"Bóng dáng" Trung Quốc phía sau thỏa thuận lịch sử của Mỹ và đồng minh
(Dân trí) - Mặc dù cam kết an ninh mới của Mỹ, Anh và Australia hoàn toàn không đề cập cụ thể tới Trung Quốc, nhưng "yếu tố Bắc Kinh" được cho là phủ bóng thỏa thuận này.
Một quan hệ đối tác an ninh mới ở châu Á - Thái Bình Dương có tên gọi AUKUS vừa được công bố, cho phép Anh và Mỹ cung cấp công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả AUKUS là thỏa thuận "lịch sử", cho thấy quyết tâm của chính quyền Tổng thống Joe Biden xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mặc dù giới chức Mỹ khẳng định sự ra đời của AUKUS không nhằm chống lại Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng thỏa thuận này đã báo hiệu sự thay đổi về chiến lược và chính sách trên toàn khu vực, trong đó phải tính đến Bắc Kinh.
Theo BBC, thời điểm công bố thỏa thuận mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. AUKUS được thiết lập chỉ một tháng sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, trong bối cảnh có những nghi ngờ đã được đặt ra về cam kết của Mỹ trong khu vực.
Trong khi đó, Anh cũng mong muốn can dự sâu hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU), còn Australia ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Đây là một "thỏa thuận lớn" vì (AUKUS) cho thấy rằng, cả 3 quốc gia đều đang vạch ra một ranh giới để bắt đầu đối phó với các động thái quyết liệt của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thỏa thuận này công khai thể hiện lập trường phối hợp của chúng tôi về vấn đề này cũng như cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và an toàn - điều mà 70 năm qua đã mang lại sự thịnh vượng cho tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc", Guy Boekenstein, quan chức an ninh cấp cao của chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia, cho biết.
Công nghệ nhạy cảm
Theo công bố của Mỹ, Anh và Australia, thỏa thuận AUKUS bao gồm việc chia sẻ thông tin và công nghệ trong một số lĩnh vực như tình báo, công nghệ lượng tử, tên lửa hành trình. Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất của thỏa thuận là hợp tác về tàu ngầm hạt nhân. Các tàu này sẽ được đóng tại thành phố Adelaide ở nam Australia với sự tham vấn của Mỹ và Anh về công nghệ sản xuất.
"Tàu ngầm hạt nhân có năng lực phòng thủ to lớn và do vậy ảnh hưởng đến cả khu vực. Chỉ có 6 quốc gia trên thế giới có tàu ngầm hạt nhân. Dù chưa cần trang bị vũ khí hạt nhân, song các tàu ngầm này vẫn có khả năng răn đe đáng kể", Michael Shoebridge, giám đốc quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định.
Các tàu ngầm hạt nhân có khả năng tàng hình cao hơn nhiều so với các tàu ngầm thông thường. Chúng hoạt động yên tĩnh hơn, có thể di chuyển dễ dàng và khó bị phát hiện hơn.
Ít nhất 8 tàu ngầm sẽ được đóng, dù chưa rõ khi nào chúng sẽ được triển khai. Australia khẳng định tàu ngầm mới không được trang bị vũ khí hạt nhân, mà chỉ được cung cấp năng lượng hạt nhân.
Theo Yun Sun, đồng giám đốc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, thỏa thuận AUKUS cho thấy Mỹ và Anh sẵn sàng thực hiện một bước đi đột phá trong việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Chính điều này đã làm nên sự đặc biệt của AUKUS.
"Tàu ngầm hạt nhân là công nghệ cực kỳ nhạy cảm. Đây là một ngoại lệ trong chính sách của chúng tôi trên nhiều khía cạnh. Tôi không cho rằng sẽ có thêm ngoại lệ như vậy trong các trường hợp khác sau này. Chúng tôi xem đây là một lần duy nhất", một quan chức Mỹ nói với Reuters.
"Bóng dáng" Trung Quốc
AUKUS được công bố trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái phô diễn sức mạnh và tầm ảnh hưởng trong khu vực.
"Chúng ta đã nghe thấy những tuyên bố về sự hợp tác và sau đó chúng ta chứng kiến những mối đe dọa nhằm vào Đài Loan, các sự kiện ở Hong Kong và việc quân sự hóa nhanh chóng ở Biển Đông. Vì vậy, khi nói đến các vấn đề chiến lược, các biện pháp răn đe dường như là cách duy nhất có ý nghĩa chống lại Trung Quốc", ông Shoebridge nói.
Mỹ đang đầu tư mạnh mẽ vào các quan hệ đối tác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ. Theo ông Shoebridge, thỏa thuận AUKUS có thể mang lại lợi ích cho tất cả các nước này trước những lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
"Thông báo (về thỏa thuận AUKUS) phù hợp với sự tham gia ngày càng nhiều của các nền dân chủ lớn nhất thế giới để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng sức mạnh của họ", ông Shoebridge nói thêm.
Mặc dù AUKUS không đề cập cụ thể tới Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn "phủ bóng" nội dung của thỏa thuận này.
"Thỏa thuận này hoàn toàn được thúc đẩy bởi những lo ngại về Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không được đề cập trong các tuyên bố, nhưng tất cả đều liên quan tới Trung Quốc", giáo sư David Capie, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược tại Đại học Victoria, New Zealand, nhận định.
Trong 20 năm qua, Australia vẫn đang cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Tuy nhiên, với việc thông qua AUKUS, Australia dường như đã thể hiện lập trường rõ ràng hơn, đó là nghiêng về phía Mỹ, thay vì Trung Quốc.
Trong tương lai gần, quan hệ Australia - Trung Quốc được dự đoán sẽ rơi vào một thời kỳ lạnh nhạt, khi Bắc Kinh có thể xem xét trừng phạt Canberra vì thỏa thuận AUKUS. Thủ tướng Australia cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có "lời mời cởi mở" để thảo luận về thỏa thuận mới.
Theo CNN, Australia không đơn độc trong việc xích lại gần Mỹ. Richard McGregor, chuyên gia cao của Viện Lowy, cho biết các thành viên khác của liên minh an ninh "Bộ Tứ", gồm Ấn Độ và Nhật Bản, cũng đang làm việc với chính quyền Tổng thống Joe Biden để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"AUKUS chỉ là một trong nhiều thỏa thuận và quan hệ đối tác khác nhau đang được xây dựng trên toàn khu vực để đối phó với Trung Quốc", ông McGregor cho biết.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác địa chính trị khác nhau được cho là nhằm đối phó Trung Quốc, trong đó có nỗ lực thúc đẩy quan hệ với NATO, G7, Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), Ngũ Nhãn (Mỹ, Anh, Canada, New Zealand, Australia). Tuần tới, ông Biden sẽ tiếp các lãnh đạo Bộ Tứ trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của khối này tại Nhà Trắng.