Ca cấy ghép hai tay đầy đủ đầu tiên trên thế giới
(Dân trí) - Mới đây các bác sỹ Đức đã công bố hình ảnh của người đàn ông đầu tiên trên thế giới được ghép cả hai tay đầy đủ. Sau sự kiện người được ghép mặt đầu tiên trên thế giới, đây là sự kiện gây xôn xao trong giới y học.
Vì nhiều lý do, nên tên của người đàn ông đầu tiên trong lịch sử y học được cấy ghép cả hai tay đầy đủ không được tiết lộ. Được biết, bệnh nhân 54 tuổi này được ghép tay của một thanh niên 19 tuổi, không may qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Còn người đàn ông 54 tuổi bị mất cả hai tay trong một vụ tai nạn khi làm đồng 6 năm về trước.
Cuộc phẫu thuật được nhóm 30 chuyên gia do hai bác sỹ Edgar Biemer và Christoph Hoehnke đứng đầu tiến hành ở bệnh viện Isar, Munich. Ca phẫu thuật kéo dài suốt 16 giờ từ ngày 25/7-26/7.
Bệnh nhân được cấy ghép hai tay đã tỉnh và đang bình phục rất tốt.
Người tặng cánh tay đã bị chết não nhưng cánh tay được “giữ sống” cho đến khi cuộc cấy ghép được tiến hành.
Cho đến nay, các bác sỹ cho biết bệnh nhân được cấy ghép tay đang bình phục rất tốt. Ông đã tỉnh và đã mỉm cười được với vợ. Bệnh nhân sẽ vẫn phải ở lại bệnh viện và được chăm sóc đặc biệt trong 5 tuần.
Hai tay được cấy ghép là của một thanh niên 19 tuổi, chết trong một vụ tai nạn xe hơi.
Giáo sư Edgar Biemer, trưởng nhóm phẫu thuật, đã nảy ra ý tưởng cấy ghép tay khi nhìn thấy bệnh nhân trên truyền hình. Ông cho biết vẫn còn quá sớm để có thể tuyên bố ca phẫu thuật cấy ghép đã thành công.
“Khi cấy ghép, khả năng từ chối với các chi mạnh hơn so với các bộ phận khác, bởi da ở đây là hàng rào miễn dịch tốt nhất của cơ thể. Theo bản năng, nó sẽ từ chối làn da mà nó không nhận biết được”.
Vì nhiều lý do nên tên người được cấy ghép tay không được tiết lộ.
Tuy nhiên, giáo sư cho biết “đã có các loại thuốc mới để ngăn chặn sự từ chối này. Và bệnh nhân sẽ phải uống thuốc trong suốt cả cuộc đời”.
Theo giáo sư, rất khó đoán được ảnh hưởng tâm lý đối với người đàn ông nhận được cánh tay của một cậu thiếu niên ít hơn ông tới 35 tuổi.
Giáo sư Edgar Biemer, trưởng nhóm tiến hành ca cấy ghép.
Được biết 30 chuyên gia được chia thành 5 nhóm để thực hiện cuộc phẫu thuật “thần tốc” trên. Hai nhóm, mỗi nhóm sẽ có nhiệm vụ tách một cánh tay của người hiến, trong khi hai nhóm khác chuẩn bị cấy ghép vào cho bệnh nhân. Nhóm thứ năm đảm nhiệm tách tĩnh mạch của người hiến. Đây là bước cần thiết để “khai thông” mạch máu cho bệnh nhân.
Giáo sư Biemer cho biết các bác sỹ phẫu thuật sau đó nối xương cánh tay trên của người hiến vào với hốc vai của bệnh nhân trước khi nối các động mạch và tĩnh mạch.
Và mặc dù việc nối các dây thần kinh cũng rất thành công nhưng phải mất hai năm bệnh nhân mới có cảm giác ở các đầu ngón tay.
Ca cấy ghép tay đầu tiên được thực hiện ở Lyon, Pháp, vào tháng 9/1998. Người được cấy một bàn tay mới là Clint Hallam, người Australia. Ông đã bị một chiếc cưa cắt mất bàn tay từ 16 năm trước đó.
Mặc dù cuộc phẫu thuật năm đó thành công, nhưng sau đó ông Hallam cho biết ông “không kết nối” được với bàn tay mới. Và theo yêu cầu của Hallam, tháng 2/2003, bàn tay mới đã được tháo bỏ.
Hallam, người đầu tiên được cấy ghép bàn tay chụp ảnh sau ca phẫu thuật.
Hai năm rưỡi về trước, các bác sỹ Pháp cũng cấy ghép một phần mặt cho Isabelle Dinoire, 38 tuổi, sau khi cô bị chó cắn.
Còn 5 năm về trước, một bệnh nhân người Áo cũng được cấy ghép một phần tay. Sau ca phẫu thuật bệnh nhân này có đôi bàn tay và phần dưới của cánh tay mới.
Phan Anh
Theo Dailymail