Bước đi nhỏ trong chiến lược lớn
Nhật Bản hiện đang ngỏ ý muốn trở thành một thành viên trong tập đoàn sản xuất tên lửa SeaSparrow (Chim sẻ biển) gồm 12 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tên lửa Sea Sparraw.(Ảnh: AFP)
Động thái này được giới quan sát đánh giá là bước đi đầu tiên trong chiến lược tham gia các dự án quốc phòng đa quốc gia của Nhật Bản, đồng thời tỏ rõ quyết tâm của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thay đổi chính sách an ninh quốc gia.
Theo chính sách mới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia chịu lệnh cấm vận của Liên hợp quốc (như Iran, Triều Tiên) hoặc đang vướng vào các cuộc xung đột. Tuy nhiên, Tokyo vẫn được phép xuất khẩu trong các trường hợp nhằm đóng góp cho hòa bình thế giới và phục vụ lợi ích an ninh của Nhật Bản.
SeaSparrow là loại vũ khí hiện đại, được các công ty Raytheon và General Dynamics của Mỹ thiết kế nhằm phá hủy các tên lửa chống hạm và tấn công máy bay. Việc Nhật Bản gia nhập tập đoàn sản xuất SeaSparrow của NATO sẽ khiến chi phí của dự án gia tăng nhưng Washington lại coi đây là một tín hiệu tốt, bởi lẽ Tokyo là đối tác công nghiệp quân sự hàng đầu của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh khu vực đang tồn tại nhiều thách thức an ninh tiềm tàng.
Rõ ràng, những hợp đồng như sản xuất tên lửa SeaSparrow có ý nghĩa quan trọng về thương mại và công nghệ đối với chính quyền Thủ tướng Abe. Nhật Bản vốn là một trong những nước có ngành công nghiệp quân sự tiên tiến, nhưng các công ty như Mitsubishi trong thời gian dài chỉ sản xuất vũ khí, trong đó có tên lửa SeaSparrow, cho quân đội nước này vì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.
Tuy nhiên, động thái này còn được hiểu như một phần của chiến lược chính trị - đối ngoại lớn hơn mà Nhật Bản đang tiến hành nhằm tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia có cùng chí hướng và lợi ích. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định, “bằng cách cung cấp các hợp phần của tên lửa, mối quan hệ giữa Tokyo và Washington sẽ tiếp tục được cải thiện”. Trước đó, đề xuất cung cấp tàu ngầm trị giá 20 tỷ USD giữa Nhật Bản và Australia hồi cuối năm 2014 cũng bắt nguồn từ tư duy này.
Mặt khác, quan hệ đối tác giữa NATO và Tokyo, vốn hiếm thấy ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sẽ tạo ra một mạng lưới an ninh vươn ra bên ngoài khuôn khổ chính thức của liên minh – chủ yếu liên quan đến Mỹ và các đồng minh khu vực khác của họ. Một quan chức Hải quân Mỹ trả lời Reuters rằng: “Chúng tôi hoan nghênh hoạt động hợp tác về an ninh của Nhật Bản trong khu vực”.
Dù thương vụ tham gia sản xuất tên lửa SeaSparrow hứa hẹn sẽ giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản trở nên cạnh tranh, tiết kiệm và hiệu quả hơn, Tokyo có thể sẽ mất đi quyền kiểm soát quy trình sản xuất loại tên lửa này. Việc vận chuyển các hợp phần của tên lửa từ các nước khác có thể dễ dàng bị gián đoạn hơn so với việc Nhật Bản tự chế tạo, nhất là khi hai nước xảy ra bất đồng. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng, Nhật Bản cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở pháp lý cũng như kỹ thuật mới để tham gia hiệu quả vào thị trường vũ khí của NATO - vốn được đánh giá là vô cùng cạnh tranh.
Theo Hàn Giang
Thế giới và Việt Nam
Thế giới và Việt Nam