1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bulgaria ruồng bỏ dịch vụ vũ khí Nga

Do chi phí sửa chữa phi đội 14 chiếc MiG-29 Nga đưa ra quá đắt đỏ, Bulgaria đã buộc phải chuyển hướng sang nhờ cậy Ba Lan.

Từ bỏ Nga

Thông tin này được tờ The Moscow Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Nikolai Nenchev hôm 6/7 cho biết. Theo đó, Ba Lan sẽ trở thành nguồn cung ứng dịch vụ và nâng cấp các máy bay chiến đấu cho nước này thay vì Nga trước kia.

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine trở nên căng thẳng khiến Bulgaria lâm vào tình thế khó xử trong các mối quan hệ thương mại, quân sự, năng lượng với Nga.

Việc nước này chuyển hướng sang Ba Lan để bảo dưỡng máy bay là một bước đi mới để dần dứt bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Nga.

"Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để giảm sự phụ thuộc vào Nga", ông Nenchev nói, "Bulgaria là thành viên NATO duy nhất phụ thuộc tới gần 90% vào Nga. Điều này khiến tôi rất lo lắng và tôi không muốn tiếp tục theo hướng này".

Tiêm kích MiG-29 trong Không quân Bulgaria.
Tiêm kích MiG-29 trong Không quân Bulgaria.

Bulgaria đã ký hợp đồng bảo dưỡng nâng cấp phi đội MiG-29 với Nga và tới tháng 9, hợp đồng này mới hết hạn. Song, theo ông Nenchev, hợp đồng giữa Bulgaria và Ba Lan có thể được ký kết ngay trong tháng 7 này.

Dù Bộ trưởng Nikolai Nenchev tuyên bố, việc nhờ cậy Ba Lan trong gói nâng cấp phi đội MiG-29 nhằm giảm lệ thuộc vào Nga, tuy nhiên theo đánh giá của Tạp chí Jane's Defence Weekly, nguyên nhân chính quyết định này là giá thành Nga đưa ra cho gói nâng cấp là quá "chát".

Trước đó, hãng thông tấn Sofia (Bulgaria) cũng từng dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Nikolay Nenchev cho biết, việc sửa chữa dàn tiêm kích MiG-29 đã vượt quá tầm tay của nước này do chi phí có thể tốn kém bằng việc mua 16 chiếc MiG-29 mới.

Với số tiền tương đương dùng để sửa chữa các tiêm kích MiG-29, Bulgaria có thể mua tới 16 máy bay chiến đấu đã qua sử dụng một chút hoặc thậm chí là hoàn toàn mới. Chúng vừa đáp ứng được các yêu cầu của NATO lại vừa có chi phí sửa chữa ít tốn kém hơn.

Theo các nguồn tin công khai thì Bulgaria hiện đang sở hữu 12 máy bay máy bay chiến đấu MiG-29 và hai máy bay chiến đấu huấn luyện MiG-29UB, ngoài ra còn một số loại máy bay khác.

Như vậy, nếu tính theo đơn giá sửa chữa được được ông Nikolay Nenchev đưa ra, chi phí để sửa chữa 14 chiếc MiG-29 của Không quân nước này còn tốn kém hơn việc mua 16 chiếc MiG tương tự đã qua sử dụng hoặc hoàn toàn mới.

Hệ thống tên lửa phòng không Crotale.
Hệ thống tên lửa phòng không Crotale.

Vũ khí bị loại bỏ

Theo hãng tin Reuters, căng thẳng với phương Tây khiến vũ khí Nga đang dần bị thay thế trong quân đội các nước "đồng minh". Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, Pháp sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không Crotale cho Gruzia theo khuôn khổ hợp đồng được ký kết ở Paris đầu tháng 6/2015.

Dù thông tin chi tiết quanh bản hợp đồng này được bảo mật, nhưng Tbilisi ca ngợi bản hợp đồng đó là một "bước đột phá" bởi vì các nước phương Tây trước đây khá hạn chế bán các vũ khí phòng thủ cho Quân đội Gruzia.

Trong thông báo của mình, Bộ Quốc phòng Gruzia công bố các hình ảnh về tổ hợp radar Ground Master 200 (GM200 là radar phòng không tầm ngắn đa nhiệm vụ chiến thuật 3D) và tên lửa Crotale (hệ thống phòng không tầm ngắn hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết). Crotale do hãng Thales sản xuất từ cuối những năm 1970 dùng cho nhiệm vụ đánh chặn các loại máy bay, tên lửa hành trình bay thấp.

Tổ hợp Crotale gồm hai thành phần chính: xe mang phóng tên lửa với bệ phóng 2-8 ống kết hợp với radar theo dõi (đặt giữa hai cụm ống phóng) và xe radar giám sát/điều khiển hỏa lực (tầm trinh sát 20km, có thể theo dõi đồng thời 8 mục tiêu cùng lúc). Hệ thống trang bị các loại đạn tên lửa có tầm bắn 11-16km, độ cao 6.000-9.000m tùy biến thể.

Bộ trưởng Tina Khidasheli tiết lộ thêm, việc Gruzia mua tổ hợp Crotale nhằm mục đích dần thay thế các tổ hợp tên lửa phòng không do Liên Xô và Nga sản xuất. Hiện lực lượng phòng không Gruzia đang có trong trang bị các tổ hợp Osa-AKM, 9K35 Strela-10 và Tor.
 
Vũ khí Nga không chỉ dần bị loại bỏ không thương tiếc trong quân đội Gruzia mà quân đội Slovakia cũng khiến vũ khí Nga chịu chung số phận. Reuters dẫn nguồn tin quân sự Slovakia cho biết, Không quân Slovakia có kế hoạch mua 9 máy bay trực thăng Black Hawk của Mỹ để thay thế những chiếc trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất.

Đại diện Bộ Quốc phòng Slovakia, ông Martin Kambalik cho biết: "Quyết định giảm sự phụ thuộc vào Nga đã được Bộ Quốc phòng Slovakia thông qua ngay lập tức sau khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, và bây giờ chúng ta thấy rằng quyết định này là đúng".

Ông Martin Kambalik giải thích thêm về sự thay đổi này: "Chúng tôi phải sửa chữa một số thiết bị của trực thăng Mi-17, nhưng do các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga đã cấm nhập khẩu phụ tùng thay thế cho Mi-17".

Ngoài việc thay thế dàn trực thăng Mi-17, hồi tháng 12/2014, Slovakia đã quyết định mua hai máy bay vận tải quân sự C-27J Spartan để thay thế máy bay AN-26 của Nga.

Hiện nay, Slovakia cũng đang xem xét khả năng cho “nghỉ hưu” 6 chiếc máy bay tiêm kích MiG-29, được mua vào năm 1995 và có kế hoạch mua 8-12 máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen của Thụy Điển.

 
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt