1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bốn cuộc chiến ở Syria

Cuộc xung đột ở Syria đang đứng trước bước ngoặt lớn. Chiến tranh không còn chỉ là cái cớ cho cuộc đối đầu giữa các cường quốc và các nước trong khu vực bởi tất cả những gì đang diễn ra đều nằm trong sự tính toán của các bên liên quan.

Đó là nhận định của bài viết có tựa đề “Bốn cuộc chiến ở Syria” đăng trên tờ Le Point của Pháp mới đây...

Chiến dịch không kích của Mátxcơva

Theo Le Point, can thiệp quân sự vào Syria từ tháng 9-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thay đổi cách tiếp cận trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Mục tiêu của Tổng thống Nga rất rõ ràng và cũng được ông Putin đưa ra trong các cuộc họp báo.

Thứ nhất là bảo vệ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Nga, tiến tới một giải pháp chính trị ổn định Syria.

Thứ hai là tiêu diệt quân khủng bố.

Tuy nhiên, theo Le Point, Nga đã quyết tâm bảo vệ Hemeimeem, căn cứ hải quân duy nhất của mình ở Trung Đông, bằng cách lựa chọn ra đòn không kích IS vào thời điểm có thể nói là “thiên thời, địa lợi” và một lần nữa vị thế của Nga tại khu vực lại được nâng cao.

Một yếu tố khác cũng được nhắc đến đó là việc giữ chân Syria như là một bàn đạp của Nga vào Trung Đông.

Hiện nay, chiến dịch không kích IS của Nga ở Syria đang đạt được kết quả tích cực, nhưng lại cho thấy sự thất bại của phương Tây.

Ý đồ của Ankara

Ngày 13-2 vừa qua, trong một động thái bất ngờ, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu nã pháo vào căn cứ của lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria, chỉ vài giờ sau khi ban lãnh đạo nước này tuyên bố nếu cần thiết, Ankara sẽ áp dụng những biện pháp quân sự chống người Kurd ở Syria.

Mục tiêu tấn công người Kurd ở Syria của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được các chuyên gia nhận định là nhằm vào hai mục đích.

Thứ nhất là buộc Tổng thống Al-Assad từ bỏ quyền lực.

Thứ hai là dưới vỏ bọc chống khủng bố, ngăn chặn sự nổi dậy của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) lộng hành.

Theo Le Point, đối với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, IS đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn khi tổ chức này không ngừng mở rộng mạng lưới chiêu mộ những người Hồi giáo dòng Sunni, lực lượng chiếm phần lớn dân số đất nước. Trong khi đó, mối đe dọa từ PKK cũng không kém phần quan ngại, do lực lượng này đang giành được những thắng lợi liên tiếp ở Iraq và Syria. Một khi có thêm sức mạnh, PKK sẽ yêu cầu có quyền tự trị lớn hơn, thậm chí đòi độc lập và gây rủi ro cho cấu trúc trung ương tập quyền của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc đối đầu giữa A-rập Xê-út và Iran

Sự kình địch truyền thống giữa hai quốc gia lớn trong khu vực càng thể hiện rất rõ qua những gì đang xảy ra trên lãnh thổ Syria. Tehran là đồng minh chủ chốt của chế độ Syria, hai quốc gia được ràng buộc bởi một thỏa thuận quân sự từ năm 1990. Mối quan hệ mật thiết với các nhà lãnh đạo Syria theo dòng Hồi giáo Shiite cho phép Iran có được một chỗ đứng vững chắc ở khu vực Địa Trung Hải.

Trong khi đó, A-rập Xê-út lại muốn sự “ra đi” của Tổng thống Al-Assad và Syria phải được lãnh đạo bởi người Hồi giáo theo dòng Sunni. Với cái cớ chống IS, A-rập Xê-út đã hỗ trợ tài chính và quân sự cho phe đối lập ở Syria.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, do lo ngại sự hoành hành của IS và tư tưởng cực đoan nổi lên, Riyadh đã thành lập một liên minh Hồi giáo chống khủng bố với sự tham gia của 30 quốc gia trên thế giới. Ngày 14-2 vừa qua, 20 quốc gia đã tề tựu ở miền Bắc A-rập Xê-út để tham gia cuộc tập trận quân sự "quan trọng nhất" trong khu vực.

Cuộc tập trận mang tên "Thunder of the North" (Thần Sấm phương Bắc) với sự tham gia của các lực lượng lục-không-hải quân phát đi một "thông điệp rõ ràng" rằng Riyadh và các đồng minh "luôn đoàn kết trong việc đối phó với mọi thách thức nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực".

Thậm chí mới đây, Riyadh ám chỉ về khả năng điều bộ binh tấn công IS ở Syria. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo rằng, sự can thiệp bằng bộ binh vào Syria mà không được sự chấp thuận của chính quyền Tổng thống Al-Assad bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế.

Căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Cùng với các bên có ảnh hưởng trên "bàn cờ" Syria, chiến dịch không kích IS của Nga và việc Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào lực lượng người Kurd tại Syria đang tạo ra một "quả bom chực chờ phát nổ", trong chuỗi khủng hoảng địa chính trị đã bước sang năm thứ 5 tại Syria.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo qua biên giới với Syria ngày 16-2.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo qua biên giới với Syria ngày 16-2.

Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên rất xấu kể từ tháng 11-2015 sau khi Ankara bắn rơi máy bay Su-24 của Nga tại khu vực giáp biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, hai bên đều không đưa ra bất cứ một nhượng bộ nào, trong khi mục tiêu chính trị của hai bên ở Syria đang đi ngược chiều nhau.

Ngày 13-2 vừa qua, Nga đã điều tàu tuần tra mang theo tên lửa hành trình Kalibr tới khu vực Địa Trung Hải sau khi tổ chức các cuộc diễn tập quy mô lớn ở Biển Đen, biển Caspi và phía Nam của LB Nga. Đối với các nhà quan sát, thông qua các cuộc diễn tập này, Mátxcơva muốn thể hiện sức mạnh của mình đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến cả Wasington và Brussels lo lắng, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và có thể cầu viện các thành viên khác nếu lãnh thổ bị tấn công. Kịch bản này khiến tình hình hiện tại có nguy cơ bùng nổ càng cao.

Trong khi đó, cộng đồng thế giới lo ngại, Ankara có thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, không chỉ với Syria mà cả với Nga và Iran.

Theo Bình Nguyên

Quân đội nhân dân