ không quên những phong bì dày cộm tiền mặt.

Nhưng năm nay, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đẩy tỉ lệ thất nghiệp ở Đài Loan tăng lên con số cao kỷ lục trong vòng 5 năm qua, kéo xuất khẩu giảm xuống con số kỷ lục 42%, các công ty dự định sẽ cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, với hi vọng kinh tế sẽ phục hồi trở lại.

Với những nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang có dấu hiệu suy yếu giống nhau, không có gì đáng ngạc nhiên khi các bữa tiệc đón năm con trâu trở nên mộc mạc đến không ngờ.

Hon Hai, một công ty công nghệ cao của Đài Loan chuyên sản xuất phụ tùng cho iPods, bảng điều khiển điện tử Nintendo và máy điện thoại Nokia, năm ngoái đã tổ chức một bữa tiệc tốn kém 6 triệu USD. Họ hào phóng thưởng tiền, tặng quà, và những chiếc xe hơi trị giá hàng triệu đô cho nhân viên. Nhưng năm nay, họ sẽ tổ chức một bữa tiệc giản dị. “Bữa tiệc sẽ giản dị, miễn là mọi người được vui vẻ”, một nhân viên phụ trách đời sống của công ty cho biết.

Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc chủ yếu vào thương mại đều đang chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu, với Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái. Các công ty lớn trong khu vực thi nhau cắt giảm sản xuất, ngừng tuyển nhân sự và sa thải nhân viên để tiết kiệm tiền.

Kinh tế Đài Loan cũng đã suy giảm với tốc độ đáng báo động. Xuất khẩu, mới tháng 8 gần đây vẫn phát triển với tốc độ hai con số, mà trong vài tháng qua đã sụt giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, nhiều công nhân nhà máy đang bị buộc phải nghỉ không lương tới 3 ngày một tuần để các ông chủ có thể cắt giảm chi phí lương, khi đơn đặt hàng ngày một “teo” lại.

Đối với nhiều người lao động, được giữ lại làm việc đã là món quà lớn đối với họ trong dịp tết.

“Mọi người biết ưu tiên hàng đầu bây giờ là vẫn được làm việc, chứ không mong muốn viển vông gì khác nữa”, Kevin Gao, 27 tuổi, một nhân viên website ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết. Tiền trả làm ngoài giờ của anh sẽ bị cắt và bữa tiệc cuối năm của công ty đã bị rút từ bữa tiệc thịnh soạn xuống thành một bữa tối đơn giản.

“Tôi từng nghĩ đến bỏ công việc hiện tại để tìm một công việc tốt hơn, nhưng giờ thì tôi lại thấy hạnh phúc khi có ai đó vẫn trả lương cho mình”.

Không có thưởng cuối năm

Tại châu Á, nếu vào những năm ăn nên làm ra, thưởng cuối năm thường ít nhất bằng một tháng lương. Tuy nhiên, năm nay, tất cả đều bị cắt giảm do suy thoái kinh tế.

Tại Hàn Quốc, Hãng hàng không Korean Airlines và nhiều ngân hàng lớn đã thông báo sẽ cắt thưởng, trong khi tập đoàn viễn thông lớn của nước này KT còn nợ lương nhân viên. Ở Trung Quốc, một số công ty đã cắt tháng lương thứ 13 vốn có từ trước tới nay.

Tại Đài Loan, các cửa hàng năm nay đều phàn nàn công việc làm ăn buôn bán của họ kém xa so với năm ngoái. Nhiều người có ý định hủy hoặc rút ngắn kế hoạch đi du lịch, “hoãn” mua đồ đắt tiền, như xe hơi mới, đồ điện tử gia dụng…

“Trong dịp nghỉ xuân, chúng tôi sẽ tới nơi rẻ và tiêu ít tiền hơn”, Jen-liang, 33 tuổi, công nhân ở Đài Bắc cho biết. Anh bị mất thưởng tết do công ty không có đủ đơn đặt hàng. “Chúng tôi có thể chỉ về vùng quê thôi”.

Theo tờ United Daily News của Đài Loan, khoảng 20% công ty tại đây sẽ cắt thưởng cuối năm trong dịp này. Theo các chuyên gia công nghiệp, tất cả đều nhằm cắt giảm chi phí để đối phó với cuộc suy thoái mà không phải cắt giảm bớt các công nhân lành nghề.

“Các công ty châu Á thường có văn hóa giữ người”, Derek Berry, một chuyên gia của Mercer Singapore cho biết. “Nguy cơ không có được đúng người thậm chí còn nguy hiểm hơn, vì vậy các công ty đang cố gắng càng linh hoạt càng tốt”.

Trong những năm trước, tiệc cuối năm của các công ty lớn xa hoa tới nỗi chúng thu hút được sự quan tâm lớn của truyền hình, báo chí. Nhưng năm nay, thậm chí với cả những công ty không bị thất thu cũng cố gắng cắt giảm, để “phòng” cho bất chắc tương lai.

Vũ Quý
Theo Reuters