1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bóc mẽ toan tính của Trung Quốc khi gây hấn ở biển Đông, Hoa Đông

Nhiều chuyên gia cảm thấy khó hiểu về cách hành xử gần đây của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Liệu có phải Bắc Kinh đang hy vọng đạt được mục tiêu của mình thông qua việc cô lập với các nước láng giềng và phá hoại sự ổn định trong khu vực?

Giáo sư Hugh White, chuyên gia phân tích về các vấn đề chiến lược tại Đại học quốc gia Australia đã đưa ra lời giải thích cho câu hỏi trên: Trung Quốc đang cố gắng xây dựng những gì mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là "một mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới". Để hiểu mục tiêu về các hành động gây hấn của Bắc Kinh như thế nào, chúng ta phải thừa nhận rằng dưới "mô hình nước lớn kiểu mới", ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc có quyền lực và sự ảnh hưởng nhiều hơn ở châu Á so với những gì nước này đã có trong vài thế kỷ qua. Nghĩa là Bắc Kinh có nhiều quyền lực và sự ảnh hưởng hơn trong khi Mỹ phải giảm đi. Đây là những gì mà giới lãnh đạo của Trung Quốc đang cố gắng để đạt được.

Bóc mẽ toan tính của Trung Quốc khi gây hấn ở biển Đông, Hoa Đông

Tàu Trung Quốc (màu trắng) tìm cách ngăn chặn tàu cảnh sát biển của Việt Nam tiếp cận khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép.

Giải thích cho vấn đề này cũng hết sức đơn giản. Vị trí của Mỹ ở châu Á được xây dựng trên cơ sở mạng lưới các liên minh và quan hệ đối tác với nhiều nước láng giềng của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng làm suy yếu các mối quan hệ này là cách dễ nhất để làm suy yếu quyền lực của Mỹ trong khu vực. Và Trung Quốc biết rằng, đằng sau các cụm từ ngoại giao hoa mỹ, nền tảng của các liên minh và quan hệ đối tác là sự tin cậy từ đồng minh và bạn bè ở châu Á đối với Mỹ khi Washington có khả năng và sẵn sàng bảo vệ họ trước sức mạnh của Trung Quốc.

Vì vậy, cách đơn giản nhất với Bắc Kinh trong việc làm suy yếu sức mạnh của Washington ở châu Á là làm suy yếu lòng tin. Và cách dễ nhất để làm điều đó với Bắc Kinh là khiến cho những đồng minh và đối tác của Mỹ gặp vấn đề mà Mỹ không thể trực tiếp tham gia, ví dụ như những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bằng cách sử dụng áp lực vũ trang trực tiếp trong các tranh chấp này, Trung Quốc làm cho các nước trong khu vực chờ đợi sự hỗ trợ từ Mỹ, nhưng đồng thời cũng làm cho Mỹ ít có khả năng để sẵn sàng trợ giúp vì nguy cơ rõ ràng về xung đột trực tiếp trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Nói cách khác, Bắc Kinh đang buộc Washington phải đối mặt với sự lựa chọn, hoặc là bỏ rơi đồng minh, đối tác của mình, hoặc là đối đầu với Trung Quốc. Bắc Kinh đang đánh cược rằng, khi phải đối mặt với sự lựa chọn này, Mỹ sẽ quay lưng lại với đồng minh và bạn bè của mình. Điều này sẽ làm suy yếu mối quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ, làm suy yếu sức mạnh của Mỹ ở châu Á, và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc.

Nhìn từ góc độ này có thể hiểu được động cơ và hành vi gây hấn của Trung Quốc ở khu vực biển Đông và biển Hoa Đông gần đây.

Kể từ khi Tổng thống Obama tuyên bố "xoay trục" về châu Á, Trung Quốc đã kiểm tra sự sẵn sàng của Mỹ trong việc hỗ trợ đồng minh Philippines tại bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough) và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, trong chuyến công du châu Á vào tháng trước, ông Obama đã tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc thực hiện tái cân bằng tới tới châu Á của mình.

Sau đó, Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm bằng cách tạo áp lực ở nhiều khu vực khác nhau. Và những gì chúng ta đang thấy là việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - một động thái được cho là thách thức những tuyên bố của ông Obama và có thể sẽ sớm tạo ra những áp lực khác đối với Nhật Bản và Philippines.

Tất nhiên điều này sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ, do đó, Trung Quốc tin rằng Mỹ sẽ từ bỏ bạn bè của mình thay vì tham gia vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc, ngay cả khi vị trí của Washington bị suy yếu ở châu Á. Sự tự tin này được phản ánh thông qua 2 đánh giá chủ yếu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đầu tiên, Bắc Kinh cho rằng khả năng "chống tiếp cận" mới của Trung Quốc có thể khắc chế Mỹ, giành thắng lợi nhanh chóng và dễ dàng trong một cuộc đụng độ trên biển ở khu vực Đông Á. Điều này được khích lệ thông qua việc Mỹ thừa nhận học thuyết "tác chiến không - biển" của Lầu Năm Góc không thể chiếm ưu thế trong vùng biển này nếu không mở một cuộc tấn công lớn nhằm vào lãnh thổ của Trung Quốc. Một cuộc tấn công như vậy rõ ràng là có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn và có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ Mỹ cũng nhận thấy rằng Washington không thể tin tưởng chiến thắng trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.

Thứ hai, Bắc Kinh tin rằng lợi thế đang đứng về phía Trung Quốc. Washington rõ ràng muốn duy trì vai trò của mình ở châu Á, nhưng Bắc Kinh thậm chí còn quyết tâm hơn. Hành vi của Trung Quốc cho thấy các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh tin rằng Washington hiểu sự mất cân bằng này. Điều đó làm cho Trung Quốc tự tin với việc giới lãnh đạo Mỹ cho rằng Bắc Kinh sẽ không lùi bước trước trong một cuộc khủng hoảng.

Châu Á hiện đang xuất hiện mầm mống của sự ngộ nhận lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington và Bắc Kinh đang có nguy cơ lao vào một cuộc đối đầu khi những hành vi gây hấn của Trung Quốc trở nên trắng trợn hơn nhằm vào các nước láng giềng, thách thức những cam kết của Mỹ. Cả hai đều nghĩ rằng bên kia sẽ nhượng bộ để tránh một cuộc đụng độ, nhưng nhiều tín hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang sai lầm với suy nghĩ này. Ai đó cần phải thay đổi bản chất của cuộc chơi để ngăn chặn nguy cơ dẫn đến một thảm họa.

Theo Công Thuận