1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bức tranh thế giới năm 2011 - Phác họa từ những mảng màu cũ

(Dân trí) - Năm 2011, lãnh đạo thế giới phải làm quen với môi trường chính trị quốc tế khác; an ninh thế giới đan xen những mảng cấu trúc mới; tình hình châu Âu sẽ kéo tụt mức tăng trưởng kinh tế của châu Á; khí hậu biến đổi và hậu quả sẽ nặng nề hơn…

Đó vài nét chấm phá trong bức tranh thế giới năm 2011 phác họa từ những mảng màu của năm cũ.

Bức tranh thế giới năm 2011 - Phác họa từ những mảng màu cũ - 1
2011 là năm với con vật chủ biểu tượng là Thỏ hoặc Mèo theo lịch phương Đông

Triển vọng địa chính trị

Trong năm 2010, trật tự thế giới được coi như trật tự đa cực bấp bênh, do sự tách biệt giữa yếu tố địa chính trị và địa kinh tế: nếu như Mỹ vẫn được coi là cường quốc có ưu thế về địa chính trị và đặc biệt là yếu tố quân sự, thì nước này lại mất đi rất nhiều khả năng kiểm soát trong lĩnh vực địa kinh tế của thế giới; Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và các vấn đề toàn cầu - sự thay đổi kết cấu này khiến cho quan hệ Trung-Mỹ lộ rõ tính nhạy cảm và quan trọng.

Trong năm 2010, sức mạnh kinh tế và tài chính của các quốc gia mới nổi đã gia tăng đáng kể. Sang đầu thế kỷ 21, "thế hệ thứ 2 của các cường quốc mới nổi" (đặc biệt là Nam Phi, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, một phần nào là Thổ Nhĩ Kỳ) đang quyết tâm thiết lập sự thay đổi về các mối quan hệ chính trị trên thế giới theo hướng cân bằng. Sự phát triển của Nhóm Cairns (gồm 19 quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp) và sự ra đời của nhóm G-20 cho thấy sự nổi lên về vai trò của các quốc gia phương Nam (đặc biệt là Brazil, Ấn Độ và Nam Phi) trong thương mại quốc tế hiện nay. Vai trò của các nhà ngoại giao thuộc các quốc gia mới nổi hiện nay là thông qua sức nặng về kinh tế và tài chính mà bày tỏ quan điểm nêu trên nhưng cũng thử xác định lại chương trình nghị sự của thế giới.

Về triển vọng địa chính trị thế giới năm tới 2011, nhiều ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế. Sau một giai đoạn dài hợp tác, hệ thống quốc tế giờ đây đang đối mặt với sự trở lại của bầu không khí cạnh tranh, thậm chí rất gay gắt. Trong năm 2011, lôgích này có thể sẽ làm xói mòn các mối quan hệ quốc tế. Ba khả năng xấu có thể xảy ra là quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, bất đồng gia tăng trong Liên minh châu Âu (EU) và thất bại của những nỗ lực thúc đẩy giải quyết một trong những hồ sơ lớn trong lịch trình ngoại giao quốc tế- nhất là vấn đề biến đổi khí hậu và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Năm 2011 cũng được dự báo là một năm mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải làm quen với một môi trường chính trị quốc tế mới.

An ninh với những cấu trúc mới

Thế giới trong năm 2010 chứng kiến một loạt cuộc diễn tập quân sự trên bộ, trên không, trên biển, trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Đó chỉ là bề nổi của tảng băng an ninh toàn cầu đang hình thành ngầm những cấu trúc mới dưới bề mặt chìm.

Viễn cảnh địa chính trị châu Á sẽ ra sao trong những thập kỷ tới là điều không dễ dự đoán. Tuy nhiên, châu Á đang dần xây dựng cấu trúc an ninh mới khi có một Trung Quốc ngày càng mạnh bạo và nỗ lực của Mỹ củng cố vai trò tại khu vực. Giới phân tích cho rằng xét về tương quan lực lượng an ninh tại châu Á, hiện vẫn chưa có một quốc gia hay liên minh nào có thể đối đầu với sức mạnh Mỹ trong vòng 1/4 thế kỷ tới. Nhưng Mỹ vẫn tiếp tục vai trò trung tâm ở châu Á như một đối tác về an ninh và hòa bình của các đồng minh và đối tác khác khi sẵn sàng đứng bên cạnh các quốc gia này lúc có biến cố. Điều này sẽ quyết định sức mạnh và quy mô của hệ thống liên minh quân sự tại châu Á trong những năm tới.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang có bước chuyển mới trên con đường tái cấu trúc. Trong một thế giới thay đổi, với nhiều mối đe dọa mới, tên lửa đạn đạo, khủng bố và tấn công mạng, NATO đang tìm cách xác định lại vai trò và lý do cho sự tồn tại của tổ chức này. Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 19-20/11 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) được xem là một bước ngoặt quan trọng. NATO đã công bố Khái niệm chiến lược mới, với một lộ trình vạch ra cho tương lai, thay thế văn kiện trước đó của tổ chức này năm 1999. Điểm trọng tâm là NATO khẳng định lại tầm quan trọng của điều 5 Hiến chương tổ chức, quy định một cuộc tấn công nhằm vào một trong những nước thành viên NATO được xem là tấn công nhằm vào NATO. NATO nhấn mạnh đến những mối đe dọa mới, đặc biệt là tấn công mạng Internet. Khái niệm chiến lược mới sẽ chỉ ra các cuộc tấn công mạng có thể được xem là hành động xâm lược.

Trong khi đó, Mỹ Latinh đang có những thay đổi lớn trong cuộc chạy đua vũ trang và năm 2011 sẽ tiếp tục đà này. Mạng tin ALAI mới đây trích dẫn một báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết trong số các nước đang phát triển trên thế giới, Brazil đang dẫn đầu về chi phí nhập khẩu vũ khí trong năm 2009 với 7,2 tỷ USD. Con số này vượt xa chi phí 5 tỷ USD cho chương trình tín dụng xã hội, được coi là một trong những điểm mạnh nhất và được chính phủ nước này ưu tiên hàng đầu.

Kinh tế với nhiều mối lo

Trong báo cáo sơ bộ về triển vọng kinh tế được đưa ra đầu tháng 12, Liên hợp quốc hy vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3,1% trong năm 2011 và 3,5% trong năm 2012, thấp hơn dự báo tăng trưởng 3,6% trong năm 2010 và còn lâu mới đủ để khôi phục số việc làm bị mất trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển và cho rằng các nền kinh tế châu Á sẽ tiếp tục dẫn dắt sự hồi phục kinh tế toàn cầu.

Chưa khắc phục xong hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong năm 2010, châu Âu lại phải đương đầu với những khó khăn tài chính nghiêm trọng của Hy Lạp và Ireland. Châu Âu đã phải nỗ lực cứu giúp hai nước này bởi vì đây là những thách thức to lớn, đe dọa sự tồn tại của chính EU. Hiện nay, nhiều giới lo ngại là Bồ Đào Nha, Bỉ và Tây Ban Nha cũng có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng như Hy lạp, Ireland vào thời gian tới vì các nước này đang bị thiếu hụt ngân sách rất lớn, kinh tế suy đồi và nạn thất nghiệp cao. Trong hai năm 2011 và 2012 có thể coi là thời gian thử thách gay go nhất cho số phận của đồng Euro nói riêng và tương lai của EU nói chung, vì hai đầu tầu kinh tế và chính trị là Pháp và Đức bước vào các năm chuẩn bị tranh cử các chức vụ quan trọng nhất là tổng thống và Quốc hội.

Kinh tế Mỹ sẽ không cải thiện nhiều trong năm 2011. Họ cho rằng Quốc hội Mỹ, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tháng 11, sẽ phải điều hành một nền kinh tế và thị trường việc làm mà triển vọng sẽ không có nhiều cải thiện trong năm tới. Các nhà kinh tế cho rằng có lẽ sự yếu kém kéo dài về kinh tế của Mỹ và châu Âu có thể lại là vấn đề ít gây lo lắng nhất đối với châu Á trong năm 2011 bởi lẽ khu vực này đang phải đối phó với thách thức đáng sợ hơn nhiều - đó là những áp lực lạm phát có nguy cơ gây mất ổn định. Lượng tiền mặt lưu thông tăng mạnh đang gây thêm áp lực đối với các nền kinh tế châu Á, buộc các nền kinh tế này hoặc phải nâng lãi suất hoặc phải để đồng tiền của mình vốn đã tăng giá nhiều so với đồng USD tăng giá thêm.

