Từ nay, trong đảng Cộng hòa các đảng viên cấp tiến chi phối cuộc bầu cử sơ bộ - đây sẽ là một vấn đề lớn đối với việc thu hút phiếu bầu của các cử tri độc lập. Điều này khiến người ta nhớ lại chiến dịch tranh cử của Mitt Romney năm 2012... Một lập trường tổng hợp không thể nghĩ tới lâu nay - cứng rắn trong chính sách đối ngoại, mềm dẻo đối với các vấn đề xã hội - sắp thắng thế ở Mỹ.
Bà Clinton có một hình ảnh mạnh mẽ, đầy quyền lực.
Kết quả của các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân hồi tháng 11/2014 đã phản ánh rõ ràng những mong đợi của người dân Mỹ. Nếu Thượng viện nghiêng về phía Đảng Cộng hòa, chúng ta không nên bỏ qua thực tế là nhiều cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức đồng thời trên hầu khắp nước Mỹ, với những kết quả thường trái ngược với kết quả các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Chẳng hạn ở bang Arkansas của ông bà Bill và Hillary Clinton.
Một đảng viên Cộng hòa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thống đốc bang, nhưng cũng ngày hôm đó, người dân đã bỏ phiếu ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu. Điều tương tự cũng xảy ra tại Illinois, bang quê nhà của bà Hillary. Tại bang Alaska, đảng viên Cộng hòa cũng thắng cử chức Thống đốc bang, nhưng cùng thời điểm, người dân đã bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép sử dụng chất ma túy. Tương tự, từ nay, 4 bang đã hợp pháp hóa việc sử dụng chất ma túy... Một biểu hiện khác của sự tiến bộ trong quan điểm truyền thống của phe tả: Hôn nhân đồng tính từ nay được hợp pháp hóa tại 35 bang.
Tuy nhiên, bà Hillary Clinton hoàn toàn thích ứng với những bước tiến triển chính trị và xã hội này. Cho dù không thuộc phe tự do nhất của đảng Dân chủ - mà hiện thân là bà Elizabeth Warren, song không vì thế mà bà Hillary không ủng hộ hôn nhân đồng tính và việc tăng mức lương tối thiểu - điều đã được thực hiện khi chồng bà là chủ nhân của Nhà Trắng - và bà chỉ trích gay gắt những biện pháp tra tấn mà Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã áp dụng từ năm 2002 đến năm 2006, như đã được tiết lộ trong một báo cáo của Thượng viện Mỹ hồi cuối năm 2014.
Bà có nhiều kinh nghiệm khi từng đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Mỹ.
Ngược lại, trong chính sách đối ngoại, Hillary tỏ ra rất cứng rắn kể từ khi bà thôi chức Ngoại trưởng ngày 1/2/2013. Theo bà, đây là cách tách khỏi ông Obama, đồng thời thể hiện một niềm tin sâu sắc. Đối với bà, Mỹ không bao giờ phải hạ vũ khí trước những kẻ thù tiềm tàng.
Về cách phản ứng với lực lượng IS, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ ủng hộ những người có đường lối cứng rắn: Bà ủng hộ các cuộc tấn công và khẳng định, trong cuốn hồi ký "Thời điểm của những quyết định" của bà, rằng bà đã hoài công thuyết phục Tổng thống Obama cung cấp vũ khí ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa cho lực lượng nổi dậy Syria chống chính quyền của Tổng thống Bashar Assad.
Nhờ kinh qua chức Ngoại trưởng, bà Hillary đã tạo dựng cho mình hình ảnh của một người phụ nữ quyền lực có đủ khả năng trở thành một "tổng tư lệnh" giỏi giang. Điều đã làm nên sự khác biệt hoàn toàn với năm 2008.
Bà Clinton có thể tận dụng một số chính sách mà ông Obama đang theo đuổi.
Cũng giống như ông Obama hồi năm 2008 và 2012, bốn quân chủ bài của Hillary Clinton sẽ cho phép bà mở rộng cử tri đoàn, một điều cần thiết để bà giành chiến thắng. Bên cạnh lá phiếu của nữ cử tri, bà cũng sẽ cần lá phiếu của các cộng đồng thiểu số.
Liệu những người Mỹ gốc Phi có quay lại bỏ phiếu bầu bất chấp sự thất vọng mà Tổng thống Obama đã gây ra khiến họ rất thờ ơ với các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2014? Về phần những người Mỹ gốc Latinh, tuyên bố về việc bình thường hóa quan hệ với Cuba sẽ là một lợi thế rất lớn cho ứng cử viên đảng Dân chủ năm 2016.
Thực vậy, các ứng cử viên đảng Cộng hòa, với những chỉ trích gay gắt việc xích lại gần Cuba, đã không phản ánh được quan điểm của đa số người dân tại một đất nước mà 68% dân số muốn chấm dứt lệnh cấm vận đối với Cuba. Tệ hơn nữa, hai nhân vật hăng hái đòi tiếp tục cấm vận Cuba lại là Jeb Bush (cựu thống đốc bang Florida) và Marco Rubio (thượng nghị sĩ bang Florida) mặc dù có tới 80% trong số 1,5 triệu người Mỹ gốc Cuba sinh sống, tại bang này và hơn một nửa trong số họ ủng hộ việc chấm dứt lệnh cấm vận; một tỷ lệ còn lớn hơn nữa trong số thanh niên, những người có lẽ sẽ không ngần ngại bỏ phiếu cho bà Hillary...
Cần nói rằng không phải tới phút chót bà Hillary mới ủng hộ việc xích lại giữa Washington và La Habana, điều đã được bà biện hộ trong cuốn hồi ký "Thời điểm của những quyết định".
Ngoài ra, bà Hillary có thể tận dụng chính sách hợp thức hóa cư trú cho hàng triệu người nhập cư, chủ yếu đối với người Mỹ gốc Latinh, mà Tổng thống Obama đã áp dụng. Một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện sau bài phát biểu của ông Obama về Cuba hồi tháng 12/2014 cho thấy 61% người Mỹ gốc Latinh ủng hộ bà Hillary trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016: Tăng 11 điểm trong toàn bộ dân số Mỹ.
TK/Politique internationale