1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bulgaria khốn đốn vì Nga cắt nguồn cung khí đốt

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria vào tuần trước đã khiến các công ty lớn và nhỏ ở nước này phải tranh nhau nguồn cung vì lo ngại việc cắt giảm lượng giao hàng và giá cả tăng.

Bulgaria khốn đốn vì Nga cắt nguồn cung khí đốt - 1

Bulgaria nhập khẩu hơn 90% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trong nhiều thập niên (Ảnh: AFP).

Ông Valery Krastev, chủ sở hữu một nhà máy sản xuất bánh mì ở thị trấn Montana thuộc phía bắc Bulgaria, nói với giọng đầy lo lắng: "Chúng tôi đã ở trên bờ vực. Chúng tôi sẽ phải tăng giá thêm nữa. Mọi người sẽ trả tiền cho chiếc bánh mì này như thế nào khi giá tăng?".

Chính phủ Bulgaria khẳng định có "lựa chọn thay thế" đối với khí đốt của Nga và sẽ không giảm nguồn cung cho người tiêu dùng, đồng thời gọi động thái ngừng giao hàng của Moscow là "hành động tống tiền".

Nga đã yêu cầu khách hàng mua khí đốt phải thanh toán bằng đồng rúp thay vì USD hay EUR, động thái có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt mà phương Tây đã áp dụng đối với Nga.

Ba Lan và Bulgaria đã kiên quyết từ chối điều kiện thanh toán khí đốt do Nga đặt ra. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã quyết định ngừng giao hàng cho hai nước này vào ngày 27/4.

Kể từ đó, các nước láng giềng của Bulgaria đã can thiệp, tăng cường giao hàng cho nước này, nhưng vấn đề là Bulgaria nhập hơn 90% khí đốt từ Nga trong nhiều thập niên qua.
Nhưng việc thiếu một giải pháp dài hạn để đảm bảo nhu cầu hàng năm của thành viên EU này, với khoảng 3 tỷ m3 khí đốt, đang khiến các doanh nghiệp cả lớn và nhỏ lo lắng.

Nhiều người sống ở thủ đô Sofia vẫn còn nhớ tháng 1/2009 khi một công ty khai thác khí đốt giữa Nga-Ukraine cắt việc giao hàng tới châu Âu trong nhiều ngày liên tục, khiến nhà của họ không được sưởi ấm suốt mùa đông lạnh giá và chính phủ phải áp dụng chính sách phân bổ khí đốt theo hạn mức cho các ngành công nghiệp.

Cho đến nay, nguồn cung cấp cho cơ sở tiện ích Toplofikacia của Sofia vẫn chưa bị gián đoạn, theo người đứng đầu thành phố Alexander Alexandrov. Cơ sở này chiếm gần 40% tổng lượng khí đốt trong cả nước để cung cấp cho 1,5 triệu người, chiếm 1/4 dân số Bulgaria.

"Nhưng chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động hơn 24 giờ nếu nguồn cung khí đốt bị cắt hoàn toàn", ông Alexandrov nói với AFP, đồng thời cho biết thêm rằng việc chuyển trở lại sử dụng dầu nhiên liệu sẽ có "tác động môi trường nghiêm trọng".

Bộ trưởng Năng lượng Alexander Nikolov xác nhận Bulgaria đã phải trả thêm 10% để đảm bảo nhận đủ lượng khí đốt cho tháng 5 thông qua một công ty kinh doanh khí đốt trung gian.

"Tôi không thể tin ai đó đang cố gắng thuyết phục rằng điều này tốt cho chúng tôi. Không, không phải vậy", Konstantin Stamenov, người đứng đầu Liên đoàn Tiêu dùng Năng lượng Công nghiệp (BFIEC) kiêm giám đốc điều hành cấp cao của một công ty sản xuất thép, nói.

Để giữ giá và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng, chính phủ đã tuyên bố sẽ đa dạng hóa các nhà cung cấp. Họ cũng đang đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn tất kế hoạch xây dựng một đường ống lớn khác nối mạng lưới khí đốt Bulgaria với Hy Lạp vào cuối tháng 6.

Điều này sẽ cho phép nhà điều hành khí đốt nhà nước Bulgargaz đàm phán về việc tăng nguồn cung theo hợp đồng hiện có với Azerbaijan lên 1,0 bcm hàng năm và nhận thêm khí đốt từ các nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Hy Lạp.

Thủ tướng Kiril Petkov cũng nói rằng, chính phủ đang đàm phán để mua LNG từ Mỹ và Ai Cập. Các nhà phân tích cho rằng, giá thậm chí có thể giảm nếu quốc gia này cố gắng đảm bảo các hợp đồng dài hạn để giao LNG.

Chuyên gia năng lượng Martin Vladimirov từ Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ có trụ sở tại Sofia nói với AFP: "Chúng tôi có cơ hội rất lớn để đạt được sự đa dạng hóa ổn định nguồn cung khí đốt".

Tuy nhiên, nhà kinh tế học Georgy Angelov từ tổ chức Open Society, Mỹ, cảnh báo "khả năng này sẽ không thể thành hiện thực trong một sớm một chiều".

Hiện tại, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường tại trạm nén khí của công ty Bulgartransgaz gần Ihtiman, nơi khí đốt Nga vẫn được lưu chuyển qua các đường ống màu vàng.

Nhưng Bulgargaz, nhà điều hành khí đốt quốc gia Bulgaria, không còn được phép sử dụng bất kỳ phần nào trong dòng khí đốt này, bởi hầu hết chúng được chuyển tới Hy Lạp và Bắc Macedonia.

Theo AFP