Năm 2011 sẽ tiếp tục là một năm đi lên của biểu đồ giá vàng. Giá vàng đã tăng 26% kể từ đầu năm 2010 đến nay. Những lo ngại về khu vực sử dụng đồng euro là nguyên nhân chính thúc đẩy giá kim loại quý này đi lên trong nửa đầu năm 2010. Còn trong 6 tháng cuối năm, động lực chủ yếu là đồng USD yếu đi, khiến vàng có hơn mười lần phá vỡ các kỷ lục về giá của chính nó.

Khí hậu biến đổi và những cảnh báo

Nhiều dự báo cho rằng năm 2011, lũ lụt sẽ còn nặng nề hơn. Đáng sợ nhất trong số các hiện tượng thiên nhiên là động đất và núi lửa phun trào. Nhiều trận thiên tai loại này đã để lại dấu vết vô hình mà đậm nét trong ký ức nhân loại và đi vào lịch sử. Nỗi nguy hiểm đối với nhân loại còn là những thiên tai khác như nước lụt, bão, hạn hán, cháy rừng, lở đất, lũ cuốn. “Dữ liệu thống kê cho thấy, nếu đà gia tăng tổn thất vẫn tiếp tục theo nhịp độ như vậy thì đến giữa thế kỷ này, tổng khối lượng thiệt hại chung trên thế giới sẽ lến tới 300 tỷ USD một năm. Chừng đó có nghĩa là bằng hầu như một nửa GDP toàn cầu”.

Trong khi đó, nhiều nơi sẽ bị hạn hán nặng nề. Nạn hạn hán kéo dài "hành hạ" nhiều quốc gia trong năm 2010 đã làm nổi lên một câu hỏi nhức nhối: Liệu thế giới có đủ nước dùng? Vấn đề bao hàm không chỉ nước uống, mà còn cả cái gọi là “nước ẩn tàng”. Châu Phi là lục địa khô thứ 2 sau Australia và ngày càng có nhiều người châu Phi trở thành nạn nhân của hiện tượng thiếu nước, trong khi mà lục địa đen lại có nguồn nước lớn như các sông Công, Nil, Nigiê, hay các hồ nước như Sát và Victoria. Nhưng theo một nghiên cứu của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (CEDEAO), các nước châu Phi chỉ kiểm soát được 4% tiềm năng thuỷ lợi, trong khi tại các nước giàu là 70% và 80% ở châu Á. Hiện nay, có khoảng 14 nước thuộc lục địa đen đang sống trong tình trạng khan hiếm nguồn nước và 11 nước khác sẽ có chung số phận vào năm 2025. Nguy cơ thế giới đối mặt với cuộc chiến tranh giành nước đã hiển hiện.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vấn đề biến đổi khí hậu đang làm nhiều người trên thế giới lâm vào cảnh đói ăn hơn.

Dù vậy, cũng có những dự báo lạc quan hơn, nhưng không phải đến từ các nhà phân tích mà từ chiêm tinh gia. “Năm 2011 với chúng ta sẽ là quãng thời gian yên bình. Dù rằng chỉ là khoảng lặng trước giông tố: cuộc khủng hoảng kinh tế kế tiếp sẽ ập tới vào năm 2013-2014”, đó là lời dự đoán do chiêm tinh gia nổi tiếng nhất của nước Nga Pavel Globa đưa ra. “Rất ít khả năng để năm 2011 là năm “thu hoạch tai vạ” như địa chấn, tai nạn kỹ thuật đáng sợ mà nhất là chiến tranh. Nặng nhất cũng chỉ là xung đột bất ổn ở vùng các đảo. Nếu ở đâu đó xảy ra biến cố quân sự, thì đó sẽ là Cận Đông, có thể là trong khu vực của Iran gần Caspi”, ông nói.

 

Nguyễn Viết
Tổng hợp