Bush cha đã đúng
(Dân trí) - Cuối cùng tổng thống George W.Bush đã chịu nghe lời cha. Nước Mỹ chấp nhận thảo luận với Iran và Syria trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Iraq là nhờ vào người sinh thành ra vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ.
Tuần này, Bush cha khích lệ con trai quan tâm hơn tới báo cáo nghiên cứu về Iraq của James Baker công bố mùa thu năm ngoái. Một trong những khuyên bảo của ông Baker - Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Bush cha đồng thời là một nhà ngoại giao lão luyện, là tiến hành đối thoại với Iran và Syria.
Tuần trước, Ngoại trưởng Condolezza Rice tuyên bố, Mỹ đồng ý tham dự Hội nghị an ninh ở Iraq. Lo ngại những phản đối của phái diều hâu trong đảng Cộng hòa, bà Ngoại trưởng biện hộ chính quyền tổng thống Bush đã có những thay đổi trong chính sách từ chối đối thoại với "kẻ thù". Một sự quay ngoắt 1800, bởi từ 3 năm nay, Mỹ khăng khăng từ chối đối thoại với Damas và Tehran.
Nhượng bộ đầu tiên là Mỹ chấp nhận tham dự Hội nghị quốc tế về Iraq có Iran và Syria. Sau đó, các đại diện của Mỹ tuyên bố, những cuộc gặp tương tự trong Hội nghị có thể diễn ra nếu cần thiết.
Tổng thống George Bush giải thích, sở dĩ có động thái này là vì Mỹ muốn "thử nghiệm" khả năng trở thành "những lực lượng mang tính xây dựng" của Damas và Teheran, hai nước bị cáo buộc gây ra tình trạng mất ổn định tại Iraq.
Trưởng đoàn đại diện của Washington, cố vấn của bà Rice về vấn đề Iraq David Satterfield cho biết, đã có thảo luận trực tiếp hoặc có sự hiện diện của đại diện các nước khác bên lề Hội nghị quốc tế giữa Mỹ với Iran và Syria. Các bên chỉ tập trung thảo luận về Iraq và không đề cập tới hồ sơ hạt nhân Iran.
Người ta không hi vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Nhưng chí ít, tại Bagdad, người ta đã thành công trong thống nhất các nền tảng cho sự hợp tác có thể trong tương lai. Rất có thể tiến triển mới là các cuộc thương lượng cấp cao dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới tại Thổ Nhĩ Kỳ, tại đó bà Rice có thể tham dự với các đồng nhiệm Iran và Syria. Một cuộc gặp bên lề Hội nghị tại Iraq thể hiện sự thay đổi thái độ đáng kể của Nhà Trắng, sau các thành công có được trong hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên nhờ ngoại giao.
Còn bà Rice, nhà ngoại giao vốn nổi tiếng mang tư tưởng cứng rắn cuối cùng đã phát hiện ra những lợi ích của chủ nghĩa thực dụng. Vài ngày sau khi bật đèn xanh cho việc Mỹ tham gia vào Hội nghị Iraq, người ta được biết bà cũng đã phái gấp một cộng sự thân cận đến Syria. Ngày 8/3, bà Ellen Sauerbrey, cố vấn phụ trách các vấn đề nhập cư đã rời Washington đi Damas để thảo luận vấn đề người tị nạn Iraq.
Theo ông Houchang Hassan Yari thuộc trường Đại học quân sự hoàng gia Canada, chính sách mềm dẻo và cởi mở hơn của bà Rice rất đúng lúc. Tại Iran, những người theo đường lối ôn hòa đang từng bước thắng thế trong bộ máy chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Ông Ali Larijani, cố vấn an ninh quốc gia của Iran mới đây cho rằng, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ là rất có ích. Còn về phía Mỹ, trong Nhà Trắng, Phó tổng thống Dick Cheney và các trợ thủ đắc lực thân cận phản đối chủ trương đối thoại với "kẻ thù" đã bị gạt sang bên lề chính trường.
Các chuyên gia vẫn thường cho rằng, Tổng thống Bush chưa bao giờ là ông chủ thực sự trong chính sách đối ngoại. Đến tận mùa thu năm ngoái, mọi quyết sách đối ngoại của Tổng thống Bush đều phải tham khảo ý kiến của Cheney, Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld và Chúa trời. Sau khi phát động cuộc chiến tại Iraq, ông Bush tiết lộ, mỗi khi cần có ý kiến, ông lại thỉnh cầu Đấng Tối cao. Và từ nay, người mà ông có thể xin lời khuyên chính là vị thân sinh.
Ngọc Nhàn
Tổng hợp